07:18 16/07/2015

Thỏa thuận hạt nhân Iran và vai trò không thể thiếu của Nga

Đó chính là những sáng kiến hết sức hiệu quả, mà phái đoàn Nga đưa ra, giúp tháo gỡ tình thế bế tắc của các vòng đàm phán đầy cam go, vốn kéo dài hàng thập kỷ qua.

Những ngày này, báo chí Nga hầu hết cùng chung nhận định cho rằng Thỏa thuận hạt nhân Iran, được ký hôm 14/7, là một thành công lớn của nền ngoại giao nước này, song bên cạnh đó, cũng phải thừa nhận, đúng như đánh giá của Tổng thống Mỹ Barack Obama rằng: Nếu thiếu Nga sẽ không thể đạt được thỏa thuận mang tính lịch sử này của nền chính trị-ngoại giao thế giới.

Khủng hoảng trong quan hệ giữa Iran và phương Tây về chương trình hạt nhân của Iran đã kéo dài trong suốt 13 năm qua, và tuy Mỹ là nước khởi xướng cuộc đối thoại giữa Iran và nhóm P5+1, song có thể thấy rõ nếu không có Nga, thì chưa rõ bao giờ những nỗ lực lâu dài của cộng đồng quốc tế để tìm kiếm giải pháp chính trị ngoại giao cho vấn đề hạt nhân của Iran mới đạt được kết quả.

Có thể thấy rõ vai trò quan trọng của Nga, tạo nên bước đột phá giúp đạt được thỏa thuận hạt nhân Iran. Đó chính là những sáng kiến hết sức hiệu quả, mà phái đoàn Nga đưa ra, giúp tháo gỡ tình thế bế tắc của các vòng đàm phán đầy cam go, vốn kéo dài hàng thập kỷ qua. Theo nội dung thỏa thuận, 96% urani đã làm giàu của nước này sẽ được bán một phần, một phần sẽ được làm nghèo và chuyển hóa thành nhiên liệu hạt nhân để cung cấp cho các nhà máy điện hạt nhân của Nga. Đổi lại, phương Tây sẽ nới lỏng các biện pháp trừng phạt Iran. Các lệnh cấm vận vũ khí sẽ tiếp tục có hiệu lực trong vòng 5 năm và cấm vận công nghệ chế tạo tên lửa tầm xa có hiệu lực trong vòng 8 năm. Các thanh sát viên quốc tế có quyền tiếp cận các cơ sở quân sự của Iran.

Tổng thống Nga Putin bắt tay Tổng thống Iran Rouhani.


Vai trò tích cực của Nga trong tiến trình đàm phán cũng được chính Tổng thống Mỹ Obama ghi nhận trong cuộc phỏng vấn với tờ New York Times, khi ông khẳng định rằng nếu không có sự hỗ trợ từ phía Liên bang Nga, thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran đã không thể đạt được. Tổng thống Mỹ đã không giấu giếm sự ngạc nhiên trước thái độ phân minh của Nga. Ông thừa nhận mặc dù giữa Nga và Mỹ có những khác biệt về vấn đề Ukraine, song Nga đã không đánh đồng hai sự việc.

Cái kết có hậu trong quá trình đàm phán thỏa thuận về vấn đề hạt nhân của Iran đem lại nhiều hy vọng trong việc giải quyết những bất đồng quốc tế. Điều này cũng đem lại hy vọng cho Nga, đúng như nhận định của Tổng thống Nga Vladimir Putin, rằng cả thế giới đã "thở phào nhẹ nhõm" khi thỏa thuận về hạt nhân của Iran được ký kết. Việc Iran được gỡ bỏ trừng phạt cũng có thể giúp cho các lệnh trừng phạt của phương Tây với Nga bớt "ngột ngạt" hơn. Moskva khẳng định, nên gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí để Iran có thể giúp chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).

Bên cạnh những mặt thuận lợi khá rõ đối với Nga, cũng cần nhận thấy Thỏa thuận hạt nhân Iran phần nào cũng là tin xấu của ngành kinh doanh dầu khí Nga. Tuy nhiên xét ở khía cạnh khác, thỏa thuận này lại mở ra một cánh cổng mới để Nga có thêm nhiều lợi ích kinh tế và chiến lược trong khu vực, mở ra những cơ hội để Nga gây ảnh hưởng nhiều hơn tại khu vực Trung Đông.

Có thể thấy rõ, Iran sẽ có được vị thế quyền lực mới sau thỏa thuận, và điều đó đồng nghĩa với việc Nga sẽ có cơ hội gây ảnh hưởng nhiều hơn tại khu vực Trung Đông. Thêm vào đó, Nga và Iran đều sẽ được hưởng lợi từ các cơ hội thương mại về nhiên liệu hạt nhân, thiết bị quân sự và việc bán các hệ thống chống tên lửa tiên tiến S-300.

Nga đã từ lâu cung cấp vũ khí cho Iran với tổng doanh số bán hàng lên đến gần 3,4 tỷ USD từ năm 1991-2010, và với việc nếu được dỡ bỏ cấm vận vũ khí, Nga hy vọng cuộc mua bán béo bở này sẽ được nối lại, vì trong thời điểm hiện tại Iran đang rất cần vũ khí cho hoạt động quân sự của mình. Trong khi đó phương Tây không có vẻ gì là sẽ bán vũ khí cho Iran trong thời gian tới, ngay cả khi lệnh cấm vận vũ khí Iran được dỡ bỏ.

Một điểm nữa không thể không nói tới đó là trong bối cảnh hơn một năm qua, Mỹ và phương Tây luôn tìm cách tẩy chay Nga trong các công việc quốc tế, liên quan đến "câu chuyện Ukraine", thì có thể thấy cuộc đàm phán dẫn tới việc ký kết Thỏa thuận hạt nhân Iran lần này là một thành công của nỗ lực và sự kiên trì đàm phán quốc tế. Và chắc chắn nó sẽ chưa thể có được nếu thiếu sự hợp tác của Nga. Rõ ràng, sự kiện đạt được thỏa thuận về hạt nhân của Iran là một minh chứng về vai trò không thể chối bỏ của Nga trong các vấn đề quốc tế.

Thỏa thuận hạt nhân Iran không chỉ góp phần củng cố lợi ích của cộng đồng quốc tế, củng cố chế độ không phổ biến hạt nhân, giảm căng thẳng ở khu vực Trung Đông, mà nó còn mở ra những tia hy vọng tăng cường vai trò đối thoại của Nga với Mỹ và phương Tây trong việc bảo đảm an ninh và ổn định trên toàn thế giới.

Quế Anh (P/v TTXVN tại LB Nga)