04:13 07/04/2015

Thỏa thuận hạt nhân Iran - thắng lợi ngoại giao của ông Obama

Thỏa thuận hạt nhân sơ bộ giữa Iran và Nhóm P5+1 có thể coi là một thắng lợi ngoại giao vang dội của Tổng thống Mỹ Barack Obama trước "phe diều hâu" hiếu chiến.

Báo chí Canada cho rằng Thỏa thuận hạt nhân sơ bộ giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) ký kết ngày 2/4 có thể coi là một thắng lợi ngoại giao vang dội của Tổng thống Mỹ Barack Obama trước "phe diều hâu" hiếu chiến và những người phản đối đường lối ngoại giao mềm dẻo của ông.

Thỏa thuận này có thể là một tác nhân làm thay đổi yếu tố địa chính trị tại khu vực Trung Đông nói riêng cũng như trên toàn thế giới nói chung, đồng thời đây cũng có thể được coi là một "di sản" chính sách đối ngoại của Tổng thống Obama.

Thỏa thuận đạt được đã chứng minh rằng rõ ràng cách tiếp cận ngoại giao mềm dẻo tốt hơn là cách tiếp cận bằng vũ lực, đe dọa ném bom các cơ sở hạt nhân của Iran. Đây cũng là một câu trả lời cho những chỉ trích rằng có thể chỉ vì đạt được một "di sản" trong nhiệm kỳ mà ông Obama sẽ phải xuống nước trước Iran, và rằng việc chấm dứt tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân của Iran là điều không tưởng.

Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết thỏa thuận khung vừa đạt được là một kết quả mang tính lịch sử. Ảnh: AFP/TTXVN


Theo đánh giá của ông Obama, cách tiếp cận của đời tổng thống trước rõ ràng không đem lại hiệu quả. Khi Tổng thống Bill Clinton rời nhiệm sở, Iran đã có gần 200 máy ly tâm; và cuối hai nhiệm kỳ của Tổng thống Bush (2000 - 2008), Iran đã phát triển được một chương trình hạt nhân tầm trung với hàng nghìn máy ly tâm hoạt động.

Thỏa thuận sơ bộ cho phép Iran chỉ giữ lại một số lượng uranium làm giàu thấp và lượng máy ly tâm ít, chỉ đủ để phục vụ hoạt động nghiên cứu dân sự. Đồng thời các hoạt động liên quan tới hạt nhân của Iran sẽ bị đặt dưới sự giám sát và kiểm tra thường xuyên của quốc tế trong thời hạn ít nhất là một năm với mục đích đảm bảo chắc chắn rằng Iran sẽ không mở rộng khả năng sản xuất vũ khí hạt nhân. Đổi lại, Iran sẽ sớm được nới lỏng các biện pháp trừng phạt mà họ đang bị Mỹ và phương Tây áp đặt. Các biện pháp này sẽ được chấm dứt hoàn toàn sau khi IAEA xác nhận Iran tuân thủ tất cả các nội dung cam kết. Bất cứ lúc nào Iran vi phạm, các biện pháp này sẽ "tự động có hiệu lực lại".

Nội dung thỏa thuận đạt được vừa rồi phần nào đã thỏa mãn phe chỉ trích, xoa dịu những lo lắng của số này, đồng thời đẩy những khó khăn về phía Iran. Mặc dù vẫn còn đó nhiều thách thức chính trị, pháp lý và tài chính từ nay cho đến lúc đạt được Thỏa thuận chính thức, nhưng những ràng buộc liên quan tới việc kiểm tra, xác minh, giám sát, và minh bạch trong Thỏa thuận sơ bộ đã đảm bảo ngăn chặn hoàn toàn việc Iran có khả năng chế tạo được vũ khí hạt nhân.


Lê Hoàng (P/v TTXVN tại Canada)