04:20 08/04/2015

Thỏa thuận hạt nhân Iran: Dễ mà khó

Thỏa thuận khung về vấn đề hạt nhân của Iran vừa được ký giữa nước này với Nhóm P5+1 (gồm 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) về lý thuyết sẽ là cơ sở cho một thỏa thuận cuối cùng, dự kiến sẽ ký trước ngày 30/6 tới.

Thỏa thuận khung về vấn đề hạt nhân của Iran vừa được ký giữa nước này với Nhóm P5+1 (gồm 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) về lý thuyết sẽ là cơ sở cho một thỏa thuận cuối cùng, dự kiến sẽ ký trước ngày 30/6 tới.

Các đại diện P5+1 và Iran sau khi kết thúc đàm phán ngày 2/4. Ảnh: AFP/TTXVN


Từ nay tới thời điểm đó, các bên sẽ thảo luận những chi tiết cuối cùng, nhưng không nhất thiết phải mang tính kỹ thuật như thỏa thuận khung vừa rồi. Cho dù các đường hướng lớn để đi tới thỏa thuận cuối cùng đã được vạch ra, nhưng rõ ràng là việc đạt được một văn bản như thế không hề dễ dàng hơn, và dự báo các cuộc thương lượng sẽ tiếp tục diễn ra căng thẳng.

Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ nội dung của thỏa thuận, dễ nhận thấy rằng cả hai bên đều đã có những nhượng bộ lẫn nhau. Hiện nay người ta cho rằng sự ổn định ở khu vực Trung Đông phụ thuộc vào giải pháp cho cuộc khủng hoảng này (hạt nhân của Iran) và sự tái hòa nhập của Iran vào khu vực và thế giới. Nếu các cuộc thương lượng đi tới một thỏa thuận cuối cùng thì đây sẽ là một thay đổi lớn trong mối quan hệ giữa Mỹ và Iran, buộc Iran phải tham gia tích cực hơn vào việc tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột ở Trung Đông cũng như các vấn đề quốc tế khác.

Có một thực tế dường như ai cũng thấy, đó là các cuộc chiến tranh của Mỹ đã tàn phá khu vực Trung Đông và một "liên minh ngầm" đã hình thành giữa Mỹ với Iran để chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq. Theo tính toán của Tổng thống Obama, một khi được "cởi trói", chính quyền hiện nay ở Iran có thể giúp Mỹ ổn định tình hình ở khu vực trọng yếu này của thế giới. Ngoài ra, những người Mỹ ủng hộ một thỏa thuận với Iran còn tính toán rằng nếu nước nhiều dầu lửa này nằm trong quĩ đạo chiến lược của Mỹ, nó sẽ giúp tăng cường đáng kể vị trí của Mỹ trong cuộc đối đầu với các đối thủ quan trọng nhất là Nga và Trung Quốc.

Cho dù các đường hướng lớn để đi tới thỏa thuận cuối cùng đã được vạch ra, nhưng rõ ràng là việc đạt được một văn bản như thế không hề dễ dàng hơn, và dự báo các cuộc thương lượng sẽ tiếp tục diễn ra căng thẳng.

Xã hội Iran đã hiện đại hóa từ khi diễn ra Cách mạng Hồi giáo năm 1979 và nếu thỏa thuận cuối cùng này được ký sẽ cho phép Iran phát triển mạnh mẽ hơn nhiều. Nó sẽ tạo thuận lợi cho các lực lượng ôn hòa ở Iran và có thể cho phép xã hội dân sự Iran có thêm một chút quyền lực chính trị và kinh tế. Tất cả những điều đó là tích cực đối với Iran và cả đối với toàn khu vực và thế giới nói chung.

Người ta đã chứng kiến những cảnh tượng hoan hỉ ở Iran sau khi các bên ký thỏa thuận khung cách đây vài ngày, và họ coi đây là một thắng lợi "hết sức quan trọng" của những người ôn hòa trước phái bảo thủ. Nhưng cần phải hiểu rằng tình hình ở Iran không đơn giản như nhiều người tưởng. Trong nội bộ Iran luôn tồn tại một cuộc đấu tranh chính trị quan trọng giữa các lực lượng ôn hòa và các lực lượng bảo thủ, và các lực lượng này không hoàn toàn có ý định đầu hàng trước thắng lợi này của những người ôn hòa, và chắc chắn họ sẽ làm tất cả để hạn chế ảnh hưởng chính trị của thắng lợi này.

Phạm Phú Phúc (Theo tờ "Trung Đông")