11:19 06/11/2012

Thổ Nhĩ Kỳ xét xử sĩ quan Israel tấn công tàu cứu trợ

Tòa án Istalbul của Thổ Nhĩ Kỳ đã xét xử vắng mặt 4 cựu sĩ quan quân đội cấp cao Israel liên quan vụ tấn công tàu cứu trợ của Thổ Nhĩ Kỳ năm 2010 ở biển Địa Trung Hải, sự kiện gây khủng hoảng trong quan hệ ngoại giao giữa 2 nước từng là đồng minh của nhau này.

Ngày 6/11, tòa án Istalbul của Thổ Nhĩ Kỳ đã xét xử vắng mặt 4 cựu sĩ quan quân đội cấp cao Israel liên quan vụ tấn công tàu cứu trợ của Thổ Nhĩ Kỳ năm 2010 ở biển Địa Trung Hải, sự kiện gây khủng hoảng trong quan hệ ngoại giao giữa 2 nước từng là đồng minh của nhau này.

Các công tố viên thụ lý vụ án trên đang tìm cách kết án tù chung thân đối với cựu Tổng Tham mưu trưởng quân đội Gaby Ashkenazi, cựu Tư lệnh Hải quân Eliezer Marom, cựu Chỉ huy cơ quan tình báo quân sự Amos Yadlin và cựu Chỉ huy cơ quan tình báo không quân Avishai Levy. Cơ quan quản lý con tàu nói trên cho biết tòa đã có đủ bằng chứng để kết án 4 bị cáo và vụ xét xử này có thể có tác động lớn về chính trị.

Ngày 31/5/2010, lính biệt kích Israel đột kích lên tàu Mavi Marmara treo cờ Thổ Nhĩ Kỳ, con tàu lớn nhất trong đội tàu được cơ quan cứu trợ Thổ Nhĩ Kỳ IHH điều đến Dải Gaza làm nhiệm vụ cứu trợ nhân đạo, khiến 9 nhà hoạt động Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng. Vụ tấn công đã dẫn đến việc Ankara hạ cấp quan hệ ngoại giao, cắt quan hệ quân sự với Israel và trục xuất đại sứ nước này khỏi Thổ Nhĩ Kỳ.

Con tàu Mavi Marmara của Thổ Nhĩ Kỳ từng bị hải quân Israel tấn công hồi tháng 5/2010. Ảnh: Internet.


Năm ngoái, phía Israel đã tiến hành điều tra vụ việc và khẳng định vụ đột kích không vi phạm luật quốc tế. Tel Aviv đồng thời kêu gọi quốc tế gây sức ép ngoại giao buộc Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt vụ xét xử mà họ cho là có thể ảnh hưởng đến hoạt động chống khủng bố của các lực lượng thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Mỹ ở Địa Trung Hải. Đây chính là lý do khiến 4 bị cáo liên quan không xuất hiện trước tòa.

Tuy nhiên, phía Thổ Nhĩ Kỳ coi kết quả điều tra của Israel thiếu độ tin cậy, đồng thời tuyên bố không nối lại quan hệ bình thường với Israel trừ phi Tel Aviv đưa ra lời xin lỗi chính thức, bồi thường cho các gia đình nạn nhân và hủy bỏ lệnh cấm vận đường biển đối với dải Gaza.

Theo một báo cáo của Liên hợp quốc công bố tháng 9/2011, Israel đã sử dụng vũ lực quá mức trong vụ tấn công tàu cứu trợ của Thổ Nhĩ Kỳ.


TTXVN/Tin tức