11:15 25/11/2010

Thổ Nhĩ Kỳ trong "Khái niệm chiến lược mới" của NATO

Theo mạng tin Nghiên cứu toàn cầu, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) lại một lần nữa tìm cách kiểm soát thế giới về chính trị và quân sự.

Theo mạng tin Nghiên cứu toàn cầu, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) lại một lần nữa tìm cách kiểm soát thế giới về chính trị và quân sự. Và sự đối đầu lớn sẽ diễn ra tại các nước Arập và Trung Á - một sự đối đầu sẽ thổi bùng các cuộc nội chiến và chiến tranh khu vực, sẽ dẫn tới sự thay đổi chế độ và có thể cả đường biên giới của một số quốc gia.

NATO đang có một "Khái niệm Chiến lược mới", gợi nhớ lại bầu không khí thời Chiến tranh Lạnh. Nói cách khác, khái niệm này dựa vào học thuyết chiến tranh chặn trước của Mỹ, để có thể thích nghi với "những nguy cơ mới" khi NATO phải "đối diện với các hoạt động khủng bố, việc giành các nguồn năng lượng cũng như các tuyến đường cung cấp, chống nạn cướp biển, tội phạm có tổ chức và chiến tranh mạng".

Các nhà chiến lược NATO đang chia thế giới theo quan điểm của Mỹ và những quan tâm của NATO đang tập trung vào khu vực Trung Á và Trung Đông. Việc kiểm soát những nước này cần sự hợp tác của một số nước là bạn bè của NATO và của Mỹ, như các nước Arập vùng Vịnh, Irắc và Thổ Nhĩ Kỳ. Mục tiêu của một liên minh như vậy là đối phó với Iran và bắt đầu bao vây Nga ở Trung Á, sau khi đã hoàn thành việc bao vây Nga ở châu Âu.
Điều này giải thích tại sao có những sức ép đòi Thổ Nhĩ Kỳ phải cho phép NATO triển khai lá chắn tên lửa trên đất của Ancara. Theo NATO, những tên lửa này nhằm vào Iran để ngăn quốc gia này không mở rộng ảnh hưởng của họ ở vùng Vịnh và Tây Á. NATO cũng đặt mục tiêu ép Thổ Nhĩ Kỳ quay lại quan điểm cũ của họ sau khi đã ngả quá mức sang phía Đông, suýt tiến tới thành lập một liên minh với Têhêran và Mátxcơva, và khao khát đóng một vai trò quan trọng tại Trung Đông bằng cách cộng tác với Xiri.

Việc giành lại Thổ Nhĩ Kỳ cũng có nghĩa là phá thế cô lập xung quanh Ixraen và dành chỗ cho Ten Avíp ở trung tâm chiến lược này mà không cần phải tuyên bố. Quả thực là Ixraen hiện đang là căn cứ quân sự chính của NATO và Mỹ tại Trung Đông. Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra một số điều kiện như việc không được nêu tên Nga, Iran hay bất kỳ quốc gia nào trong văn kiện của NATO, trước khi cho phép NATO triển khai lá chắn tên lửa trên đất Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, điều này không cản trở mục tiêu của lá chắn tên lửa là chống lại Têhêran, Mátxcơva và bảo vệ Ixraen, nhất là sau khi NATO đã xác định các khu vực nguy hiểm. NATO sẽ không chỉ dừng lại ở việc phòng thủ mà trên thực tế họ đã phê chuẩn việc tấn công hoặc triển khai chiến tranh ngăn chặn.

Trước đây, Ancara không cho phép Mỹ xâm lược Irắc từ đất của mình và đã đứng về phía Iran trong nhiều trường hợp. Mới đây nhất, Ancara đã bỏ phiếu chống lại việc trừng phạt Iran tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Tuy nhiên, lần này, Thổ Nhĩ Kỳ không có nhiều phương án lựa chọn, nhất là sau khi Ancara đã đạt được bước tiến dài hướng tới việc biến mình thành một cường quốc khu vực, có chiến lược riêng tại Trung Đông và Trung Á, khác xa những chính sách của NATO và Mỹ. Liệu khi ấy, Thổ Nhĩ Kỳ có từ bỏ giấc mơ về một "Đế chế Ottoman mới" để nhường chỗ cho ước mơ trở thành một phần của châu Âu hay không?

Các nhà chiến lược của NATO, trong đó có một số chuyên gia thời Chiến tranh Lạnh, như cựu Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright, đã trình trước Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại Lixbon một văn kiện, cho phép sử dụng Liên hợp quốc cũng như các tổ chức quốc tế và khu vực khác để phục vụ việc thực thi các kế hoạch của NATO.

Thanh Hoa(P/v TTXVN tại Canađa)