03:08 11/03/2019

Thổ Nhĩ Kỳ tố bị Mỹ gây áp lực vì cố mua S-400 của Nga

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan cho rằng Washington gây áp lực đối với Ankara vì quốc gia này đang trở thành một nhân tố chủ chốt độc lập trong khu vực.

Chú thích ảnh
Hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân S-400 của Nga. Ảnh: Sputnik

Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đe dọa chặn đứng mọi nguồn cung vũ khí tối tân cho đồng minh NATO nếu quốc gia này kiên quyết không rút khỏi thỏa thuận mua hệ thống phòng thủ S-400 của Nga.

Trước đó, vào ngày 9/3, Lầu Năm Góc tuyên bố Mỹ sẽ không chuyển giao 100 chiếc máy bay chiến đấu tàng hình F-35 mà Thổ Nhĩ Kỳ đã đặt mua cũng như không bán hệ thống tên lửa đất đối không Patriot nếu đồng minh NATO triển khai tổ hợp S-400 của Nga.

Phản ứng trước lời đe dọa mới nhất của Mỹ, Tổng thống Erdogan nhấn mạnh sức ép mà Washington gây ra xuất phát từ nguyên do Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng độc lập hơn trong hoạt động liên quan đến quốc phòng và an ninh khu vực.

“Mọi người đều biết rõ vấn đề chẳng liên quan đến NATO hay dự án F-35 hay an toàn của nước Mỹ. Vấn đề cũng không phải do S-400. Mà là vì Thổ Nhĩ Kỳ tự hành động theo ý mình khi nói đến những diễn biến trong khu vực, đặc biệt là tại Syria”, Tổng thống Erdogan lý giải.

Video sức mạnh hủy diệt của hệ thống S-400 Nga (nguồn: RT):

Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định việc đa dạng hóa các nhà cung cấp vũ khí, tăng cường phòng thủ tên lửa và không quân, trong lúc cuộc chiến Syria vẫn đang diễn ra ở biên giới và sau nỗ lực đảo chính quân sự năm 2016, là rất quan trọng đối với an ninh quốc gia. Ankara đã cân nhắc việc mua các hệ thống Patriot do Mỹ sản xuất, nhưng Nga đưa ra các điều khoản tốt hơn mà không có ràng buộc nào đối với S-400 - một đề nghị mà khách hàng không thể từ chối.

Mỹ nhiều lần đe dọa Thổ Nhĩ Kỳ bằng các hình thức trừng phạt nếu tiếp tục thỏa thuận trị giá 2,5 tỷ USD với Nga. Washington coi hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga là mối đe dọa tiềm tàng đối với vũ khí của Mỹ, đặc biệt là tàng hình cơ F-35, khẳng định rằng các thành viên NATO chỉ nên mua vũ khí trong khối để duy trì khả năng “phối hợp”.

Trong khi tranh cãi về S-400 và F-35 tiếp diễn, Ankara và Washington cũng đang cố gắng giải quyết những bất đồng của họ về vấn đề người Kurd Syria, đối tượng mà Thổ Nhĩ Kỳ luôn coi là khủng bố nhưng phía Mỹ lại hỗ trợ vũ trang trong nhiều năm. Cùng lúc đó, Thổ Nhĩ Kỳ cùng với Nga và Iran phối hợp bảo đảm cho một lệnh ngừng bắn ở một số khu vực tại Syria.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức