12:15 07/12/2013

Thổ Nhĩ Kỳ tiến gần hơn việc gia nhập EU

Cuối cùng thì Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã đồng ý chấp nhận hồi hương người tị nạn bất hợp pháp từ Liên minh châu Âu (EU), để đổi lại việc khối này hứa hẹn sẽ đơn giản hóa và tiến đến miễn thị thực nhập cảnh cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ.

Cuối cùng thì Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã đồng ý chấp nhận hồi hương người tị nạn bất hợp pháp từ Liên minh châu Âu (EU), để đổi lại việc khối này hứa hẹn sẽ đơn giản hóa và tiến đến miễn thị thực nhập cảnh cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ.

Hồi hương người nhập cư bất hợp pháp. Ảnh: Reuters


"Báo Độc lập" (Nga) cho biết chiều 5/12, tại Brussels, hai đại diện của châu Âu là Ủy viên phụ trách các vấn đề nội khối của EU, Cecilia Mamstroem và Ủy viên Hội đồng mở rộng và chính sách láng giềng của EU, Stefan Fule đã gặp gỡ Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, Ahmet Davutoglu để thảo luận về Hiệp định nhận trở lại, hồi hương người tị nạn bất hợp pháp xâm nhập châu Âu qua "điểm trung chuyển Thổ Nhĩ Kỳ".

Theo kế hoạch, văn bản này sẽ được ký tại Ankara vào ngày 16/12 tới. Các Ủy viên châu Âu tuyên bố, EU sẵn sàng áp dụng chế độ miễn thị thực cho các công dân Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi nước này phấn đấu không còn là một điểm quá cảnh cho những người nhập cư từ các nước khác vào EU cũng như giúp EU hạn chế dòng người "bất tận" này.

Việc ký văn bản nói trên sẽ là một thành tựu quan trọng trong tiến trình đàm phán gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đã kéo dài suốt 8 năm qua. Theo Euronews, đến nay, dòng người di cư bất hợp pháp vẫn thường chọn Thổ Nhĩ Kỳ là điểm "tập kết", trước khi xâm nhập vào các nước EU. Và cho dù không muốn, đây cũng chính là một trong những lý do làm chậm tiến trình gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Stefan Fule nhấn mạnh tại cuộc gặp này rằng với việc sớm chấp nhận hồi hương người tị nạn, con đường gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ nhanh chóng hơn. Đó sẽ là điểm thuận lợi để nối lại các cuộc đối thoại về vấn đề này.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng "Hiệp định Tháng Mười Hai" giữa Ankara và Brussels mang tính áp đặt cổ hủ. Brussels đã "cố tình" gây sức ép trước mong muốn gia nhập châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ. Họ tỏ ý nghi ngại rằng đó chắc gì đã là "tấm giấy thông hành" vào EU của các công dân Thổ Nhĩ Kỳ.

Người đứng đầu Cục Nghiên cứu Chính sách châu Âu IMEMO thuộc Viện Hàn lâm khoa học (Nga), Tiến sĩ Chính trị học Nazedjda Arbatov cho rằng đương nhiên vẫn tồn tại một số trở ngại khách quan trên con đường gia nhập châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ, như quan điểm tiêu cực của các nước hàng đầu EU là Đức và Pháp, mâu thuẫn của Thổ Nhĩ Kỳ với CH Síp, một thành viên EU vẫn chưa được giải quyết, và quan trọng nhất là sự thiếu chắc chắn về tương lai của Thổ Nhĩ Kỳ... Song theo nhà nghiên cứu này, việc gán vấn đề nhập cư của châu Âu vào trách nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ là "hơi quá".

Dù thế nào, báo chí Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đón nhận sự kiện một cách hân hoan. Tạp chí Spiegel của nước này viết: "Đây là một ngày lịch sử đối với người dân Thổ Nhĩ Kỳ, đối với EU cũng như đối với tiến trình gia nhập 'ngôi nhà chung châu Âu' của chúng tôi".

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu nhấn mạnh: "Thổ Nhĩ Kỳ là một phần của châu Âu và việc ký một hiệp định tại Ankara giống như kết quả lịch sử tất yếu". Quan chức này bày tỏ sự tin tưởng rằng sự hợp tác giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU sẽ chỉ đem lại lợi ích cho cả hai bên.

Ông Davutoglu hy vọng năm 2016, công dân Thổ Nhĩ Kỳ có thể tới các nước châu Âu mà không cần thị thực. Theo ông, đơn giản hóa thủ tục thị thực nhập cảnh cho người Thổ Nhĩ Kỳ có thể mất ít nhất ba năm. Trong khi Ủy viên châu Âu Cecilia Malmstrom cho rằng sẽ là hơi sớm để có thể ấn định chính xác thời gian EU bãi bỏ thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, hiệp định giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ, nếu được ký kết, còn cần phải được Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn. Sau đó, nếu tiến trình xóa bỏ thị thực đối với công dân Thổ Nhĩ Kỳ kéo dài quá lâu, nước này tuyên bố sẽ đơn phương hủy bỏ hiệp định.


Quế Anh (P/v TTXVN tại LB Nga)