12:13 07/12/2022

Thổ Nhĩ Kỳ ra điều kiện để ủng hộ Phần Lan gia nhập NATO

Cùng với Thụy Điển, Phần Lan đã từ bỏ chính sách không liên kết quân sự, đăng ký trở thành thành viên của NATO sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát vào cuối tháng 2/2022, nhưng nỗ lực của Phần Lan đang gặp trở ngại từ phía Thổ Nhĩ Kỳ.

Chú thích ảnh
Biểu tượng NATO tại trụ sở ở Brussels (Bỉ). Ảnh: Reuters

Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh Phần Lan phải công khai tuyên bố gỡ cấm vận vũ khí với nước này để đổi lại việc Ankara tán thành Helsinki trở thành thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Hãng thông tấn AP (Mỹ) cho biết Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra điều kiện trên vào ngày 6/12.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đưa ra phát biểu trước thềm chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan Antti Kaikkonen. Ông Antti Kaikkonen dự kiến thảo luận về nguyện vọng gia nhập NATO của Phần Lan với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar vào ngày 8/12.

Ngoại trưởng Cavusoglu phát biểu với các phóng viên: “Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan đến Thổ Nhĩ Kỳ là quan trọng bởi chúng tôi vẫn chưa nghe được tuyên bố nào từ Phần Lan nói rằng sẽ dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí với chúng tôi. Chúng tôi mong đợi có một tuyên bố như vậy từ Phần Lan”.

Thụy Điển và Phần Lan đã từ bỏ chính sách không liên kết quân sự của họ và đăng ký trở thành thành viên của NATO sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát vào tháng 2.

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên NATO - đã từ chối đề nghị của Thụy Điển và Phần Lan kèm cáo buộc hai quốc gia Bắc Âu không quan tâm đến các mối đe dọa nhắm tới Thổ Nhĩ Kỳ từ các nhóm mà Ankara coi là khủng bố cũng như phớt lờ đề nghị của Ankara xử lý những nhóm này. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang gây áp lực buộc Thụy Điển và Phần Lan dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí áp đặt lên nước này.

Vào tháng 9, Thụy Điển công bố sẽ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí áp dụng với Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2019 sau khi Ankara tiến hành chiến dịch quân sự chống các tay súng người Kurd tại Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ không tán thành việc gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan. Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary vẫn chưa phê chuẩn đơn của Thụy Điển và Phần Lan. Trong khi đó, 28 quốc gia thành viên NATO khác đã làm như vậy.

Hà Linh/ Báo Tin tức (Theo AP)