09:14 30/09/2017

Thổ Nhĩ Kỳ đáp trả cứng rắn đối với chính quyền người Kurd tại Iraq

Ngày 29/9, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim cho biết những biện pháp cứng rắn của Ankara nhằm đáp trả cuộc trưng cầu ý dân của người Kurd tại Iraq sẽ chỉ nhằm vào giới chức địa phương tại đây - những người đã kích động và tổ chức cuộc trưng cầu này.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim (phải) phát biểu với báo giới tại Ankara ngày 22/9. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu tại tỉnh Canakkale, miền Tây Bắc Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Yildirim khẳng định mọi biện pháp đáp trả cuộc trưng cầu ý dân của người Kurd chỉ nhằm vào những người tổ chức sự kiện này và người dân không phải trả giá.

Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố ngừng mọi giao dịch về dầu mỏ với Chính quyền tự trị người Kurd (KRG) và chỉ phối hợp với Chính phủ Iraq trong hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của nước này. Quyết định này được cho là sẽ tác động không nhỏ tới KRG tại Iraq, vốn hoạt động chủ yếu dựa vào thu nhập từ dầu thô.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 29/9, Bộ Quốc phòng Iraq tuyên bố nước này có kế hoạch phối hợp với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát các đường biên giới của khu tự trị người Kurd. Tuy nhiên, tuyên bố trên không đề cập chi tiết khả năng các lực lượng Iraq được điều động tới các cửa khẩu do KRG kiểm soát trên khu vực giáp giới với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.

Động thái này được cho là nhằm đáp trả cuộc trưng cầu ý dân của người Kurd với kết quả đa số người Kurd ủng hộ độc lập của khu vực này. Sau cuộc trưng cầu, Iraq, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu KRG từ bỏ quyền kiểm soát đối với các cửa khẩu biên giới giáp Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Syria.

Chính phủ Iraq với sự hậu thuẫn của Ankara và Tehrra tuyên bố lãnh đạo cộng đồng người Kurd cần hủy kết quả trưng cầu ý dân nếu không muốn hứng chịu các biện pháp trừng phạt, bị quốc tế cô lập và có khả năng bị can thiệp quân sự.

Tuy nhiên, Đài truyền hình Rudaw đóng tại thủ phủ Arbil của khu vực người Kurd ở miền Bắc Iraq dẫn lời một quan chức cho biết KRG không giao quyền kiểm soát các cửa khẩu biên giới ở khu vực này cho Chính phủ Iraq.

Trước đây, kể từ khi các tay súng thánh chiến chiếm đóng một khu vực rộng lớn ở phía Bắc và Tây thủ đô Baghdad năm 2014, quân đội Chính phủ Iraq và các lực lượng dân quân người Kurd đã phối hợp ăn ý với nhau để đẩy lùi tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng. Tuy nhiên, sau khi giành chiến thắng lớn trước IS, các lực lượng Iraq lại chia rẽ sâu sắc và đỉnh điểm là cuộc trưng cầu ý dân đòi độc lập của người Kurd ngày 25/9 vừa qua.

TTXVN/Báo Tin Tức