02:07 22/02/2020

Thổ Nhĩ Kỳ đánh cược điều gì nếu triển khai tấn công toàn diện tại Idlib?

Căng thẳng đang không ngừng leo thang giữa Ankara và Damascus khi Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ tự xử lý mọi việc và công khai can thiệp vào tình hình tại tỉnh Idlib (Syria).

Chú thích ảnh
Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ đỗ sát biên giới với Syria ở tỉnh Gaziantep phía Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters 

Tỉnh chiến sự thuộc Đông Bắc Syria được cho là thành trì cuối cùng của các tay súng cực đoan ở quốc gia Trung Đông này. Ngày 20/2 vừa qua, một làn sóng bạo lực bùng phát khi giao tranh giữa quân đội Chính phủ Syria và quân nổi dậy leo thang dọc tuyến đường cao tốc chiến lược. Cuộc xung đột chỉ ngừng lại sau khi lực lượng Nga trong khu vực can thiệp.

Tuy nhiên, Ankara không có kế hoạch làm dịu lại tình  hình. Mới đây, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố chiến dịch tấn công của nước này tại Idlib chỉ là “vấn đề thời gian”. Trong khi đó, Moskva miêu tả bất kỳ hành động quân sự nào của Ankara cũng là “kịch bản tồi tệ nhất”.

Chiến trường địa chính trị

“Dựa trên các tuyên bố của Tổng thống Erdogan, rõ ràng người Thổ Nhĩ Kỳ đang khá quyết tâm”, Tổng biên tập tạp chí Russia in Global Affairs Fyodor Lukyanov trả lời phỏng vấn kênh RT.  Idlib đang dần trở thành một đấu trường địa chính trị giữa Ankara và Damascus, cũng như với các đồng minh tại Moskva.

Nga tìm cách hóa giải xung đột, song tính đến thời điểm hiện tại, các cuộc đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa đưa ra được bất kỳ kết quả thực tiễn nào, trong khi tình hình thực tế ngày càng căng thẳng.

Theo Mikhail Khodarenok – tướng nghỉ hưu của Lực lượng Phòng không Nga, Thổ Nhĩ Kỳ - sở hữu lực lượng quân sự lớn thứ hai trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) – có thể dễ dàng chiến thắng nếu chỉ đối phó duy nhất với Quân đội Syria Arab. 

“Ông Erdogan có đủ năng lực chiến đấu cũng như trang thiết bị quân sự và quân lực để đánh bại lực lượng của ông Assad chỉ với khoảng thời gian tính theo ngày”, tướng về hưu Mikhail đưa lý do Quân đội Syria Arab gần như kiệt sức sau gần 10 năm nội chiến trong khi vẫn phải đối phó với các nhóm khủng bố cực đoan.

Tuy nhiên, kết quả trên vẫn chỉ là giả thuyết, bởi vì Quân đội Syria Arab không chiến đấu một mình.

Nga – vừa là đồng minh của Damascus vừa là đối tác không kém phần quan trọng đối với Thổ Nhĩ Kỳ - có tiếng nói nhất định trong khu vực. Một cuộc lật đổ quân đồng minh Syria sẽ là một thảm họa đối với những nỗ lực chống chủ nghĩa khủng bố của Moskva trong suốt 5 năm qua, cũng như chính sách Trung Đông của nước này nói chung. Nga không thể khoanh tay đứng nhìn một cuộc xung đột làm vị thế của nước này trở nên mờ nhạt trong khu vực.

Không chỉ vậy, bất kỳ một chiến dịch quân sự quy mô lớn nào của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào Quân đội Syria Arab cũng sẽ ảnh hưởng đến các cố vấn quân sự và binh sĩ Nga – cụ thể như lực lượng quân cảnh tại một số khu vực Syria.

“Nga đã hỗ trợ các cuộc tấn công của Quân đội Syria với lực lượng không quân và… đóng một vai trò quan trọng như một lá chắn ngăn cản bất kỳ hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào các vị trí của Syria, đảm bảo Quân đội Syria nắm quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ mới giải phóng”, Aleksey Khlebnikov – chuyên gia Trung Đông tại Trung tâm Moskva Carnegie – lý giải.

Chính vì vậy, sự can thiệp trực tiếp của Moskva đối với tình hình Syria sẽ khiến quyết định tấn công toàn diện trở thành một lựa chọn không mấy khả quan đối với Thổ Nhĩ Kỳ, nếu như Ankara không muốn bị đẩy vào nguy cơ xung đột với một thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sở hữu vũ khí hạt nhân, hay xa hơn là một sự đối đầu giữa Nga và NATO.

Video Quân đội Syria Arab đối đầu lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ vùng ngoại ô Idlib ngày 12/2 (nguồn: RT):

Cái giá phải trả

Theo các nhà phân tích, Ankara có nhiều thứ để mất ngay cả khi để mối quan hệ với Moskva lao dốc nhẹ. Bằng chứng rõ ràng nhất cho việc này là sự kiện năm 2015 khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay chiến đấu Su-24 của Nga. Sau sự kiện làm căng thẳng hai bên, Nga áp đặt loạt các biện pháp trừng phạt nhằm vào ngành xuất khẩu và thương mại của Thổ Nhĩ Kỳ, cụ thể là các lĩnh vực nông nghiệp và du lịch.

Tuy nhiên, nguy cơ bây giờ thậm chí còn cao hơn. Trong một vài năm trở lại đây, Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường hợp tác quốc phòng với Nga thông qua hợp đồng mua hệ thống phòng không S-400 – một thỏa thuận mà Ankara coi trọng đến mức sẵn sàng bỏ qua sức ép từ phía Mỹ và thậm chí còn hy sinh chương trình máy bay chiến đấu F-35. Nếu như hai bên đối đầu tại Idlib, Nga rất có thể không chuyển giao thiết bị cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Một trong những dự án hợp tác chung quan trọng của Nga-Thổ Nhĩ Kỳ là đường ống Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ, làm nhiệm vụ vận chuyển khí tự nhiên của Nga tới thành phố Istanbul và các khu công nghiệp lân cận. Ông Sakir Arikan – giám đốc công ty quản lý đường ông TurkAkim – tháng trước đã gọi dự án cơ sở hạ tầng này là “vấn đề an ninh quốc gia”. 

Sự hợp tác giữa Moskva và Ankara không chỉ dừng lại tại lĩnh vực kinh tế và quốc phòng. Trong tiến trình tìm kiếm hòa bình tại Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga thường xuyên trở thành những người đi đầu trong các cuộc đàm phán để tìm cách chấm dứt xung đột tại quốc gia Trung Đông.

“Không ai thích ý tưởng một cuộc đại diến dẫn tới xung đột Nga-Thổ. Những thứ mà hai bên đánh đổi về hợp tác chung là quá lớn. Điều đó đồng nghĩa với việc họ phải sắp xếp mọi chuyện với nhau”, Vitaly Naumkin – Chủ tịch Viện Nghiên cứu phương Đông thuộc Viện khoa học Nga – kết luận.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức