04:00 08/04/2020

Thổ dân Amazon càng thêm biệt lập vì đại dịch COVID-19

Sâu bên trong cánh rừng rậm Amazon ở miền Bắc Brazil, nơi những con sông là các tuyến đường “cao tốc” duy nhất, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động đi lại của các tàu thuyền, khiến các ngôi làng vốn đã ẩn mình khỏi thế giới ồn ào nay càng trở nên biệt lập.  

Chú thích ảnh
Một bộ lạc sống trong rừng Amazon. Ảnh: Independent

Với Amazon, những chiếc cano, xuồng máy và phà có vai trò không khác gì ô tô, xe tải và xe buýt ở các vùng khác, giúp đưa người và hàng hóa tới những cộng đồng cư dân ở vùng hẻo lánh sâu trong rừng. Những ngày thường, một hành trình băng sông tới những vùng này có khi mất hơn một tuần. Nhưng vì đại dịch COVID-19, giới chức bang Amazonas đã hạn chế hoạt động giao thông đường sông, chỉ cho phép những hoạt động cần thiết, để ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan tới khu vực được cho là đặc biệt dễ bị tổn thương này.

Điều phối viên khu vực của Cơ quan Y tế quốc gia Anvisa Jerfeson Caldas cho biết hoạt động vận chuyển hàng hóa vẫn diễn ra, nhưng việc đưa đón người thì chỉ được phép trong những trường hợp khẩn thiết như cấp cứu và các dịch vụ trợ giúp y tế và an ninh. Những hoạt động này cũng chịu những quy định nghiêm ngặt như tàu thuyền chỉ hoạt động với 40% công suất chở khách thông thường và phải cung cấp nước, xà phòng và chất sát khuẩn tay.

Với những cộng đồng dân cư ở sâu trong rừng Amazon, những biện pháp hạn chế này cũng không khác gì các biện pháp cách ly đang được thực hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới do hoạt động giao thông ở Arizonas phụ thuộc 85% vào các tuyến đường sông. Thông thường, hành khách cũng thường chuẩn bị những chiếc võng mình mang theo lên các chuyến phà vượt sông để nghỉ ngơi trong những chuyến đi dài ngày, võng thường được móc chồng lên nhau giống như giường tầng. Nhưng đây không phải là giải pháp an toàn mùa dịch và các võng trên phà vì thế được yêu cầu mắc cách nhau 2 m.

Các biện pháp hạn chế giao thông tác động tới hàng trăm gia đình sinh sống nhờ đánh bắt cá và quần tụ ở các làng nhà sàn dọc sông Amazon và các dòng phụ lưu của sông. Nhiều người lo ngại các tác động kinh tế của những biện pháp hạn chế đi lại tới những hộ gia đình kiếm sống bằng nghề bán các sản phẩm nhà tự làm để mua những thứ không có sẵn trong khu vực họ sinh sống. 

Amazonas là bang lớn nhất tại Brazil, với diện tích rừng lên tới hơn 1,5 triệu km2, tương đương diện tích của Peru và Ecuador cộng lại. Bang này cũng đã ghi nhận 532 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, chủ yếu ở thủ phủ Manaus, và 19 ca tử vong. Điều đáng lo ngại là một khi virus lây lan sâu vào các khu rừng, đặc biệt là nơi các cộng đồng thổ dân sinh sống, thì mọi thứ sẽ trở nên khó lường. Các cộng đồng thổ dân trong rừng rậm Amazon đặc biệt dễ tổn thương khi dịch bệnh từ bên ngoài xâm nhập vì họ sống biệt lập, không thường xuyên phải tiếp xúc với các mầm bệnh và vì vậy không có hệ đề kháng như những người dân ở các khu vực phát triển.

Trong quá khứ, số lượng cư dân của các cộng đồng thổ dân đã giảm rất nhiều do tác động của những đợt dịch bệnh  như đậu mùa và cúm. Hồi tuần trước, giới chức Brazil thông báo ghi nhận ca nhiễm bệnh đầu tiên trong cộng đồng này ở Amazonas là một nữ nhân viên y tế từ tộc người Kokama, có tiếp xúc với một bác sĩ bị nhiễm virus SARS-CoV-2.

Lê Ánh (TTXVN)