05:23 07/05/2015

Thịt ngoại lấn sân thị trường nội địa

Thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu từ nước ngoài đang chiếm vị thế khá lớn thị trường thịt trong nước. Mới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) đã có thông báo chính thức cho phép nhập khẩu trở lại thịt bò Pháp vào Việt Nam từ ngày 1/5.

Thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu từ nước ngoài đang chiếm vị thế khá lớn thị trường thịt trong nước. Mới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) đã có thông báo chính thức cho phép nhập khẩu trở lại thịt bò Pháp vào Việt Nam từ ngày 1/5. Như vậy, những “ông lớn” của ngành chăn nuôi thế giới như Mỹ, Canada, Úc và giờ đến lượt các nước EU đã và đang lên kế hoạch chiếm lĩnh thị phần thịt gia súc tại Việt Nam.

Ồ ạt vào Việt Nam

Dạo quanh các siêu thị BigC Miền Đông (quận 10), Metro (quận 6), Lotte và Giant (quận 7)… có thể nhận thấy lượng thịt ngoại nhập được bày bán rất nhiều, trong đó thịt bò nhập từ Úc chiếm số lượng “áp đảo” và được người tiêu dùng quan tâm mua nhiều nhất. Chị Kim Phượng (ngụ tại quận 7) đang chọn thịt bò Úc tại siêu thị Giant, cho biết: “Tuần nào tôi cũng đi siêu thị mua thịt bò Úc. Các con tôi rất thích loại thịt này vì thịt vừa mềm, vừa thơm ngon. So với giá thịt bò nội, giá thịt bò Úc cũng rẻ hơn rất nhiều nên tôi chuyển hẳn sang loại thịt này”.

Thịt ngoại nhập được bày bán tại siêu thị Giant (quận 7).


Không chỉ tại siêu thị, thịt ngoại nhập còn có mặt tại các cửa hàng bán lẻ hay trên các trang web bán online với nhiều mặt hàng phong phú, giá cả hấp dẫn. Tại trang web shopthit.com, giá thịt bò thăn Úc chỉ gần 500.000 đồng/kg, trong khi đó thịt bò thăn nội giá đến hơn 800.000 đồng/kg. Nếu như trước đây, thịt ngoại chỉ đến được các nhà hàng, quán ăn sang trọng thì hiện nay, với lợi thế về giá và chất lượng, thịt ngoại ngày càng phủ kín thị trường nội địa và len lỏi vào tận các bếp ăn trường học, bệnh viện, bếp ăn tập thể, quán ăn bình dân...

Năm 2015 này, khi các hiệp định thương mại song phương và đa phương chính thức có hiệu lực, việc nhập khẩu bò sống hay sản phẩm từ thịt cũng sẽ ồ ạt hơn. Tháng 3/2015, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Canada đã dẫn một đoàn các nhà sản xuất thịt nước này quảng bá thịt bò Canada tại Việt Nam với kế hoạch tấn công các chuỗi nhà hàng, khách sạn, nhà bán lẻ. Giữa tháng 4, Hiệp hội Các nhà sản xuất và cung cấp thịt Liên minh châu Âu (EU), Liên minh nhà sản xuất ngành công nghiệp thịt Ba Lan (Upemi) cũng đã giới thiệu thịt heo, thịt bò châu Âu cũng như các chế phẩm từ thịt tại thị trường TP Hồ Chí Minh.

Bà Agnieszka Rózanska, Giám đốc điều hành Hiệp hội Các nhà sản xuất và cung cấp thịt EU, cho biết hiện nay có hơn 100 DN EU đã được phía Việt Nam cấp giấy phép nhập khẩu thịt. Kế hoạch trong năm 2015, EU đặt mục tiêu gia tăng sản lượng thịt xuất khẩu vào Việt Nam lên 5%.

Giảm giá để cạnh tranh

Thịt ngoại nhập khẩu có mức giá cũng cạnh tranh hơn thịt nội, khiến nhu cầu tiêu thụ thịt ngoại tại Việt Nam càng gia tăng.

Ông Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc kinh doanh và phát triển thị trường Công ty TNHH TM DV XNK Thực phẩm sạch (Fresfoco), cho biết hiện các sản phẩm như: tim, pín, lưỡi… của bò nhập từ Úc có giá rẻ hơn và tiêu thụ rất mạnh tại thị trường trong nước. “Các sản phẩm này tuy là phụ phẩm của nước ngoài nhưng lại là “đặc sản” của Việt Nam nên công ty có thể khai thác tối đa các sản phẩm sau giết mổ để chia sẻ giá đối với chính phẩm là thịt”, ông Phong cho biết.

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, nếu như trong năm 2013 tổng lượng trâu bò nhập khẩu ước tính khoảng 150.000 con thì bước sang năm 2014, chỉ tính riêng bò Úc, con số nhập về đã gần 200.000 con. Các doanh nghiệp (DN) nhập thịt ngoại cho biết, sự gia tăng ồ ạt của thịt bò ngoại nhập trong những năm gần đây hoàn toàn dễ hiểu bởi tổng đàn bò thịt của Việt Nam liên tục giảm, từ mức 7 triệu con xuống còn 5 triệu con, trong khi đó sức tiêu thụ thịt trong nước không ngừng tăng lên.

Theo nhận định của ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, sự đổ bộ của thịt ngoại đem lại sự phong phú cho thị trường thực phẩm tại Việt Nam nhưng cũng mang lại sự lo ngại cho ngành chăn nuôi trong nước, gây áp lực rất nhiều cho DN nội. “Thực tế cho thấy, giá thành sản xuất thịt của các nước đang rẻ hơn Việt Nam từ 25-35%. Do đó, bò nuôi trong nước khó cạnh tranh với bò nhập khẩu. Nhất là khi Việt Nam tham gia FTA thì thuế nhập khẩu sẽ giảm dần, khi đó giá thịt ngoại còn rẻ nữa. Không chỉ thị trường thịt bò mà ngay thịt heo, thịt gà cũng đang đứng trước nguy cơ bị thịt ngoại lấn áp bởi mô hình chăn nuôi heo, gà của chúng ta chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ và thiếu những trang trại có quy mô lớn, tính cạnh tranh thấp”, ông Vang cho biết.

Cũng theo ông Vang, nếu không có chiến lược đúng đắn, ngành chăn nuôi nội địa sẽ khó có thể cạnh tranh được. Dù vậy, ông Vang cho rằng đây cũng là cơ hội sàng lọc những DN chăn nuôi trong nước.

Bài và ảnh: Hải Yên