10:11 20/10/2020

Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa: Đầu tư thủy điện cần tính toán về an toàn

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức bên hàng lang Quốc hội sáng 20/10 trước giờ khai mạc Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng: “Trong tình hình hiện nay, việc xây dựng thủy điện phải có những nghiên cứu, đánh giá khoa học để có chiến lược lâu dài...”.

Chú thích ảnh
ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế, Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội trả lời phỏng vấn báo Tin tức.

Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa cho biết: Vừa qua, nhân dân cùng hệ thống chính trị, đặc biệt là quân đội, công an, dân quân tự vệ… các tỉnh miền Trung và lực lượng vũ trang Quân khu 4 đã tập trung nhân lực, nguồn lực nhanh chóng, quyết liệt, tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ, cứu hộ, cứu nạn những người mất tích do mưa lũ gây ra.

Theo Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa, đối với miền Trung những tháng cuối năm, tập trung vào quý 3 và quý 4, bão kèm mưa lớn hay tập trung vào các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế. Do đặc điểm của địa hình có dãy núi Trường Sơn giáp Lào, có những đèo lớn như đèo Ngang, đèo Hải Vân... tạo ra những vũng bão, vũng lũ rất lớn.

Lực lượng vũ trang các tỉnh miền Trung và Quân khu 4 đã có những phương án luyện tập phòng chống lũ bão, nhưng việc xảy ra những sự cố là bất khả kháng. Vừa qua sự cố ở thủy điện Rào Trăng 3 là rất đáng tiếc, nhưng việc đầu tư thủy điện cũng cần tính toán nội dung về an toàn.  

“Bất ngờ mưa lớn nhiều ngày ở miền Trung, hiện tượng sạt lở lũ quét cũng không ngờ đến. Ví dụ, vị trí trạm 67 là một vùng rất rộng trên 5.000 m2, cách xa núi khoảng 300 - 400 m, hay như vị trí đóng quân của Đoàn kinh tế quốc phòng 337 đóng quân ở đây gần 30 năm tương đối ổn định, khi xảy ra sạt trượt là không ngờ đến”, Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa cho biết.

Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, mặc dù các ngành, các cấp đã có kế hoạch, phương án, kiểm tra, nhưng có những điều bất khả kháng. Khi lũ lụt xảy ra luôn tiềm ẩn nguy hiểm. Lực lượng vũ trang đã xác định cứu hộ, cứu nạn nhân dân cũng là một nhiệm vụ của quân đội.

"Nước sông Bồ lên cao, khiến thủy điện Rào Trăng 3, Rào Trăng 4 rất nguy hiểm, cần phải tính toán, có chiến lược, đánh giá thật tốt về những nguyên nhân. Cần có những phương tiện hiện đại để phát hiện, cảnh báo mưa lũ. Ví dụ, khi lũ lụt xảy ra, người dân ở trong rừng cần có những phương tiện hiện đại để cảnh báo, báo động, ứng cứu, nếu không cứu được thì thả lương thực, thực phẩm ra sao... Ngoài ra, cần phải đánh giá được thời tiết để phát hiện, phòng tránh và có đầu tư. Việc đầu tư thủy điện cần phải đánh giá lại để làm thế nào đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng – an ninh; đồng thời, phải bảo đảm được sự bền vững của môi trường, đảm bảo an toàn cho người dân", Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa nhận định.

Tin, ảnh: V.Tôn/Báo Tin tức