06:08 29/06/2018

Thiếu nguyên liệu chế biến, 80% doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều đóng cửa sớm

Hiện hầu hết các nhà máy chế biến hạt điều trong nước đã bán hết nhân điều, lượng nhân điều dành cho xuất khẩu không còn nhiều và đang đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu phục vụ cho xuất khẩu.

Theo khảo sát của Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), hiện có khoảng 80% nhà máy, cơ sở chế biến điều đã tạm dừng hoạt động hoặc buộc phải đóng cửa, không thể sản xuất. 

Thiếu nguyên liệu, nhiều nhà máy sản xuất điều đối mặt với nguy cơ đóng cửa.

Tại tỉnh Bình Phước, vốn được xem như thủ phủ sản xuất điều với khoảng 600 nhà máy, cơ sở chế biến điều xuất khẩu, đã có khoảng 480 đơn vị buộc phải đóng cửa. Còn ở tỉnh Long An, trong tổng số 33 cơ sở, thì hiện chỉ còn 12 cơ sở hoạt động cầm chừng...


"Nguyên nhân khách quan là do giá điều nhân xuất khẩu hiện giảm mạnh đã khiến không ít doanh nghiệp thua lỗ tạm dừng hoạt động. Tuy nhiên chính việc nhiều doanh nghiệp chủ quan mở rộng công suất nhà máy quá lớn, dẫn tới không đủ nguyên liệu điều thô cho chế biến xuất khẩu. Hậu quả là hàng loạt nhà máy không có nguyên liệu sản xuất buộc phải đóng cửa”, ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Vinacas, nhận xét.


Do thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước, các doanh nghiệp xuất khẩu đã tăng cường lượng nhập khẩu. Chỉ tính trong 5 tháng đầu năm 2018, các doanh nghiệp sản xuất điều đã nhập khẩu 283.000 tấn điều thô nhưng vẫn không đủ cho các nhà máy chế biến, xuất khẩu.


Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do thời tiết không thuận lợi, trong khi đó nhiều hộ trồng điều thiếu kinh nghiệm chăm sóc, sản lượng hạt điều niên vụ 2017 - 2018 của cả nước dự kiến chỉ đạt khoảng 300.000 tấn, thấp hơn nhiều so với ước tính ban đầu 400.000 - 500.000 tấn. Tình trạng hạt điều bị mất mùa đang diễn ra trên diện rộng ở nhiều địa phương như: Lâm Đồng, Bình Phước… Ngoài năng suất, hạt điều trong nước còn bị giảm về chất lượng, gây ảnh hưởng đến giá cả.


Lê Nghĩa/Báo Tin Tức