03:00 18/03/2023

Thiếu nguồn đất đắp nền đường cản trở tiến độ cán đích của cao tốc Bắc - Nam

Cận ngày phải hoàn thành theo mục tiêu về đích 30/4/2023 do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề ra, nhưng do thiếu hụt lớn nguồn đất đắp nền đường trước khi thảm bê tông nhựa, các dự án thành phần cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 (2017 - 2020) như Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây đang ảnh hưởng đến tiến độ.

"Ngóng" nguồn đất đắp

Đến trung tuần tháng 3/2023, dự án cao tốc thành phần đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết trên tuyến cao tốc Bắc Nam giai đoạn I (2017 - 2020), hàng trăm công nhân vẫn liên tục tăng cường luân phiên thi công 3 ca, 4 kíp/ngày đêm để hoàn thành khối lượng công việc còn lại để kịp tiến độ cán đích ngày 30/4/2023 theo mục tiêu.

Chú thích ảnh
Kiến nghị gỡ khó vật liệu đất đắp cho cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết.

Mặc dù các gói thầu dự án này đã hoàn thành hơn 70% sản lượng thi công tuyến chính, đang tập trung thảm lớp bê tông nhựa lớp C12,5 cuốn chiếu để đáp ứng yêu cầu hoàn thành, nhưng các nhà thầu đang lo ngại khi tiến độ thi công các hạng mục đường gom, cầu vượt ngang... chưa đạt được kỳ vọng vị thiếu hụt nguồn đất đắp, trong khi các mỏ khai thác tại địa phương theo cơ chế đặc thù chưa được chấp thuận.

Theo đại diện nhà thầu thi công, khối lượng đất đắp tại các gói thầu hiện nay thiếu khoảng 347.000 m3 đất đắp. Trong khi giá đất đắp theo hợp đồng đã ký với nhà thầu tại thời điểm bỏ thầu khoảng 155.000 đồng/m3, hiện tại đã tăng lên tới 210.000 đồng/m3 vận chuyển đến công trình. Với mức giá này, các nhà thầu đang đứng trước nguy cơ lỗ nặng.

"Nhà thầu đang huy động tối đa máy móc, thiết bị, nhân lực để tăng ca kíp thi công, để đảm bảo tiến độ, nhà thầu có thể đắp tối đa khoảng 12.000 m3/ngày, nhưng hiện chỉ đang có khoảng 4.000 - 5.000 m3/ngày, nên máy móc đang chờ vật liệu, phải thi công cầm chừng, trong khi ngày cán đích đã cận kề...", đại diện nhà thầu Vinaconex thi công trên tuyến cao tốc thành phần Vĩnh Hảo - Phan Thiết chia sẻ...

Tương tự, cao tốc thành phần Phan Thiết - Dầu Giây cũng đang vướng "nút thắt" vật liệu đất đắp để hoàn thành hạng mục đường gom. Theo đại diện Ban Quản lý dự án Thăng Long (đại diện chủ đầu tư), nhu cầu đất đắp còn lại của dự án cần khoảng 620.000 m3. Để hoàn thành, các nhà thầu đã triển khai thủ tục xin gia hạn thời gian khai thác 5 vị trí mỏ đất tại tỉnh Đồng Nai, nhưng đề xuất này chưa được chấp thuận, do địa phương đang thanh tra việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cho các dự án giao thông trọng điểm. Nếu chờ phê duyệt dễ ảnh hưởng đến tiến độ. Chưa kể, đang gần đến mùa mưa, nếu không có nguồn đất đắp sớm, các hạng mục đường gom sẽ khó hoàn thành.

Hay tại cao tốc thành phần QL45 - Nghi Sơn cũng đang mỏi mắt chờ đất đắp gia tải nền đất yếu, chỉ với 2,5 km đường đang thi công, nhưng đang thiếu hụt gần 223.000 m3 đất đắp. Ban Quản lý dự án 2 (đại diện chủ đầu tư) đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các ban, ngành liên quan đẩy nhanh các thủ tục pháp lý còn lại và sớm đưa vào khai thác đối với các mỏ đã phê duyệt để khơi thông tiến độ...

Tại buổi làm việc ngày 15/3 với các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai để tháo gỡ khó khăn về nguồn đất đắp, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã đề nghị các địa phương kiến nghị Chính phủ cho gia hạn các mỏ đất để cấp cho các dự án thi công, bởi nếu tiến hành theo các thủ tục thông thường như hiện nay sẽ không đủ thời gian thực hiện và không thể để các hạng mục đường gom, cầu vượt, hầm chui... chưa hoàn thành khi tuyến chính các cao tốc thành phần khánh thành dịp 30/4 tới...

Không còn đường lùi

Theo ông Lê Quyết Tiến, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT), tiến độ của 2 dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và Vĩnh Hảo - Phan Thiết đang được kiểm soát chặt chẽ từng ngày, từng tuần và mục tiêu cán đích không thay đổi. Nếu đến ngày 30/4, gói thầu dự án nào chưa hoàn thành, Bộ GTVT sẽ xem xét lại hợp đồng với nhà thầu để có những biện pháp xử lý theo quy định. Tuy nhiên, nguồn vật liệu đất đắp để thi công đường gom, đường đầu cầu các dự án đang thiếu hụt nghiêm trọng, nếu không sớm được các địa phương tháo gỡ sẽ gây khó khăn cho việc cán đích.

Chú thích ảnh
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cũng đang thiếu hụt nguồn đất đắp. Ảnh: TTXVN

Còn theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy, các Ban Quản lý dự án đang tập trung thi công khẩn trương, tiến triển về tiến độ, nhưng không được chủ quan. Mục tiêu vẫn là phải khánh thành vào ngày 30/4 theo chỉ đạo của Chính phủ, vì vậy cần cập nhất tiến độ chi tiết từng ngày. Trong khi chờ nguồn vật liệu đất đắp được tháo gỡ, cần giải quyết nhanh chóng việc quyết toán, thanh toán cho nhà thầu, không để dự án chậm do thiếu tài chính và chất lượng dự án phải ưu tiên hàng đầu.

Với nhà thầu thi công tại các dự án này, Bộ GTVT yêu cầu huy động tối đa các mũi thi công 3 ca, 4 kíp/ngày đêm; đồng thời, chủ động tài chính, nhân lực để đảm bảo hoàn thành dự án theo đúng thời hạn, tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong quá trình thi công dự án.

"Hai dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây có vai trò quan trọng trên toàn tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn I, được Chính phủ giám sát và đã lùi thời hạn cán đích một lần, nên phải kiên quyết hoàn thành đúng hạn 30/4 như đã cam kết với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định.

Mới đây nhất, ngày 9/3, vấn đề nan giải nhất của 2 dự án là thiếu hụt nguồn vật liệu san lấp đã được Chính phủ đưa vào Nghị quyết 31/2023 trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023 về tháo gỡ khó khăn cho dự án. Chính phủ đã đồng ý để cho các địa phương xem xét, cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản phục vụ thi công cao tốc.

Sơn Vân/Báo Tin tức