03:01 08/03/2021

Thiếu nguồn cung, EU đề nghị Mỹ ‘mở van’ vaccine để đẩy nhanh tiêm chủng

Động thái nằm trong nỗ lực chung của EU nhằm thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng đang xuất hiện nhiều bất cập.

Chú thích ảnh
Nhu cầu của thế giới với vaccine AstraZeneca hiện rất lớn, nhờ ưu thế về giá của loại vaccine này. Ảnh: Reuters

Tờ Financial Times (FT) ngày 6/3 đưa tin, Liên minh châu Âu (EU) sẽ hối thúc Mỹ cho phép xuất khẩu hàng triệu liều vaccine ngừa COVID-19 AstraZeneca sang các nước thành viên trong khối, trong bối cảnh Brussels đang phải đối mặt với thiếu hụt nguồn cung – nguyên nhân khiến chiến dịch tiêm chủng của EU bị chậm lại. 

Giới chức EU cho biết, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ nêu vấn đề này tại các cuộc thảo luận xuyên Đại Tây Dương trong thời gian tới, bàn về chủ đề tăng cường hợp tác Mỹ-EU trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. 

Ngoài ra, EU cũng muốn Washington không đặt ra rào cản hạn chế mua bán, trao đổi nguyên liệu bào chế vaccine phục vụ sản xuất ở châu Âu, nhất là các mẫu vaccine dựa trên công nghệ mRNA đột phá như Moderna hay Pfizer. EU hiện phụ thuộc lớn vào nguồn cung từ Mỹ về hạt nano lipid, nguyên liệu chủ chốt để bào chế vaccine sử dụng công nghệ mRNA.

Việc EU tìm cách tiếp cận nguồn cung vaccine AstraZenecca được sản xuất tại Mỹ xuất hiện trong bối cảnh liên doanh AstraZeneca/Đại học Oxford gần đây tranh cãi khá gay gắt với EU về số lượng vaccine sẽ được cung ứng trong quý 1 năm 2021 như đã cam kết, do những vấn đề nảy sinh trong sản xuất vaccine ở EU. AstraZeneca cũng cho biết, đơn vị này có kế hoạch lấy vaccine sản xuất ngoài EU để đáp ứng 50% số lượng vaccine giao nhận trong quý 2. 

Theo một quan chức EC, EU tin tưởng rằng có thể giao thiệp, hợp tác với Mỹ để đi tới thống nhất các loại vaccine được sản xuất, đóng gói tại Mỹ có thể đáp ứng được các quy định trong hợp đồng các nhà chế tạo vaccine đã ký kết với EU.

Đây là điểm đáng chú ý, bởi trong tuần này chính EU đã đồng ý với quyết định của Italy, một nước thành viên EU, về cấm xuất khẩu vaccine AstraZeneca sang Australia. Quyết định của Italy dựa trên Cơ chế minh bạch và kiểm soát xuất khẩu vaccine ngừa COVID-19 (APA), dự kiến sẽ được gia hạn thêm một thời gian nữa sau khi hết hiệu lực vào ngày 31/3 tới.

Tuy nhiên, nhiều nước đang phản đối cơ chế này. Tại phiên họp Đại hội đồng của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) diễn ra từ ngày 1-4/3, một số nước cho rằng EU đang "phát tín hiệu xấu" trong cuộc chiến vaccine và kêu gọi EU nên chấm dứt cơ chế vào cuối tháng này 3 theo dự kiến.

Ủy viên Thị trường nội khối Thierry Breton - quan chức phụ trách công tác sản xuất vaccine của EU, sẽ lãnh trách nhiệm thảo luận với Điều phối viên Nhà Trắng về COVID-19 Jeffrey Zients về các vấn đề liên quan đến chuỗi cung vaccine. Giới lãnh đạo EU đang kỳ vọng đà cải thiện quan hệ hợp tác xuyên Đại Tây Dương sau khi ông Biden lên làm Tổng thống sẽ giúp thúc đẩy điều phối song phương trong lĩnh vực này. 

AstraZeneca chưa đưa ra bình luận gì trước thông tin FT đăng tải. Hãng dược này khẳng định việc cung ứng 40 triệu liều vaccine cho EU trong quý 1 năm nay đang đi đúng hướng. Trước đó, theo kế hoạch ban đầu, AstraZeneca dự định chuyển giao cho EU 100 triệu liều vaccine tính đến thời điểm cuối tháng 3/2021, nhưng sau đó phải điều chỉnh lại mục tiêu. Ngoài ra, AstraZeneca cũng cho biết, để thực hiện hợp đồng với EU, hãng cần phải chuyển 90 triệu liều vaccine cho EU được sản xuất ngoài khối, nhưng chưa cho biết là từ nước nào. 

Nhà Trắng cho biết, Mỹ có ý định ưu tiên huy động vaccine sản xuất tại Mỹ dùng cho chiến dịch tiêm chủng nội địa trước tiên, theo đúng sắc lệnh mà ông Donald Trump đã ký ban hành hồi tháng 12/2020. Mỹ đã ký hợp đồng đặt mua 300 triệu liều vaccine AstraZeneca. Khúc mắc hiện nay nằm ở chỗ, cơ quan quản lý tại Mỹ vẫn chưa cấp phép sử dụng cho mẫu vaccine này. 

Tuy nhiên, Mỹ vẫn để ngỏ khả năng hợp tác với EU về nguồn cung vaccine. Một quan chức Nhà Trắng cho biết, Mỹ ưu tiên tiêm ngừa vaccine cho người dân trong nước, nhưng lãnh đạo Mỹ, EU luôn cam kết đẩy mạnh hợp tác chống đại dịch, trong đó có việc nâng cao khả năng ứng phó của khu vực y tế công, chia sẻ thông tin. Mỹ nhìn nhận, để diệt trừ COVID-19, lấy đây làm nền tảng để khôi phục kinh tế, Washington sẽ phải hợp tác với đồng minh và đối tác. 

Hoài Thanh/Báo Tin tức