09:19 03/09/2016

Thiếu hụt nguồn nước trầm trọng

Tình trạng khai thác quá mức cho phép các tài nguyên vốn là lợi thế của Tây Nguyên, trong đó có tài nguyên nước, đã đẩy Tây Nguyên đứng trước nguy cơ mất cân bằng và cạn kiệt nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt.

Lợi bất cập hại

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, năm 2016 các tỉnh Tây Nguyên đã phải hứng chịu đợt khô hạn lịch sử. Mực nước trên các sông xuống ở mức thấp nhất, các suối đầu nguồn phổ biến khô cạn. Lượng dòng chảy trên các sông chính liên tục thiếu hụt (chủ yếu được bổ sung từ các hồ chứa lớn), các hồ chứa thủy lợi, thủy điện có dung tích trữ trung bình đạt thấp so dung tích thiết kế, nhiều hồ thấp hơn năm 2015, các hồ chứa vừa và nhỏ phổ biến đã cạn nước. Mực nước ngầm giảm sâu.

Thực tế cho thấy, việc sử dụng bất hợp lý và không khôn khéo đang làm tăng nguy cơ thiếu nước ở Tây Nguyên. Ngoài các dòng chảy tự nhiên phát sinh từ vùng đất Tây Nguyên rồi đổ về các khu vực phụ cận xung quanh, còn có những công trình nhân tạo chuyển nước từ Tây Nguyên sang các lưu vực khác.

Thủy điện xả nước khiến dòng sông Pô Kô cạn trơ đáy, người dân phải rất vất vả để vượt sông.

Theo GS. TSKH Đặng Trung Thuận, Hội Địa hóa Việt Nam, Tây Nguyên hiện có ít nhất bốn công trình thủy điện lớn: Đắk Đrinh, An Khê - Kanak, Đa Nhim và Đại Ninh thuộc diện này. Trong đó, thủy điện Đắk Đrinh được xây dựng từ năm 2008, vận hành năm 2013 với công suất lắp máy 125MW. Hồ nước của thủy điện này có dung tích 248 triệu m3, nằm chủ yếu trên địa bàn huyện Kon Plông tỉnh Kon Tum, với đường hầm dài 11km dẫn nước xuống nhà máy thủy điện Đắk Đrinh ở huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi, đầu nguồn lưu vực sông Trà Khúc.

Thủy điện An Khê - Kanak xây dựng năm 2005 vận hành năm 2011, có tổng công suất 173MW. Hệ thống thủy điện này gồm một hồ chứa nhỏ ở đầu nguồn sông Ba tại Kanak với công suất 13MW, một hồ chứa nước lớn trên địa phận huyện An Khê, tỉnh Gia Lai, với kênh dẫn hở và đường ống áp lực chuyển nước xuống nhà máy thủy điện có 2 tổ máy với công suất 160MW, trên địa bàn huyện Tây Sơn thuộc lưu vực sông Côn của tình Bình Định. Thuỷ điện Đa Nhim được các chuyên gia Nhật Bản xây dựng trước năm 1975, có công suất 160MW. Hồ chứa Đơn Dương có dung tích 165 triệu m3, nằm ở đầu nguồn sông Đồng Nai, trên địa phận huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, với đường ống thép áp lực dài 5 km đưa nước xuống nhà máy thủy điện Đa Nhim, tại huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận, đầu nguồn lưu vực sông Cái Phan Rang. Thủy điện Đại Ninh được xây dựng năm 2003 và vận hành năm 2008 với công suất lắp máy 300MW. Hồ chứa nước Đại Ninh có dung tích 319,77 triệu m3, nằm ở vùng trung lưu sông Đồng Nai thuộc địa phận huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, với kênh và đường hầm dẫn nước xuống nhà máy thủy điện Đại Ninh tại huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, thuộc khu vực đầu nguồn của hệ thống sông Lũy.

Phải nhận thức một cách thấu đáo là biến đổi khí hậu đang và sẽ diễn ra ngày càng mãnh liệt với tần suất liên tục hơn. Do đó cần thiết phải có những đánh giá về thực trạng, thay đổi tư duy, xây dựng các giải pháp ứng phó về dài hạn để giúp Tây Nguyên đảm bảo an ninh nguồn nước, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.

Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Hoàng Văn Bẩy

Như vậy, với các công trình nhân tạo chuyển nước từ Tây Nguyên sang các lưu vực sông khác ở miền Trung với khối lượng lớn, khoảng 130 m3/s, làm cho Tây Nguyên mất khoảng 2,9 tỉ m3/năm, gây thiếu hụt nguồn nước và nhiều vấn đề môi trường nghiêm trọng ở khu vực hạ lưu các hồ chứa vào mùa khô.

Đây chính là tình trạng “lợi bất cập hại”, là sự đánh đổi chưa hợp lý giữa phát triển kinh tế và tài nguyên nước mặt của Tây Nguyên, góp phần gia tăng nguy cơ thiếu nước vào mùa khô. Mặt khác, việc chuyển nước không hợp lý trên thực tế cũng đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng về môi trường ở Tây Nguyên, như sông Ba tại An Khê bị cạn kiệt và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Dòng chảy chính của sông Ba ở đoạn trung - hạ lưu cũng cạn khô, các trạm bơm ở Củng Sơn tỉnh Phú Yên không thể bơm nước để tưới ruộng. Hạ du sông Ba còn ít nước, lượng cá tự nhiên giảm đi, không còn đò ngang, đò dọc tấp nập như xưa. Mỗi năm, hơn 300 tỷ m3 nước sông Ba đã bị chuyển về sông Côn ở Bình Định, khiến hàng chục nghìn ha đất sản xuất ở 6 huyện và thị xã của tỉnh Gia Lai bị khô hạn. Khoảng 400.000 dân sinh sống dọc lưu vực sông Ba phải gánh chịu sự ô nhiễm nguồn nước.

Tương tự như vậy, ở hạ nguồn sông Sêrêpốk, nhà máy thủy điện Sêrêpốk 4A chặn dòng tại huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, chuyển nước sang khu vực khác để phát điện, khiến hàng chục km sông Sêrêpốk trơ đáy, gây hạn hán ở vùng hạ du, ảnh hưởng hệ sinh thái Vườn quốc gia Yook Đôn, đồng thời biến khu du lịch sinh thái Buôn Đôn vốn rất hấp dẫn, nay trở thành một địa chỉ heo hút. Hay như ở thác Pongour tỉnh Lâm Đồng, thác nước thơ mộng và hùng vĩ bậc nhất Tây Nguyên, bị cạn kiệt sau khi xây dựng đập thủy điện Đại Ninh.

Khai thác, sử dụng khôn khéo tài nguyên nước

Bên cạnh việc chuyển nước, GS. TSKH Đặng Trung Thuận cho rằng tài nguyên nước vùng Tây Nguyên đang bị khai thác quá mức để phục vụ sản xuất và đời sống. Theo GS Thuận, nguồn nước ở Tây Nguyên là không thiếu, thậm chí dư thừa vào mùa mưa. Tuy nhiên, với điều kiện địa hình và mùa khô khắc nghiệt kéo dài, nếu không có những biện pháp bảo vệ nguồn nước phù hợp, sử dụng khôn khéo và hiệu quả, thì vùng đất Tây Nguyên sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu nước ngày càng nghiêm trọng. Hiện nay, tài nguyên nước vùng Tây Nguyên đang được khai thác sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau như cấp nước sinh hoạt, cấp nước tưới cho nông nghiệp và cây công nghiệp, sử dụng nước cho ngành công nghiệp, phát triển thủy điện,... Sự gia tăng nhu cầu sử dụng nước, đặc biệt là nước tưới cho nông nghiệp và cây công nghiệp vượt quá khả năng đáp ứng nguồn nước của Tây Nguyên vào mùa khô.

Cà phê là cây trồng có nhu cầu tiêu thụ nước cao; trong lúc đó năm 2010 diện tích trồng cà phê ở Tây Nguyên đã vượt 2,8 lần so với quy hoạch, và con số này những năm gần đây ngày càng tăng, từ đó phát sinh mâu thuẫn khó khắc phục trong cung - cầu tài nguyên nước ở Tây Nguyên. Hậu quả nghiêm trọng là trong đầu năm nay do thiếu hụt nước tưới, những trụ cây tiêu chết đứng khô tại chỗ, một số vườn cà phê đã trở thành kho củi khô.

Tình trạng này càng bi đát hơn do tác động của biến đổi khí hậu, nhất là trong những năm xảy ra hiện tượng El Nino như năm 2015. “Cho đến nay, nước ta đã ghi nhận được những ảnh hưởng của El Nino như: Thiếu hụt lượng mưa so với trung bình nhiều năm từ 25 - 50%. Số kỷ lục về lượng mưa lớn nhất trong giai đoạn ngắn và số tháng liên tục hụt mưa tại một số nơi. Nhiệt độ trung bình các tháng ở hầu hết các vùng trên cả nước có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm và xuất hiện nhiều hơn các kỷ lục về nắng nóng. Dòng chảy năm ở các sông thuộc Tây Nguyên nhỏ hơn trung bình nhiều năm từ 10% trở lên, có thể hụt tới 50 - 60%. Lượng dòng chảy tháng nhỏ nhất ở nhiều nơi đều nhỏ hơn trị số trung bình nhiều năm và đạt khoảng 80 - 90%”, GS Đặng Trung Thuận cho biết thêm.

Nhiều giải pháp đang được sử dụng để chống hạn hán cho Tây Nguyên như: Thay đổi phương pháp tưới từ truyền thống sang tiết kiệm nước, tưới phun, tưới nhỏ giọt, tưới gốc cây. Thay đổi cơ cấu cây trồng từ truyền thống sang cây trồng chịu hạn, nhu cầu ít nước tưới. Thay đổi mùa vụ cây trồng nông nghiệp, né tránh khô hạn. Đào hầm hố sâu lấy nước trong đất, khoan giếng bơm hút nước dưới đất... Mỗi giải pháp có những ưu nhược điểm nhất định, nhưng dù những giải pháp này rất hay nhưng đều có một điểm yếu chung - một điều kiện tiên quyết là các sông suối trong vùng phải chưa hết nước, đang còn dòng chảy tối thiểu để có thể bơm hút nước.

Một trong những nét đặc thù của vùng đất Tây Nguyên là bề mặt địa hình dạng đồi là chủ yếu, các trũng bằng phẳng chiếm tỷ lệ thấp, vì vậy những công trình “đại thủy nông" chiếm nhiều diện tích đất để tích nước, nhưng vận hành không mấy hiệu quả. Bởi vì việc xây dựng hệ thống kênh tưới và cấp nước dân sinh trên vùng đất đồi, có nơi bị chia cắt sâu, gặp rất nhiều khó khăn.

Theo số liệu tổng hợp từ nhiều nguồn, ở Đắk Lắk năm 2015 có khoảng 770 công trình thủy lợi lớn, nhưng chỉ có 185 hồ tích nước đạt dung tích thiết kế, 90 hồ chỉ đạt 50% thiết kế, vì ít nguồn sinh thủy nên trong đợt hạn hán 2015 - 2016 nhiều hồ đã hết nước. Mặt khác, cũng có nơi như ở Gia Lai, hồ thủy lợi Ea Mlah huyện Krông Pa với vốn đầu tư 750 tỷ đồng, dung tích chứa 54 triệu m3 nước, với mục tiêu tưới cho 5.500 ha cây trồng các loại và cấp nước cho 36.000 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc. Hồ này đã xây dựng xong năm 2009 và đang tích đầy nước, nhưng chưa giúp ích gì nhiều cho dân vì đến nay còn phải chờ bổ sung kinh phí để xây dựng hệ thống kênh mương qua khu vực đất đồi đầy khó khăn, đến các khu tưới và các hộ dùng nước.

Công bằng mà nói, ở Tây nguyên có nhiều hồ thủy điện và thủy lợi lớn, hiệu quả hoạt động tích cực. Ngoài ra, cũng có những hồ nước nhỏ nhưng đem lại lợi ích thiết thực cho các cộng đồng nông thôn, vùng sâu vùng xa, như những hồ tích nước quy mô nhỏ trên địa bàn huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng.

Tuy nhiên, để quản lý và sử dụng hợp lý nguồn nước phục vụ phát triển vùng Tây Nguyên bền vững, các giải pháp mà các nhà khoa học khuyến cáo cần phải được thực hiện ngay. Đó là sử dụng hợp lý nước mưa, nước mặt, nước ngầm; giữ và xây dựng các hồ chứa nước tự nhiên và nhân tạo. Ngoài việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về lâm nghiệp, triển khai rà soát quy hoạch ba loại rừng. Đối với thủy điện, cần rà soát lại quy hoạch phát triển các công trình thủy điện (cả công trình hiện có và xây mới) gắn với việc sử dụng đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái và bảo đảm không gian sinh sống của người dân tại các vùng dự án; kiên quyết loại bỏ những công trình kém hiệu quả, tác động xấu đến môi trường sinh thái.

Thiếu tướng Trần Đình Thu, Ủy viên chuyên trách Ban Chỉ đạo Tây Nguyên: Sớm hoàn chỉnh Đề án thành lập Ủy ban lưu vực sông Sê San và Sêrêpốk

Các tỉnh trong vùng Tây Nguyên tập trung thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp tại Thông báo số 58/TB-VPCP ngày 29/3/2016 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến Kết luận chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nay là Thủ tướng Chính phủ) kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống hạn hán tại khu vực Tây Nguyên. Sớm hoàn chỉnh các Đề án thành lập Ủy ban lưu vực sông Sê San và Sêrêpốk để quản lý và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nước; Quy hoạch tổng thể thủy lợi vùng Tây Nguyên trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng. Để Tây Nguyên thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, phải đưa chế tài về sử dụng nguồn nước ngầm cho sản xuất và đời sống nhằm kiểm soát vệc sử dụng, khắc phục tình trạng khai thác, sử dụng nước ngầm bừa bãi như hiện nay. Nghiên cứu mô hình phát triển hệ thống ao, hồ theo nhóm hộ phục vụ sản xuất nông nghiệp nhằm chủ động nguồn nước tưới, giải quyết tình trạng thiếu nước, khắc phục hạn hán cho cây trồng tại những nơi không có điều kiện xây dựng các công trình thủy lợi quy mô lớn. Ưu tiên đầu tư, tu bổ sớm những công trình hồ chứa vừa và lớn để giải quyết cấp nước cho nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt; tận dụng các nguồn nước sẵn có, xây dựng các trạm bơm cung cấp nước cho các vùng tưới ở cao. Xây dựng bổ sung các hồ chứa phân tán chủ động cấp nước cho các khu tưới nhỏ. Hỗ trợ các dự án trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng tự nhiên, nhất là đối với rừng đầu nguồn các lưu vực sông để đảm bảo nguồn sinh thủy, chống bồi lắng lòng hồ. Kiểm tra lại các dự án thủy điện để có giải pháp cung cấp nguồn nước ổn định cho hạ du, nhất là các dự án chuyển dòng. Trước mắt không triển khai thêm các dự án gây tác động xấu đến môi trường. Tuyên truyền, có chính sách khuyến khích, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm và các giải pháp tưới tiên tiến; nghiên cứu, đề xuất ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, hộ gia đình trong việc lắp đặt và sử dụng các thiết bị tưới tiết kiệm trong sản xuất nông nghiệp.

Ông K’păh Thuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai: Môi trường nước đang có dấu hiệu suy giảm

Trên địa bàn tỉnh Gia Lai, tổng trữ lượng nguồn nước trên bề mặt đất với hơn 10,26 tỷ m3, tập trung trên hệ thống sông Ba, sông Sê San, sông Sêrêpôk và chủ yếu sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và dân sinh với 340 công trình thủy lợi và 40 công trình thủy điện. Trữ lượng nước dưới đất trên địa bàn tỉnh hơn 6,2 tỷ m3. Hàng ngày nguồn nước sử dụng cho tất cả các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và dân sinh trên địa bàn tỉnh Gia Lai từ nguồn nước mặt và nước dưới đất (nước ngầm) với tổng trữ lượng hơn 4 triệu m3/ngày. Trong đó, nước cho ăn uống, sinh hoạt 79.000 m3/ngày, chiếm 1,9%; nước cho sản xuất công nghiệp 23.000 m3/ngày, chiếm 0,6%; nước cho các nhu cầu khác là 8.300 m3/ngày, chiếm 0,2%. Nhìn chung, môi trường nước trên toàn tỉnh Gia Lai đang có dấu hiệu suy giảm, nguồn nước mặt cung cấp cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và dân sinh đang chịu tác động trực tiếp của tự nhiên, con người, động vật, thực vật nên nhiều nơi không đảm bảo vệ sinh, nhất là các khu vực dân cư tập trung, các khu công nghiệp. Đặc biệt ảnh hưởng của hiện tượng El Nino kéo dài từ năm 2015 đến hết tháng 6/2016 dẫn đến cạn kiệt nguồn nước, khô hạn diễn ra hết sức gay gắt và làm thiệt hại hơn 30.556 ha cây trồng nông nghiệp, hơn 9.160 hộ thiếu nước sinh hoạt.

Ông Lê Văn Trọng, Thôn Ea Tung, xã Ea Na, huyện Krông Ana (Đắk Lắk): Tác động của thủy điện Buôn Kuốp đến nguồn nước

Từ khi công trình thủy điện Buôn Kuốp được xây dựng trên sông Sêrêpốk, cộng đồng người dân sống ở Buôn Đrai và thôn Ea Tung, xã Ea Na, huyện Krông Ana là vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp do nằm trong vùng lòng hồ của công trình. Sạt lở bờ sông làm cho một số khu vực nhà ở của người dân thuộc thôn Ea Tung bị mất đất vườn, nứt tường nhà, thậm chí có một số hộ phải di dời đi nơi khác. Giếng nước khu tái định cư hiện nay không sử dụng được vì không có nước. Hai năm gần đây, ở nhiều khu vực trong xã chi phí bơm nước tưới tăng mạnh do mực nước sụt thấp khi vào mùa cạn; kinh phí khoan giếng tăng nên do phải khoan nhiều lần. Vào mùa mưa, nước sông dâng cao lại thẩm thấu vào các giếng nước sinh hoạt của người dân gây ô nhiễm môi trường, không sử dụng được. Bà con phải đi lấy nước ở những vùng lân cận về dùng, chi phí tăng cao. Mặt khác, chất lượng nước không đảm bảo vệ sinh đã làm gia tăng các bệnh về đường ruột, hô hấp và bệnh ngoài da, đặc biệt là ở trẻ nhỏ…

V.T


Viết Tôn