07:18 19/07/2021

Thiết thực hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh

Ngày 19/7, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Hà Tĩnh chủ trì đã họp bàn phương án đón công dân từ vùng dịch trở về địa phương.

Chú thích ảnh
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải chủ trì cuộc họp. Ảnh: baohatinh.vn

Theo đó, các trường hợp được đón về là công dân có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Hà Tĩnh đang lưu trú, làm việc tại các khu công nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai do dịch COVID-19 có nhu cầu trở về nơi thường trú.

Trước mắt tỉnh Hà Tĩnh ưu tiên đón các trường hợp người có bệnh hiểm nghèo, ốm đau dài ngày; phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ; người cao tuổi, người khuyết tật; người lao động bị thất nghiệp, dừng việc dài ngày; công dân vào thăm thân, giải quyết công việc bị kẹt lại tại các tỉnh; công dân đã hoàn thành cách ly. Theo thông tin từ Hội đồng hương tại Thành phố Hồ Chí Minh, hiện có 1.200 người đăng ký trở về quê.

Dự kiến thời gian tổ chức đón công dân đang cư trú, làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh trong đợt 1 từ ngày 22-25/7; đón công dân đang cư trú, làm việc tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai vào đợt 2, từ ngày 26-30/7. Các công dân sẽ được đón trở về quê bằng tàu và khi về đến Ga Yên Trung (huyện Đức Thọ) sẽ được đưa đi cách ly tập trung.

Để tiếp nhận thông tin và lập danh sách công dân có nguyện vọng trở về, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Hội đồng hương Hà Tĩnh tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai tiếp nhận thông tin đăng ký từ công dân và danh sách những lao động có nhu cầu, nguyện vọng trở về nơi thường trú.

Theo kế hoạch, tỉnh Hà Tĩnh sẽ tổ chức đoàn công tác liên ngành để đón công dân, trong đó ngoài cán bộ của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Y tế sẽ cử đội ngũ y, bác sỹ tham gia để triển khai, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch. Người trở về sẽ được cách ly tập trung 14 ngày và lấy mẫu xét nghiệm theo quy định.

Kết luận tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải khẳng định, đối với công dân đăng ký về, tỉnh sẽ hỗ trợ chi phí đi về và chi phí xét nghiệm, còn chi phí cách ly tập trung, công dân phải tự chi trả; đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tỉnh sẽ xem xét, hỗ trợ.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh, những công dân ở vùng đang thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nếu tự ý trở về, không đăng ký sẽ phải tự chi trả kinh phí xét nghiệm, cách ly; trường hợp để lây lan dịch bệnh sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

* Ngày 19/7, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Trà Vinh tổ chức vận chuyển 30 tấn gạo hỗ trợ nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phòng, chống dịch COVID-19. Trước đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Trà Vinh đã chuyển khoản 600 triệu đồng cho Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh để sử dụng vào công tác phòng, chống dịch COVID-19. Tất cả kinh phí ủng hộ được trích từ Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh.

Chú thích ảnh
Chuyến xe vận chuyển lương thực ủng hộ Thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị xuất phát. Ảnh: Thanh Hòa/TTXVN

Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Trà Vinh phát động từ ngày 27/5. Sau gần 2 tháng phát động, Quỹ đã tiếp nhận gần 19 tỷ đồng của 620 tập thể, cá nhân đóng góp. Đến nay, Quỹ đã giải ngân gần 4 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19.

* Nhằm hạn chế tối đa người dân ra khỏi nhà để đi mua sắm lương thực, thực phẩm, từ ngày 18/7, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố Vũng Tàu thành lập các “biệt đội giao hàng”, giúp bà con mua sắm hàng theo nhu cầu ở từng phường, xã. Hiện nay, có 7/16 xã, phường của thành phố Vũng Tàu tổ chức được “biệt đội giao hàng”.

Theo đó, Đoàn Thanh niên các phường, xã của thành phố Vũng Tàu tổ chức lực lượng là các đoàn viên, thanh niên; mỗi “biệt đội giao hàng” có từ 12-16 người, công khai 1-2 số điện thoại để người dân trên địa bàn biết và cử 1 người tiếp nhận yêu cầu đặt mua hàng của bà con. Sau khi nhận đơn hàng, “biệt đội giao hàng” sẽ tập hợp, phân công người (thường là các bạn nữ) đi mua và các bạn nam tổ chức giao cho người dân. Nếu số tiền mua hàng nhỏ thì “biệt đội” sẽ ứng trước, trường hợp số tiền mua hàng lớn thì đề nghị người mua chuyển khoản trước; các bạn đi chợ và giao hàng đều miễn phí. Hằng ngày, đội hoạt động từ 7-11 giờ và từ 13-19 giờ đến hết thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Bí thư Thành đoàn Thành phố Vũng Tàu Nguyễn Nhật Minh cho biết, ngay khi đề xuất về mô hình, lãnh đạo Thành ủy đã chấp thuận ngay và giao cho Thành đoàn cấp giấy đi giao hàng cho các đoàn viên, thanh niên trong đội. Cả 7 xã, phường thành lập các “biệt đội giao hàng” trên những địa bàn trọng điểm, có ca bệnh COVID-19 và nguy cơ lây nhiễm cao nên tiến hành thành lập trước để vừa làm vừa rút kinh nghiệm; tới đây sẽ triển khai trên toàn địa bàn thành phố. Ngoài 7 “biệt đội giao hàng” ở các phường, xã trên, Thành đoàn cũng đã lập 3 “biệt đội giao hàng” để tăng cường khả năng phản ứng, chi viện cho toàn thành phố.

Thành phố Vũng Tàu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ ngày 14/7 nên nhu cầu đi chợ để mua sắm thực phẩm tươi tăng dần, người dân ra đường, đến chợ, siêu thị tăng, điều này cũng làm tăng nguy cơ làm lây lan dịch bệnh.

Trước đó, Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã lập danh sách, địa chỉ, số điện thoại các siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng bán lẻ, cửa hàng mini trên địa bàn tỉnh, cung cấp cho toàn dân biết để thực hiện mua hàng theo hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, một số người dân phản ánh đã điện thoại để đặt mua hàng tại các điểm trên hầu như đều không có người nghe hoặc từ chối nhận giao bán hàng. Qua tìm hiểu, nguyên nhân là do các đơn vị này không đủ nhân lực lựa hàng, giao hàng và phải có phương án đảm bảo an toàn phòng dịch COVID-19.

* Tỉnh An Giang thống nhất triển khai hỗ trợ người bán lẻ xổ số lưu động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trên địa bàn nhằm đảm bảo đời sống cho người lao động.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 8.000 người bán vé số lẻ lưu động. UBND tỉnh quyết định hỗ trợ một lần cho người lao động cư trú hợp pháp và đang mưu sinh bằng nghề bán lẻ vé số lưu động trên địa bàn với mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người.

Dự kiến, tổng số tiền An Giang hỗ trợ là khoảng 12 tỷ đồng. Kinh phí hỗ trợ từ nguồn tài chính hợp pháp của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Xổ số kiến thiết An Giang.

Ông Lê Văn Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: Ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến đời sống của người bán lẻ vé số lưu động trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, bà con phải tạm dừng việc bán vé số trong một thời gian do tỉnh đang áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg khiến cuộc sống càng khó khăn hơn.

UBND tỉnh giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp các sở, ngành, địa phương khẩn trương triển khai, hỗ trợ kịp thời người bán vé số gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Quá trình triển khai hỗ trợ phải công khai, minh bạch, không để lợi dụng trục lợi chính sách.

Tỉnh đoàn An Giang đã tổ chức “Chuyến xe yêu thương” đến huyện biên giới An Phú, trao tặng 500 kg gạo, 100 thùng mỳ, 2 thùng nước tương (mỗi thùng 24 chai) cùng nước uống, khẩu trang, chanh quả đến tận tay người dân và đoàn viên, thanh niên gặp khó khăn trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16.

PV TTXVN tại các địa phương (TTXVN)