08:10 05/08/2011

Thiết kế Việt Nam đi tìm chỗ đứng - Bài cuối: Đào tạo nhân lực - Chìa khóa thúc đẩy năng lực thiết kế

Để thiết kế có thể đáp ứng nhu cầu sản xuất, dịch vụ trên bình diện quốc tế, các chuyên gia lĩnh vực này đều thừa nhận nguồn nhân lực và chính sách hỗ trợ của chính phủ có vai trò rất quan trọng.

Để thiết kế có thể đáp ứng nhu cầu sản xuất, dịch vụ trên bình diện quốc tế, các chuyên gia lĩnh vực này đều thừa nhận nguồn nhân lực và chính sách hỗ trợ của chính phủ có vai trò rất quan trọng.

Còn nặng lý thuyết

Theo ông Hồ Trọng Minh, trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, trong các yếu tố cấu thành giá trị sản phẩm thì việc đầu tư vào thiết kế mẫu mã, kiểu dáng, tính năng của sản phẩm đã quyết định sự thành công của nó trên thị trường. Đơn cử như với ngành du lịch, việc phát triển quảng bá, đi kèm với các chiến dịch thiết kế xây dựng hình ảnh đã khá thành công với các nước trong khu vực như Thái Lan, Xinhgapo, Malaixia. Trong khi đó, Việt Nam vẫn còn loay hoay tìm một logo và slogan mới cho ngành du lịch giai đoạn 2011-2015. Điều này cho thấy, muốn có một biểu tượng du lịch thành công, chương trình quảng cáo hấp dẫn, một hệ thống đồ lưu niệm phong phú đa dạng, phong cách và chất lượng của các khách sạn, khu nghỉ dưỡng... đòi hỏi nhiều sự đầu tư từ thiết kế mỹ thuật, tạo dựng một thương hiệu.

Thiết kế mẫu sản phẩm bìa vở Công ty cổ phần Văn phòng phẩm Hồng Hà (Tổng công ty Giấy Việt Nam). Ảnh: An Đăng - TTXVN


Các chuyên gia trong lĩnh vực này thừa nhận, những yếu kém là do nguồn nhân lực thiết kế đang còn nhiều bất cập. Hiện cả nước có khoảng 15 cơ sở đào tạo gồm cả trình độ đại học, cao đẳng và trung tâm đào tạo nghề. Mỗi năm có khoảng 1.500 người tốt nghiệp các khóa đào tạo bổ sung vào lực lượng này. “Tuy nhiên nhìn vào công tác đào tạo còn nhiều hạn chế như: Việc đào tạo tuy cơ bản nhưng lại thiếu cập nhật với hiện thực sản xuất và đời sống xã hội. Những nhu cầu của xã hội, những tiến bộ khoa học công nghệ chưa được phản ánh trong nội dung, chương trình đào tạo. Việc đào tạo còn nặng về lý thuyết; (những môn lý thuyết và đại cương chiếm 2/5 tổng thời lượng), vì thế kỹ năng thực hành chưa được hoàn thiện, dẫn tới việc thiếu chuyên nghiệp trong thực tế lao động. Việc đào tạo chưa thực sự nhấn mạnh vào 2 điểm quan trọng nhất là tư duy thiết kế và kỹ năng thực hành. Đây là điểm yếu lớn nhất của việc đào tạo nhân lực cho ngành thiết kế. Bên cạnh đó, chúng ta chưa có sự liên hệ giữa doanh nghiệp sản xuất ứng dụng và cơ sở đào tạo. Chính việc này dẫn tới việc đào tạo bị cô lập hóa trong chuỗi phát triển”, ông Hồ Trọng Minh nhận xét.

Ưu tiên chính sách đào tạo nguồn nhân lực

Để nâng cao năng lực cạnh tranh thiết kế của một quốc gia thì quan trọng nhất chính là nguồn nhân lực. Chính sách đào tạo nhà thiết kế ưu tú cần phải được ưu tiên.

Ông Minh cho rằng: Trong đào tạo, việc đột phá trong tư duy thiết kế chính là việc hướng tới mục tiêu phát hiện ra vấn đề, tạo lập ý tưởng. Do đó, các cơ sở đào tạo cần có những nghiên cứu về phương pháp sáng tạo và thực hiện thử nghiệm theo phương pháp kết hợp liên ngành, kết hợp giữa thiết kế mỹ thuật với nghiên cứu hiện tượng thiên nhiên, với công nghệ hiện đại… Bên cạnh đó, cần thúc đẩy khả năng tưởng tượng của sinh viên bằng cách khuyến khích sinh viên đọc văn học, truyện thần thoại, truyện viễn tưởng, xem phim hoạt hình, phim hài… vì trong các thể loại đó tồn tại những yếu tố nhân bản, hấp dẫn, khác thường, diễn biến bất ngờ gây thú vị. Một cách khác để phát triển nhân lực thiết kế là thông qua hợp tác với các nước tiên tiến.
Trưởng phòng Phát triển Chính sách, Viện Xúc tiến Thiết kế Hàn Quốc, ông Cho Doohuyn chia sẻ kinh nghiệm: “Việt Nam nên có một cơ quan chuyên ngành để thúc đẩy việc nghiên cứu, lập chính sách. Hơn nữa, việc nghiên cứu tình trạng hiện tại để xây dựng và thực hiện chính sách là quan trọng nhất. Cần phải có thống kê chính xác về thực tại và sự biến đổi của ngành công nghiệp thiết kế Việt Nam. Để nâng cao năng lực thiết kế thì quan trọng nhất là nguồn nhân lực. Do đó, chính sách đào tạo nhà thiết kế ưu tú cần được ưu tiên. Việc đào tạo có thể thông qua hợp tác với các nước tiên tiến. Và quan trọng hơn là doanh nghiệp phải đầu tư cho thiết kế vì chính bản thân phát triển của doanh nghiệp”.

Đồng quan điểm này, ông Lê Quý Hải, nhà thiết kế, giảng viên trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội khẳng định: Để có những nhà thiết kế giỏi, cần có sự hợp tác giữa doanh nghiệp và các trường đào tạo thiết kế. Thời gian gần đây, đã bắt đầu có sự hợp tác giữa các cơ sở sản xuất tại các làng nghề với sự tham gia của các sinh viên mỹ thuật, tạo ra được những sản phẩm thủ công có sức hút với khách du lịch. Bên cạnh đó, sự xuất hiện các chi nhánh, văn phòng công ty thiết kế và quảng cáo nước ngoài tại Việt Nam đã tạo nên sự cạnh tranh cũng như hội nhập quốc tế. Đó có thể được coi là những tín hiệu vui ban đầu cho ngành thiết kế Việt Nam trên hành trình đến chuyên nghiệp.

Xuân Cường