07:06 04/07/2018

Thiết kế ‘ngân hàng số’ gần gũi cho người Việt

Mặc dù cách mạng công nghiệp 4.0 đang dần thay đổi các nền kinh tế trên thế giới trong đó có Việt Nam, thế nhưng tỷ lệ người Việt dùng Internet Banking (ngân hàng điện tử) chưa nhiều. Vì vậy nhiều đơn vị đang “dồn lực” số hoá các dịch vụ thanh toán, chuyển tiền với các giao diện phần mềm thân thiện, dễ sử dụng.

Theo khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường Kantar TNS, chỉ có 4% người Việt Nam khi được hỏi có xác nhận sử dụng ngân hàng điện tử, trong khi tỷ lệ này ở các nước mới nổi ở châu Á là 12% (cao gấp 3 lần) và so với trung bình trên thế giới là 39% (cao gấp 10 lần).

Thanh toán số, thương mại số và giao vận thông minh qua điện thoại, máy tính đang "nở rộ". Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Mặc dù vào thời điểm cuối năm 2017, phía Ngân hàng Nhà nước thông báo, trung bình mỗi người Việt Nam sở hữu hơn 1 thẻ ngân hàng, nhưng chủ yếu vẫn chỉ dùng để rút tiền mặt tại máy ATM hơn là sử dụng các dịch vụ trực tuyến. Trong khi cả nước hiện đang có 78 tổ chức cung ứng dịch vụ qua internet và 41 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động.

“Việc hình thành thói quen giao dịch trực tuyến phụ thuộc rất lớn vào quá trình tư vấn của các ngân hàng, doanh nghiệp khi tiếp cận người dùng. Bởi khách hàng có thể chưa hiểu hết được các tính năng công nghệ cũng như tâm lý ngại cập nhật phiên bản mới”, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần nói.

Nắm bắt được tình hình này, SeABank vừa nâng cấp dịch vụ Ngân hàng trực tuyến SeANet lên phiên bản mới với nhiều cải tiến cùng một số ưu đãi: Miễn phí 3 tháng đầu sử dụng, giảm 50% phí chuyển tiền trực tuyến, lãi suất ưu đãi khi gửi tiết kiệm online.

“Việc nâng cấp dịch vụ SeANet giúp khách hàng của SeABank có thể dùng dịch vụ một cách nhất quán trên mọi trình duyệt. Thông qua hệ thống Internet Banking đã được nâng cấp, các nhu cầu về tài chính của khách hàng được đáp ứng một cách thuận tiện. Theo đó, các giao dịch từ thanh toán các hóa đơn như: Tiền điện, điện thoại… cho đến các giao dịch chuyển tiền, gửi tiết kiệm online sẽ được thực hiện nhanh chóng, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian của khách hàng”, đại diện SeABank nói.

Ông Phạm Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Viettel cho biết thêm: Trước sự đầu tư ồ ạt của các công ty công nghệ nước ngoài, cũng đặt ra cho các doanh nghiệp trong nước nhiều thách thức và cơ hội. Hơn lúc nào hết cần xây dựng những sản phẩm thuần Việt để phát huy nội lực, tăng năng lực cạnh tranh trước làn sóng hội nhập.

Với mạng lưới gồm hàng trăm nghìn điểm giao dịch nạp, rút, chuyển tiền trên toàn quốc, dịch vụ chuyển tiền và thanh toán ViettelPay vừa được đưa ra sẽ đáp ứng các nhu cầu chuyển tiền của mọi người dân như: Chuyển tiền liên ngân hàng, qua số điện thoại, tận tay tại nhà. ViettelPay được thiết kế nằm trong lộ trình phát triển hệ sinh thái thanh toán số, thương mại số và giao vận thông minh qua điện thoại di động của Viettel.

Để đáp ứng nhu cầu dịch vụ chuyển tiền nhanh liên ngân hàng, LienVietPostBank đã phối hợp với Công ty cố phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) để triển khai dịch vụ Chuyển tiền nhanh liên ngân hàng tại quầy giao dịch trên toàn hệ thống. “Phía ngân hàng đã đầu tư các công nghệ, hệ thống giao dịch dễ sử dụng, mang lại hiệu quả cao cho khách hàng với chi phí thấp, thủ tục đơn giản, nhanh chóng; khắc phục rủi ro chuyển nhầm tên và tài khoản; thời gian báo có cho khách hàng được rút ngắn, linh hoạt về thời gian thực hiện giao dịch”, đại diện LienVietPostBank nói.

Thay vì phải đến quầy giao dịch của Vietcombank để thực hiện chuyển tiền cho người hưởng nhận bằng tiền mặt thông qua các giấy tờ tùy thân, kể từ nay, khách hàng có thể thực hiện giao dịch này ngay trên ứng dụng VCB-Mobile B@nking khá thuận tiện.

Với mục tiêu không ngừng cải tiến, hoàn thiện và đa dạng hóa các tính năng của dịch vụ để đem tới cho khách hàng nhiều giá trị và trải nghiệm mới, Vietcombank vừa cập nhật thêm nhiều tính năng mới trên ứng dụng VCB-Mobile B@nking. Để thuận tiện hơn cho khách hàng khi theo dõi và kiểm soát số dư tài khoản, Vietcombank bổ sung thông tin về tổng số dư của các loại tài khoản thanh toán, tài khoản tiết kiệm, tài khoản vay tại tính năng thẻ/tài khoản.

Theo Ông Trần Nhất Minh- Phó Tổng giám đốc, kiêm Giám đốc Khối Công nghệ -  VIB, hiện 80% giao dịch không dùng tiền mặt của ngân hàng đang diễn ra trên ứng dụng MyVIB và Internet Banking, chỉ còn 20% giao dịch là thực hiện tại quầy. Lượng khách hàng thường xuyên sử dụng MyVIB trong năm 2017 tăng 87% so với năm 2016. Ngoài ra, 20% khách hàng cá nhân mới của VIB sử dụng dịch vụ mở tài khoản trực tuyến ngay trên trang web của ngân hàng.

“VIB không ngừng cải tiến các sản phẩm số của mình để phù hợp với mọi đối tượng khách hàng. Bằng cách hợp tác với các công ty fintech để sáng tạo và bổ sung thêm các tính năng mới như cho phép  phép người dùng chuyển tiền nhanh trên mạng xã hội, hạn chế tình trạng chuyển sai người nhận; mua và thanh toán nhanh vé máy bay nội địa/quốc tế, đặt phòng trực tiếp trên ứng dụng MyVIB; thanh toán bằng quét mã QR (mã vạch thế hệ mới; đăng nhập ứng dụng MyVIB bằng công nghệ bảo mật sinh trắc học (nhận diện khuôn mặt và quét vân tay).

Minh Phương/Báo Tin tức