08:06 23/08/2019

Thiết bị thông minh đang đánh cắp tuổi thơ của trẻ em Trung Quốc

Trẻ em ở vùng nông thôn dành nhiều thời gian để cắm cúi nhìn vào màn hình máy tính và điện thoại di động hơn so với những bạn đồng trang lứa ở thành phố. 

Chú thích ảnh
Hai đứa trẻ chơi trò chơi điện tử trên điện thoại ở LiuZhou, Quảng Tây. Ảnh: IC 

Một nghiên cứu mới do Trung tâm Trẻ em Quốc gia Trung Quốc cho thấy sau khi kết thúc ngày học ở trường, trẻ em trên khắp đất nước đang dành nhiều thời gian để sử dụng điện thoại di động và máy tính chơi điện tử và “chát chít” – trung bình hơn 43 phút mỗi ngày – thay vì đọc sách, chỉ với gần 26 phút trong những ngày trong tuần.

Thời gian các em dán mắt vào màn hình còn lên đến hơn 90 phút mỗi ngày vào dịp cuối tuần. 

Tờ China Daily đưa tin báo cáo về sự phát triển của trẻ em Trung Quốc năm 2019 của trung tâm này công bố hôm 20/9 nhấn mạnh sự khác biệt đáng báo động về thời gian dùng thiết bị điện tử giữa trẻ em ở nông thôn và thành phố là 20%. 

Kết quả này dựa trên một nghiên cứu được triển khai từ tháng 9/2018 đối với 15.000 trẻ em từ lứa tuổi học mẫu giáo đến trung học. Các đối tượng tham gia trải rộng từ thành thị đến nông thôn của 10 thành phố ở Trung Quốc, trong đó có Bắc Kinh, Quảng Châu và Duyun. 

Ông Sun Hongyan, Giám đốc Viện nghiên cứu thời thơ ấu tại Trung tâm nghiên cứu Trẻ em và Thanh niên Trung Quốc, cho rằng các thiết bị điện tử và internet từng là mơ ước xa xỉ đối với trẻ em vùng nông thôn. Tuy nhiên, sự xuất hiện ngày càng phổ biến của điện thoại thông minh giá rẻ đã giúp những ông bố, bà mẹ lên thành phố kiếm sống có thể mua được thiết bị này cho con cái của họ ở quê nhà. 

Theo Trung tâm Thông tin Mạng Internet Trung Quốc, số người sử dụng Internet ở vùng nông thôn nước này đã đạt 222 triệu người vào cuối năm ngoái, chiếm 26,7% “cư dân mạng” trên cả nước. 
“Phụ huynh ngày càng khó giám sát những gì con cái của họ xem và làm, đặc biệt khi họ không ở bên. Cùng lúc đó, họ đang lệ thuộc vào thứ lợi ích có vẻ như an toàn của việc giữ chân đứa trẻ ở trong nhà bằng một thiết bị điện tử”, ông Sun nói. 

Báo cáo cũng chỉ ra việc trẻ em ngày càng thích chơi trò điện tử và trò chuyện trực tuyến hơn là các hoạt động giải trí sau giờ học khác như đọc sách và hoạt động thể chất ngoài trời. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng phát triển các kỹ năng xã hội cũng như thị lực của trẻ.

Chuyên gia Hiệp hội Giáo dục Trung Quốc Sun Yunxiao khuyến cáo các trường học cần quan tâm để nâng cao kỹ năng sử dụng Internet cho trẻ em nhằm giúp trẻ em có thể kiểm soát được Internet hơn là trở thành “tù nhân” của nó.

Bà Sun Yunxiao nói: “Cấm trẻ em sử dụng các thiết bị điện tử là điều không khả thi vì các thiết bị này có ở khắp nơi”. Bà khuyến cáo: “Các trường học có thể cung cấp các khóa học để giúp trẻ em nhận biết đầy đủ các mặt tích cực và tiêu cực của Internet”.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo thời gian hợp lý để trẻ dưới 5 tuổi tiếp xúc thụ động với màn hình các thiết bị điện tử như điện thoại, ti vi, máy tính là không quá 60 phút mỗi ngày, và đặc biệt không nên để trẻ dưới 1 tuổi tiếp xúc với các loại màn hình này để đảm bảo các em phát triển khỏe mạnh.

WHO cho rằng trẻ em từ 1-4 tuổi nên hoạt động ít nhất 180 phút/ngày, với các hoạt động vui chơi phù hợp như đi bộ, bò, chạy, nhảy, nhảy dây, giữ thăng bằng, leo trèo, hoạt động với các đồ chơi có bánh, đi xe đạp... Đối với trẻ em từ 3-4 tuổi cũng cần có các hoạt động thể chất, vui chơi trong 60 phút/ngày. WHO cảnh báo mỗi năm thế giới có 5 triệu người tử vong do thiếu các hoạt động thể chất phù hợp.

Hoàng Trang/Báo Tin tức