10:09 04/10/2011

Thiên nhiên và di sản văn hoá - thế mạnh của du lịch Ninh Bình

Là một tỉnh có tiềm năng du lịch phong phú, Ninh Bình đã bước đầu thành công trong việc khai thác thế mạnh các khu du lịch sinh thái được thiên nhiên ưu đãi cùng nhiều di sản văn hóa để thu hút du khách tìm về với miền đất Cố đô.

Là một tỉnh có tiềm năng du lịch phong phú, Ninh Bình đã bước đầu thành công trong việc khai thác thế mạnh các khu du lịch sinh thái được thiên nhiên ưu đãi cùng nhiều di sản văn hóa để thu hút du khách tìm về với miền đất Cố đô.

            Với hơn 800 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh đã được kiểm kê, trong đó có gần 80 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, cộng thêm với hệ thống giao thông thuận lợi, Ninh Bình dần vươn lên trở thành điểm đến du lịch quan trọng ở phía nam đồng bằng Bắc Bộ.

 

            * Một vùng non nước sơn thuỷ hữu tình

 

            Khu du lịch sinh thái Tràng An được mệnh danh là "vịnh Hạ Long trên cạn", quy mô hơn 2.100 héc ta, có 31 thung, 50 hang động xuyên thuỷ trải dài trên địa bàn 8 xã, phường thuộc huyện Hoa Lư, huyện Gia Viễn và thành phố Ninh Bình.

            Những dãy núi đá vôi với hệ thống sông ngòi hòa quyện vào nhau cùng với hệ động, thực vật vô cùng phong phú, đa dạng đã tạo nên một không gian sinh thái hoàn toàn tự nhiên ẩn chứa những giá trị thiên nhiên to lớn, đủ sức làm đắm say lòng người, kể cả những khách du lịch khó tính nhất.

            Ngồi trên chiếc thuyền nhẹ lướt trên mặt nước, Tony Adam, một du khách đến từ Canada lăm lăm trong tay chiếc máy ảnh kỹ thuật số hiện đại, liên tục thay các loại ống kính để kịp ghi lại những khuôn hình đẹp. Ông cho biết sẽ dành phần lớn thời gian cùng gia đình đi thăm hết những hang động chính như Địa Linh, Nấu Rượu, Ba Giọt, Sơn Dương, Quy Hậu... trên tuyến du lịch này.

            Đến Việt Nam tham dự một cuộc hội thảo khoa học, vợ chồng chị Jessica và anh Mark, quốc tịch Anh đã tranh thủ hai ngày nghỉ cuối tuần đến thăm quần thể Tam Cốc-Bích Động và khu du lịch sinh thái Tràng An.

            "Những khối núi đá vôi thật đẹp, không chỉ độc đáo, lý thú về lịch sử hình thành và phát triển mà còn đặc sắc, kỳ vĩ ở hình thù của chúng. Tôi rất bất ngờ khi được biết nơi đây có dấu ấn người tiền sử và xa xưa hơn nữa, khu vực này chính là biển cả bao la. Môi trường thiên nhiên đa dạng và hài hoà, giữa sinh vật, núi rừng, hang động, sông suối đã làm nên một khung cảnh thiên nhiên non xanh nước biếc, hoà quyện với nhau thành một vùng sinh thái thật là hiếm có," anh Mark hồ hởi nói.

 

 

         * Dày đặc di sản văn hoá

 

 

         Nói đến Ninh Bình, không thể không nhắc đến Cố đô Hoa Lư, kinh đô của nước Việt từ năm 968 đến năm 1010 với ba triều đại Đinh, Tiền Lê và khởi đầu nhà Lý hiện còn nhiều dấu tích thuộc các làng Yên Thượng, Yên Thành và Chi Phong thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư.

         Theo Ban Quản lý di tích lịch sử, văn hoá cố đô Hoa Lư, các nhà khảo cổ học đã phát hiện và khai quật dưới tầng đất giữa hai đền thờ vua Đinh, vua Lê, vốn khi xưa là nền cung điện cách đây hơn 1.000 năm nhiều hiện vật quý giá như gạch "Đại Việt Quốc quân thành chuyên", gạch "Giang Tây quân", gạch có trang trí hoạ tiết hình hoa sen và đôi chim phượng vờn nhau.

         Một bộ phận ở phần đế của cột kinh Phật, tương truyền do Đinh Liễn, con trai vua Đinh Tiên Hoàng dựng vào năm 973, chép kinh Phật đỉnh tôn thắng đà la ni, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nghiên cứu về Phật giáo ở thế kỷ X đã phát lộ. Ở chùa Nhất Trụ, thôn Yên Thành, xã Trường Yên có một cột kinh Phật hình bát giác, cao 4,16 mét, trên cột khắc bài kinh Lăng Nghiêm, có dòng chữ "Đại Thắng Minh Hoàng đế, lê tổ từ thừa thiên mệnh đại định sơn hà thập lục niên" có thể được dựng vào năm Lê Đại Hành thứ 16, tức năm 995. Tại xóm Đồng Môn, xã Trường Yên còn lưu giữ một tấm bia, thường gọi là bia Cửa Đông được khắc trên vách đá nhưng đã bị mất niên đại. Nội dung trên tấm bia cho biết đây là con đường các quan văn, võ đi vào triều.

         Núi Hồ cạnh cầu Đông có một tấm bia khắc trên vách đá vào năm Tự Đức thứ 28 (1875) có hai chữ Đông Kiều (kiều là cầu). Ở cầu Dền cũng có tấm bia cùng niên đại khắc hai chữ Dền Kiều, giúp xác định rõ vị trí của hai địa danh này. Rất có thể, ngày trước sau khi vua Lý Thái Tổ dời đô đã lấy các tên gọi ở Hoa Lư để đặt cho một số địa điểm trong kinh thành Thăng Long.

 

 

            * Coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn

             PGS. TS. Phạm Trung Lương, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch khẳng định, việc thúc đẩy du lịch cố đô Hoa Lư, Tràng An có ý nghĩa quan trọng không chỉ của riêng Ninh Bình mà còn đối với hoạt động của trung tâm du lịch Hà Nội và phụ cận, theo trục lịch sử Hoa Lư-Thăng Long, một trong 7 khu vực trọng điểm du lịch của cả nước đã được xác định trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam. Ông Lương cho rằng, càng đa dạng sản phẩm du lịch bao nhiêu thì càng hạn chế "tính mùa"-  một trong những tồn tại điển hình trong hoạt động du lịch ở khu vực phía Bắc.

            Theo PGS. TS. Phạm Trung Lương, việc đầu tư vào những điểm đến của du lịch Ninh Bình cần đảm bảo tính hấp dẫn đối với du khách, tránh trùng lặp với những sản phẩm du lịch ở vùng phụ cận để kmang lại doanh thu cao, từ đó tạo nguồn lực tái đầu tư trở lại cho việc củng cố, tôn tạo các giá trị tài nguyên, môi trường. Những lợi ích về kinh tế từ du lịch phải được chia sẻ với bảo tồn các giá trị văn hoá tự nhiên và phát triển cộng đồng, đặc biệt đối với những người dân ở vùng sâu, vùng xa, cuộc sống còn nhiều phụ thuộc vào khai thác tự nhiên. Đồng thời, vấn đề đào tạo đội ngũ lao động chuyên làm công tác du lịch đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch ở quần thể cố đô Hoa Lư-Tràng An, điểm đến du lịch văn hoá lịch sử và cảnh quan sinh thái tầm cỡ quốc gia, cần phải được chú trọng ngay từ bây giờ.

            Phát huy tiềm năng, thế mạnh đặc trưng của vùng, thời gian tới, Ninh Bình xác định đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với 7 khu không gian du lịch được liên kết chặt chẽ, mục tiêu đến năm 2020 thu hút 5 triệu khách, trong đó có 2 triệu lượt khách quốc tế.

            Để làm được điều này, địa phương từng bước hình thành 4 nhóm, tuyến liên hoàn trên cơ sở phát triển các nhóm sản phẩm du lịch. Cụ thể, cố đô Hoa Lư, khu Tràng An, chùa Bái Đính, nhà thờ đá Phát Diệm, làng thuần Việt và làng nghề ở các huyện Gia Viễn, Kim Sơn, Hoa Lư chú trọng phát triển du lịch lịch sử và văn hóa tâm linh. Vườn quốc gia Cúc Phương, khu bảo tồn Vân Long, hồ Đồng Thái, Đồng Chương, tuyến Tam Điệp-Biện Sơn và vùng ven biển Kim Sơn đi theo hướng du lịch sinh thái kết hợp nghiên cứu khoa học. Khu Linh Cốc-Hải Nham, Thạch Bích-Thung Nắng và khu Liên hiệp thể thao sân gôn 54 lỗ hồ Yên Thắng cung cấp dịch vụ vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng cuối tuần. Khu nước khoáng nóng Kênh Gà trên sông Hoàng Long được đầu tư hệ thống bể bơi nước khoáng nóng, lạnh, khu tắm ngâm thảo dược, khách sạn, nhà hàng để phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng, chữa bệnh cho du khách./.

 

               Vũ Anh Minh