10:15 22/10/2024

Thích ứng với điều kiện thiên tai khốc liệt 

Ngày 22/10, tại Hà Nội, Báo Tiền phong tổ chức tọa đàm "Thích ứng với thiên tai ngày càng dị thường, khốc liệt", với sự tham dự của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đến từ các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị, địa phương liên quan.

Chú thích ảnh
Quang cảnh toạ đàm.

Chia sẻ tại toạ đàm, Nhà báo Lê Minh Toản, Phó Tổng biên tập Báo Tiền Phong cho biết, miền Bắc vừa trải qua thảm họa thiên tai nghiêm trọng nhất trong nửa thế kỷ qua khi siêu bão Yagi đổ bộ gây mưa lớn, lũ lụt, ngập lụt ở 21 tỉnh, thành phố, để lại hậu quả nghiêm trọng. Thực tế này cho thấy, thiên tai ngày càng dị thường, trở thành thách thức của Việt Nam.

Ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn nhận định, với tác động của biến đổi khí hậu hiện nay, thiên tai và xu hướng thiên tai dưới tác động của biến đổi khí hậu còn diễn biến nhiều bất thường hơn trước. Cùng với đó, các cơn bão dù chưa có dấu hiệu rõ ràng, nhưng số lượng bão mạnh tăng lên gần đây là một xu hướng. Minh chứng là nhiều năm gần đây xuất hiện ngày càng nhiều cơn bão mạnh, trong 5 - 6 năm gần đây, Việt Nam đã hứng chịu đến 6 cơn bão mạnh/năm. 

Để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, ông Hoàng Đức Cường cho biết, Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn chọn cảnh báo sớm là giải pháp quan trọng để dự báo sớm thiên tai, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Để có thêm số liệu phục vụ cho dự báo, cần tăng cường hệ thống radar, nhằm giảm bớt sai số.

Chú thích ảnh
Ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn chia sẻ tại toạ đàm.

“Đây là công việc không thể có sớm trong ít ngày. Xu thế tất yếu là ứng dụng cách mạng 4.0, ứng dụng AI vào cảnh báo sớm; đồng thời, cần hợp tác quốc tế và chia sẻ dữ liệu, tận dụng công nghệ tiên tiến của các nước song phương và đa phương, đưa dữ liệu của Việt Nam vào mô hình hiện đại nhất của các nước trên thế giới", ông Hoàng Đức Cường cho hay.

Đồng quan điểm, TS Vũ Anh Tuân, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cho biết, nhiều nước đã tính toán được công nghệ vũ trụ có thể giảm sự thiệt hại thiên tai lên tới 10%. Việc sử dụng công nghệ vũ trụ, giai đoạn trước thiên tai có chức năng nhận diện nguy cơ, cảnh báo, cung cấp thông tin cho ngành khí tượng thuỷ văn hay trong thiên tai có thể cung cấp thông tin để cơ quan chức năng có giải pháp ứng cứu kịp thời.

Theo ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, công tác phòng chống và khắc phục hậu quả của bão có nhiều vấn đề có thể khắc phục. Vấn đề về nguồn lực đầu tư cho công tác phòng ngừa là then chốt. Cùng với đó, công tác dự báo cảnh báo cần được đề cao, nhắc nhở lại nhiều lần để phát huy cong tác tuyên truyền, khắc phục, phục hồi.

Hiện nay tại Việt Nam, ngoài yếu tố thiên nhiên, các tác động nhân tạo của con người như xây đường, xây đập thủy điện… tác động đến 70% tới thiên nhiên. Do đó, cần quan tâm hơn nữa đến tác động của các cơ sở hạ tầng trước khi tiến hành quy hoạch, xây dựng. 

Thu Trang/Báo Tin tức