09:13 28/09/2018

Thích ứng biến đổi khí hậu để phát triển bền vững - Bài 1: Tác động của thiên nhiên ngày càng khắc nghiệt ​

Biến đổi khí hậu đã trở thành vấn đề toàn cầu. Trong những năm gần đây, tỉnh Sóc Trăng bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu; khô hạn, mặn xâm nhập, dông lốc, triều cường thường xuyên xảy ra.

Chú thích ảnh
Tuyến đê biển Vĩnh Châu bị vỡ hồi tháng 3 năm ngoái. Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN

Bài 1: Tác động của thiên nhiên ngày càng khắc nghiệt

Do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, mùa khô hạn năm 2016, ngành nông nghiệp Sóc Trăng bị thiệt hại gần 1.000 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại; đời sống người dân nhất là người dân nghèo, đồng bào dân tộc vùng ven biển của tỉnh bị nhiều ảnh hưởng. 

Thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp 

Thực tế trong những năm gần đây cho thấy, Sóc Trăng là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Là tỉnh ven biển, có trên 30% dân số sống ở vùng ven biển, đời sống người dân cũng như điều kiện của địa phương chưa đủ đáp ứng những công trình kiên cố để chống chịu với thiên tai. Trong khi đó, các đợt lũ, triều cường, dông lốc, hạn mặn xảy ra thường xuyên, ngày càng khắc nghiệt, ảnh hưởng bất lợi đối với đời sống, sản xuất của người dân vùng ven biển và nhiều khu vực khác. 

Mùa khô năm 2015-2016, toàn tỉnh có hơn 31.000 ha lúa, mía, rau màu, cây ăn trái bị ảnh hưởng do nước mặn xâm nhập, thiếu nước tưới, gây thiệt hại cho nông dân gần 1.000 tỷ đồng. Do bị nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp, năm 2016, lần đầu tiên sau 24 năm tái lập tỉnh Sóc Trăng, chỉ số phát triển khu vực I (lĩnh vực nông nghiệp) có tăng trưởng âm, giảm 0,51% so với năm 2015 và hậu quả kéo dài cả những năm tiếp theo.

Từ đầu năm 2017 đến nay, Sóc Trăng liên tục chịu ảnh hưởng từ các cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, các đợt lốc xoáy, mưa dông. Cũng từ đầu năm 2017 đến nay, thiên tai đã làm 6 người chết, 276 căn nhà bị ảnh hưởng, trong đó 73 căn nhà bị sập hoàn toàn; trên 6.700 ha thủy sản và cây trồng bị thiệt hại từ 30 đến 70%, ước tổng thiệt hại hơn 1.100 tỉ đồng.

Theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng luôn có khoảng 20 khu vực và điểm nguy cơ sạt lở cao với tổng chiều dài trên 35.000m đê bao ở các địa phương.

Diễn biến bất thường của thiên tai và biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt đã ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân. Tại huyện đảo Cù Lao Dung, hằng năm, vào khoảng các tháng 8 - 11 âm lịch, cao điểm mỗi tháng có 2 con nước lớn là dịp đầu tháng và giữa tháng, khiến người dân rất bất an vì đê bao có thể vỡ bất cứ lúc nào. Khi có con nước, hàng chục đoạn đê bao bị vỡ hoặc tràn bờ gây ảnh hưởng nhiều diện tích mía, rau màu, thủy sản, cản trở việc đi lại của người dân.

Sạt lở, vỡ đê xảy ra 

Các tháng 8 - 11 âm lịch còn là mùa mưa bão. Người dân thị xã Vĩnh Châu, nhất là vùng ven biển luôn lo lắng xảy ra vỡ đê, triều cường,  nguy cơ gây thiệt hại hàng ngàn ha trồng rau màu, hành tím và thủy sản vùng bãi bồi ven biển. Trong đó, khu vực đoạn đê biển K41 đến K43 thuộc địa bàn xã Vĩnh Hải với khoảng 5.000m đê biển luôn bị triều cường, sóng biển làm vỡ, nước biển tràn vào trong đê mà đến nay địa phương và cơ quan chức năng mới chỉ khắc phục được tạm thời.

Trong 3 tháng gần đây, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã có 75m đường bị sạt lở, thiệt hại khoảng 225 triệu đồng. Trong đó, rạng sáng 5/6, tại ấp Phụng An, xã Song Phụng, huyện Long Phú (Sóc Trăng) đã xảy ra sạt lở lớn làm một đoạn tuyến lộ đất nằm cạnh sông Rạch Mọp (ranh giới giữa huyện Kế Sách và Long Phú) có chiều dài gần 30m, sâu 3m bị sạt lở, có chỗ ăn sâu vào đất liền 8m. Số đất sạt lở ước tính gần 800 m3. Sạt lở đã làm ảnh hưởng đến việc đi lại của hơn 40 hộ sinh sống ở khu vực ven sông Rạch Mọp. Rất may là thời điểm xảy ra sạt lở, không có phương tiện và người qua lại, nên không thiệt hại về người. Tại hiện trường, nhiều đoạn đường có nguy cơ sạt lở trong thời gian tới, đe dọa đến cuộc sống người dân. Theo người dân địa phương, trước đó, tại khu vực này đã có 3 vụ sạt lở xảy ra vào các năm 2012, 2015, 2016, gây nhiều thiệt hại về nhà cửa, đất đai, cây trồng.

Đêm 11/7, trên tuyến Rạch An Mỹ, tại khu vực ấp Phụng An, xã An Mỹ, huyện Kế Sách, đã xảy ra sạt lở 1 đoạn đường dài 30m, rộng 7m. Sau đó 2 ngày, ngày 15/7, trên tuyến Rạch Gừa tại khu vực ấp An Phú Đông, xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, cũng xảy ra sạt lở một đoạn dài 45 m rộng khoảng 8 m, tuy không thiệt hại về người nhưng làm cho việc đi lại gặp nhiều khó khăn khi nguy cơ sạt lở còn tiếp diễn do mưa nhiều và triều cường.

Ông Đặng Văn Như (ngụ ấp Hòa Lý, xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên) cho biết trước đây sông Thạnh Mỹ rộng khoảng 40m, nhưng do bị sạt lở, nay có nơi sông rộng trên 70m. Nhà ông vốn cách bờ sông khoảng 50 m, nhưng giờ đây bờ sông đã sạt lở vào cách nhà còn khoảng 3 m. Cũng theo ông Như, trên đoạn sông thuộc xã Ngọc Tố có hàng chục điểm sạt lở, riêng đoạn sông từ ngã ba sông Dù Tho đến cầu Hòa Lý dài khoảng 500 m bị sạt lở nhiều nhất, đất hai bên bờ sạt xuống sông, làm mất cả đường đi. Ngay tại cầu Hòa Lý bắc qua sông Thạnh Mỹ trên đường tỉnh 936, cách đây mấy năm mố cầu và đường dẫn nằm trên đất liền cách bờ sông hàng chục m, nhưng nay đã bị sạt lở hết toàn bộ; cơ quan chức năng đã tiến hành gia cố bằng lưới thép rọ đá để tránh trôi mố cầu cũng như đường dẫn. Dọc bờ kênh, một số đoạn được người dân dùng cây tràm cắm xuống sông, dùng bạt nhựa kéo giăng bên ngoài để chống sạt lở, nhưng mỗi khi có tàu thuyền chạy qua sóng đánh vào bờ rất mạnh nên rất dễ bị sạt lở.
Ngoài sạt lở, dông lốc do thiên tai, tại thị xã Ngã Năm, vùng trũng của tỉnh Sóc Trăng còn xảy ra hiện tượng mặn xâm nhập ngay trong mùa mưa, như thời điểm giữa tháng 7 vừa qua. Từ giữa tháng 8 đến nay, địa phương này còn bị ảnh hưởng bởi cả úng ngập và lũ tràn đồng, gây khó khăn cho người dân trong sản xuất và đời sống sinh hoạt.

Thích ứng biến đổi khí hậu để phát triển bền vững - Bài 2: Những giải pháp

Trung Hiếu (TTXVN)