Xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt mốc 400 tỷ USD

Tính tới giữa tháng 12/2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã chinh phục mốc 400 tỷ USD (hơn 9 triệu tỷ đồng). Như vậy sau 10 năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã tăng gấp 4 lần.

Đây là những mốc xuất nhập khẩu đã được chính Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhắc tới trong buổi lễ ghi nhận tổ chức chiều 19/12 tại Hà Nội.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay: Nếu như năm 2001, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam mới chỉ đạt được 30 tỷ USD thì sau 6 năm, khi Việt Nam gia nhập WTO năm 2007, con số này đã tăng hơn 3 lần, đạt mức 100 tỷ USD. Bốn năm sau, năm 2011, mức xuất nhập khẩu đã đạt 200 tỷ USD và mốc 300 tỷ USD là con số Việt Nam đạt được năm 2015.
Để đạt được từ mốc 300 tỷ USD lên 400 tỷ USD, Việt Nam chỉ mất 2 năm, từ năm 2015 đến năm 2017.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. Ảnh: MP.

“Những năm 1990, khi Việt Nam chỉ đạt mức xuất nhập khẩu 2,5 tỷ USD thì cả Châu Phi là 26 tỷ USD. Còn bây giờ, khi họ chưa được 100 tỷ USD thì ta đã là 400 tỷ USD,” Phó Thủ tướng Chính phủ nói.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: thành tích 400 tỷ USD là của cả nước, từ sản xuất tới chủ trưởng của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là sự cố gắng của ngành hải quan, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính. Theo Phó Thủ tướng, thứ hạng về xuất nhập khẩu của Việt Nam (theo xếp hạng của Tổ chức Thương mại thế giới- WTO) đã tăng lên rõ rệt. Cụ thể: xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng từ vị trí 50 trong năm 2007 lên vị trí 26 ghi nhận trong năm 2016. Trong khi đó, nhập khẩu của Việt Nam cũng tăng lên từ vị trí thứ 41 trong năm 2007 lên vị trí 25 trong năm 2016 và chắc chắn sẽ tiếp tục tăng bậc trong năm 2017.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, mục tiêu của ngành là đón nhận thêm kỷ lục mới cả về chất và lượng, đặc biệt là có thể cán mốc kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mốc 500 tỷ USD trong 2 năm tới.

Trong 11 tháng năm 2017, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước đạt mức thặng dư cao nhất kể từ trước đến nay với 3,17 tỷ USD. Trong giai đoạn 2006-2010, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam nhập siêu khoảng 12,5 tỷ USD/năm do nhập khẩu hàng hóa tăng cao. Trong giai đoạn 2011-2015, nhập siêu hàng hóa đã giảm mạnh, chỉ vào khoảng 2 tỷ USD/năm. Bước sang năm 2016, áp lực nhập siêu đã giảm khi cán cân thương mại của Việt Nam thay đổi lớn, thặng dư 1,78 tỷ USD và trong 11 tháng/2017 lên tới 3,17 tỷ USD.

Mức thặng dư thương mại đạt được chủ yếu từ hoạt động xuất nhập khẩu của nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Cụ thể khối doanh nghiệp FDI trong 11 tháng từ đầu năm 2017 thặng dư 23,85 tỷ USD, trong khi khối các doanh nghiệp có vốn hoàn toàn trong nước thâm hụt tới 20,67 tỷ USD. Trung Quốc và Hàn Quốc là 2 thị trường lớn nhất có thâm hụt thương mại với Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam luôn có thặng dư thương mại với thị trường Hoa Kỳ, EU và Hồng Kông (Trung Quốc).

11 tháng năm nay, thâm hụt thương mại với các thị trường có sự chuyển dịch đáng chú ý, nhập siêu từ Trung Quốc giảm tới 15,3% so với cùng kỳ năm trước và từ Hàn Quốc lại tăng mạnh tới 55,8%. Kết quả, Hàn Quốc đã vượt Trung Quốc trở thành thị trường có thâm hụt thương mại lớn nhất của Việt Nam với mức gần 29 tỷ USD, trong khi thâm hụt thương mại với Trung Quốc là 21,6 tỷ USD.

Minh Phương/Báo Tin tức
Biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi mới áp dụng từ 1/1/2018
Biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi mới áp dụng từ 1/1/2018

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 125/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 122/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN