VN-Index đầu tuần tăng nhẹ, chứng khoán còn nhiều yếu tố hỗ trợ trong dài hạn

Theo bà Tạ Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, có thể ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán (TTCK). Tuy nhiên xét về mặt dài hạn, TTCK vẫn được hỗ trợ bởi những yếu tố tích cực cả về kinh tế vĩ mô và các yếu tố nội tại của doanh nghiệp niêm yết.

Chú thích ảnh
Có thời điểm, thị trường bất ngờ rớt sâu khiến VN-Index rơi thẳng đứng mất gần 20 điểm so với lúc mở cửa sáng 1/2.

Phiên tăng điểm "trở thành hiện thực" dù còn nhiều mã giảm

Kết thúc giao dịch sáng 1/2, chỉ số VN-Index tăng 1,56 điểm (+0,15%) lên 1.058,17 điểm với 91 mã tăng và 349 mã giảm (37 mã giảm sàn). Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 384,32 triệu đơn vị, giá trị 7.977 tỷ đồng, giảm mạnh 42,2% về khối lượng và 45,43% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước (ngày 29/1).Nhóm VN30 phân hóa với 13 mã tăng và 15 mã giảm. Trong đó, một số mã như: BID, BVH, HPG, MBB đã đảo chiều giảm....

Chốt phiên sáng 1/2, sàn HNX có 47 mã tăng và 128 mã giảm, chỉ số HNX-Index giảm 2,05 điểm (-0,96%) xuống 212,16 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 67,26 triệu đơn vị, giá trị 876 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 3,36 triệu đơn vị, giá trị 96,11 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 chỉ còn 3 mã nhích nhẹ là DHT, DP3 và VMC, còn lại hầu hết đều giảm điểm, trong đó TNG giảm mạnh phiên thứ 5 liên tiếp với tổng mức giảm tới hơn 34%, giao dịch 17.500 đồng/cổ phiếu. Bên cạnh đó, các mã lớn khác cũng giảm khá mạnh như: SHB giảm 3,4% xuống 14.100 đồng/cổ phiếu, PVS giảm 3,6% xuống 16.000 đồng/cổ phiếu, PVB giảm 4,5% xuống 14.900 đồng/cổ phiếu, NVB giảm 2,3% xuống 12.600 đồng/cổ phiếu…

Trong phiên giao dịch sáng 1/2, UpCoM-Index giảm 0,9 điểm (-1,24%), xuống 71,18 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 21,54 triệu đơn vị, giá trị 286 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận không đáng kể, chỉ đạt gần 200 triệu đồng.

Thị trường sẽ hồi phục trở lại

Trong bối cảnh này, UBCKNN đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ thị trường, doanh nghiệp và trấn an nhà đầu tư như: Ưu tiên việc tổ chức giao dịch thông suốt, an toàn; tăng cường giám sát chặt các hoạt động trên thị trường, kiểm soát các giao dịch bất thường; đồng thời theo dõi sát các thông tin nội gián, tin đồn thất thiệt. “Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư cần bình tĩnh phân tích các yếu tố để đầu tư sao cho phù hợp, xem xét hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết để lựa chọn, đầu tư dài hạn những cổ phiếu có giá trị, có tiềm năng tăng trưởng, tránh tâm lý phản ứng thái quá”, bà Tạ Thanh Bình cho biết.

Theo Vụ Phát triển thị trường chứng khoán, từ ngày 25/1 đến ngày 28/1, TTCK Việt Nam đã có những phiên giảm mạnh. Đặc biệt ngày 28/1, sau khi có thông tin số ca dương tính COVID-19 xuất hiện ở Quảng Ninh, Hải Dương... VN-Index đã giảm 73,23 điểm (-6,67%) xuống 1.023,94 điểm. Tuy nhiên đến phiên giao dịch ngày 29/1, nhờ những giải pháp quyết liệt của Chính phủ trong phòng chống dịch bệnh, TTCK bắt đầu có sự hồi phục, VN-Index tăng 32,67 điểm, đạt 1.065,61 điểm. “Nguyên nhân thị trường giảm trong những ngày qua là do kết hợp của nhiều yếu tố như: Nhà đầu tư chốt lời sau giai đoạn tăng mạnh; TTCK thế giới giảm điểm mạnh; đặc biệt tâm lý lo lắng trong ngắn hạn về dịch bệnh”, bà Tạ Thanh Bình phân tích.

Đại diện UBCKNN cho rằng, hầu hết lực bán đến từ các tài khoản nhà đầu tư mới; trong khi các tổ chức đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài lại tranh thủ mua vào, đơn cử như phiên ngày 28/1. Đặc biệt, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng trong phiên cuối tuần (ngày 29/1), riêng trên HoSE, khối này đã mua ròng khoảng 1.100 tỷ đồng. TTCK trong dài hạn vẫn được hỗ trợ bởi những yếu tố tích cực cả về kinh tế vĩ mô và các yếu tố nội tại của doanh nghiệp niêm yết trên thị trường. Thời điểm hiện nay, Việt Nam đã và đang là điểm sáng trên thế giới trong việc thực hiện tốt mục tiêu kép là kiểm soát dịch bệnh và ổn định, phát triển kinh tế trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đang rơi vào suy thoái và khủng hoảng.

Theo thống kê chưa đầy đủ tính đến ngày 20/1, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết theo báo cáo tài chính quý IV/2020 (chưa kiểm toán) ghi nhận trên 80,7% doanh nghiệp có lãi - mức tương đương với quý IV/2019. Trong đó, lợi nhuận sau thuế quý IV/2020 của các công ty niêm yết và công ty đại chúng quy mô lớn tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2019, thể hiện sức chống chịu tốt của doanh nghiệp trước khủng hoảng. Nhiều doanh nghiệp đã tận dụng tốt cơ hội và bứt phá mạnh mẽ trong bối cảnh một số hiệp định thương mại quốc tế như: Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương với Vương quốc Anh sẽ được triển khai thời gian tới.

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích công ty chứng khoán Sacombank (SBS) cho biết: Thông tin xấu về COVID-19 khiến VN-Index sụt giảm gần đây  chỉ là “đổ thêm dầu vào lửa”,  như "giọt nước tràn ly". Nguyên chân chính khiến TTCK sụt giảm là thị trường đã trải qua chuỗi ngày tăng trưởng dài và nóng trước đó với sự tham gia nhiệt tình của dòng tiền nóng F0, rất nhiều cổ phiếu đã tăng giá gấp 2 - 3 lần so với vùng đáy do đó việc chốt lời mạnh cũng không nằm ngoài dự đoán của đa số các tổ chức tài chính.

“Hoạt động bán tháo và giải chấp đã diễn ra, áp lực bán cũng đã vãn sẽ không còn quá mạnh trong vài phiên sắp tới, đây là cơ sở để xuất hiện các nhịp hồi phục xen kẽ, sự phân hóa cũng sẽ rõ ràng hơn chứ không còn pha trần-sàn hàng loạt như các phiên gần đây. Tạm thời thị trường đã tìm được điểm cân bằng cần thiết với ngưỡng tâm lý 1.000 điểm. Xu hướng ngắn hạn của thị trường sẽ được quyết định nhiều trong diễn biến giao dịch tới, nếu giữ được mốc hỗ trợ 1.000 điểm thì cơ hội phục hồi trở lại sẽ rộng mở. Ngược lại, nếu sau vài phiên phục hồi, chỉ số lại để mất mốc 1.000 điểm thêm lần nữa thì xu hướng giảm sẽ là chủ đạo trong ngắn hạn”, ông Dương Hoàng Linh cho biết.

Theo dự báo của Công ty cổ phiếu Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), sau 2 tuần giảm điểm mạnh, thị trường sẽ có diễn biến hồi phục tăng điểm trở lại. VN-Index có thể hướng đến thử thách vùng kháng cự 1.085 - 1.100 điểm trong nhịp hồi phục lần này. Mặc dù vậy, thị trường cũng có thể sẽ xuất hiện các nhịp rung lắc mạnh trong một vài phiên đầu tuần trước khi tiếp tục quá trình hồi phục ngắn hạn.

Sau phiên hồi phục mạnh trên diện rộng, thị trường có thể sẽ sớm bước vào giai đoạn phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu. Chiến lược đầu tư được đưa ra là nâng tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu trong danh mục lên mức 40 - 60% cổ phiếu. "Nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt cao tiếp tục xem xét giải ngân.  Đối với các nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao nên tận dụng các nhịp hồi phục của thị trường để bán giảm tỷ trọng danh mục về mức an toàn", BVSC dự báo.

Tin, ảnh: Minh Phương/Báo Tin tức
Kích hoạt trở lại các giải pháp ứng phó điều hành thị trường chứng khoán
Kích hoạt trở lại các giải pháp ứng phó điều hành thị trường chứng khoán

Với ưu tiên việc tổ chức giao dịch thông suốt, an toàn, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã chỉ đạo các Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, thành viên thị trường kích hoạt trở lại các giải pháp điều hành thị trường chứng khoán và ứng phó trong bối cảnh dịch bệnh như trong giai đoạn tháng 3 - 4/2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN