Tỷ giá có thể nằm trong mức mục tiêu  

Sức ép từ tiến trình bình thường hóa tiền tệ ở các nền kinh tế lớn trên thế giới đã giảm bớt. Điều này sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước bớt áp lực hơn trong việc điều hành tỷ giá. Tỷ giá sẽ không có sự biến động nhiều trong năm 2019 và có thể nằm trong mức mục tiêu đã đề ra.

Đây là một trong những nội dung tại Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam quý II/2019 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc trường Đại học Kinh tế, Đại học quốc gia Hà Nội công bố sáng 11/7.

Nhóm nghiên cứu đã chỉ ra 3 nguyên nhân cho nhận định trên. Thứ nhất, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) khả năng cao sẽ giảm lãi suất trong tháng 7. Thứ hai là các đồng tiền châu Á đang được cho là bị đánh giá thấp so với USD. Nguyên nhân thứ ba là Việt Nam nằm trong danh sách cần giám sát thao túng tiền tệ của Mỹ trong tháng 5/2019. Điều này đặt Ngân hàng Nhà nước dưới áp lực điều hành tỷ giá linh hoạt, hạn chế chính sách tiền tệ để tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế.

PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR nhận định, tiếp tục đà tăng từ quý I/2019, tỷ giá trung tâm cũng tăng trong quý II/2019 tuy nhiên mức tăng không đáng kể. Thực tế cho thấy từ năm 2018 đến nay, Ngân hàng Nhà nước mặc dù không tuyên bố chính thức nhưng điều chỉnh tỷ giá theo mức độ hợp lý. Tuy nhiên, mức thay đổi tỷ giá ngày một thấp hơn dưới áp lực từ phía quốc tế. Cụ thể, quý IV/2018 tỷ giá tăng 1,8%; quý I/2019 tăng 1% trong khi quý II/2019 chỉ tăng 0,3%.

Tỷ giá giao dịch VND/USD của ngân hàng thương mại trong quý II/2019 cao điểm trong khoảng 29/5/2019 - 4/6/2019, giao động trong khoảng 23.465 - 23.480 VND/USD (theo tỷ giá bán ra tại Vietcombank). Nguyên nhân chính do biến động của các đồng tiền mạnh USD, CNY và JPY trên thị trường thế giới, quan ngại về xung đột thương mại Mỹ - Trung và việc đồng CNY liên tục giảm giá từ cuối tháng 5. Tuy nhiên, tỷ giá VND/USD cuối quý II tại các ngân hàng thương mại có dấu hiệu giảm xuống 23.350 VND/USD do kỳ vọng giảm lãi suất của Fed.

Nhóm nghiên của VEPR cũng cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 6,6 - 6,8% của năm 2019 do Quốc hội đề ra khả thi. Nhưng, trước chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, căng thẳng Nhật - Hàn ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu và các liên kết kinh tế mới. Ngân hàng Nhà nước cần điều hành tỷ giá một cách linh hoạt, khách quan và tôn trọng quy luật thị trường nhằm hấp thụ các cú sốc từ bên ngoài.

Theo Tiến sỹ Cấn Văn Lực, tỷ giá đã ổn định hơn so với trước đây. Với cơ chế và kinh nghiệm điều hành tỷ giá linh hoạt, chủ động, với việc sử dụng đồng bộ nhiều công cụ khác nhau của Ngân hàng Nhà nước cùng với nguồn lực ngoại hối đã được tăng cường, quan hệ cung-cầu ngoại tệ cơ bản ổn định. Dự báo từ nay đến cuối năm, tỷ giá biến động 1,5-2%.

Đỗ Huyền (TTXVN)
Tỷ giá trung tâm sáng 11/7 giảm 15 đồng
Tỷ giá trung tâm sáng 11/7 giảm 15 đồng

Tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) sáng 11/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.064 VND/USD, giảm 15 đồng so với hôm qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN