Tìm giải pháp hỗ trợ tiêu thụ lợn thịt cho người chăn nuôi Bắc Giang

Hiện giá bán lợn thịt của Bắc Giang đang ở mức thấp, trung bình khoảng 23.000 đồng/kg thịt lợn hơn, người chăn nuôi vẫn đang thua lỗ. Do đó, Bắc Giang vẫn đang tích cực tìm giải pháp hỗ trợ tiêu thụ thịt lợn cho người chăn nuôi.

Thịt lợn và một số loại sản phẩm từ lợn được trưng bày tại hội nghị. Ảnh: Tùng Lâm/TTXVN

Ngày 19/5, Sở Công Thương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang phối hợp tổ chức hội nghị kết nối, hỗ trợ tiêu thụ lợn thịt và một số sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tham dự có đại diện các sở, ngành, đơn vị liên quan; đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã chăn nuôi, tiêu thụ, các cơ sở giết mổ, chế biến sản phẩm nông nghiệp, các doanh nghiệp, hợp tác xã có bếp ăn tập thể, các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, nhà hàng trên địa bàn tỉnh.

Các đại biểu đã tham luận, trao đổi nêu lên thực trạng khó khăn trong tiêu thụ lợn thịt hiện nay và đề xuất các giải pháp để kết nối, hỗ trợ tiêu thụ lợn thịt và một số sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Bắc Giang trong thời gian tới.

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang Trần Quang Tấn cho biết, để giảm bớt khó khăn cho người chăn nuôi, trước mắt Bắc Giang khuyến khích, mời gọi các doanh nghiệp, tư thương thu mua thịt lợn xuất bán ra ngoài tỉnh; tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp, cơ sở giết mổ, chế biến thu mua sản phẩm lợn thịt cho nông dân.

Các ngân hàng thương mại giãn nợ, khoanh nợ, chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi. Về lâu dài, Bắc Giang sẽ thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi liên kết; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thu hút doanh nghiệp chế biến sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn, ông Tuấn cho biết thêm.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Tùng Lâm/TTXVN

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Khái, để tháo gỡ khó khăn cho chăn nuôi lợn, các hộ chăn nuôi ở tỉnh cần hạn chế tái đàn, thực hiện giảm đàn lợn nái để giảm tổng đàn; tích cực phòng chống dịch bệnh; sử dụng thức ăn chăn nuôi lợn sẵn có, tại chỗ, không sử dụng thức ăn chăn nuôi công nghiệp để giảm chi phí.

Ngoài ra, các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi trên địa bàn giảm giá bán, các ngân hàng giãn nợ cho người chăn nuôi. Về lâu dài, tỉnh cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chăn nuôi đạt tiêu chuẩn VietGAP, tổ chức chăn nuôi theo quy hoạch, tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết để tạo đầu ra thuận lợi cho các hộ chăn nuôi lợn thịt, ông Khái đề xuất.

Ông Giáp Ngọc Giang, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bắc Giang đề nghị các cấp, các ngành ở tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người dân tiêu thụ lợn thịt; phân tích rõ nguyên nhân, hệ quả của việc phát triển chăn nuôi tự phát từ đó thực hiện các giải pháp để phát triển chăn nuôi lợn thịt đảm bảo an toàn thực phẩm. Đồng thời đề nghị các doanh nghiệp, đơn vị có bếp ăn tập thể tăng cường thu mua lợn thịt, hỗ trợ giảm bớt khó khăn cho người chăn nuôi.

Ông Lưu Văn Nhiệm, Chủ nhiệm Hợp tác xã chăn nuôi và dịch vụ thực phẩm sạch Tín Nhiệm ở thành phố Bắc Giang cho biết, Hợp tác xã hiện chăn nuôi với quy mô khoảng 20.000 con lợn; các sản phẩm thịt lợn của hợp tác xã đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cung cấp cho thị trường thành phố Bắc Giang và nhiều nơi khác, được người tiêu dùng tín nhiệm. Thời gian tới hợp tác xã mong muốn các tổ chức, cá nhân, đơn vị luôn ủng hộ, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thịt lợn của hợp tác xã.

Hiện tại tổng đàn lợn của tỉnh Bắc Giang đạt khoảng 1,1 triệu con, thuộc top đầu cả nước. Lợn thịt của Bắc Giang đang được tiêu thụ tại một số tỉnh, thành như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn... và một số ít xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, với số lượng xuất bán mỗi ngày khoảng 5.000 con, tương đương khoảng 400 tấn.

Hiện giá bán lợn thịt của Bắc Giang đang ở mức thấp, trung bình khoảng 23.000 đồng/kg thịt lợn hơi. Với giá bán này, người chăn nuôi của tỉnh đang bị lỗ vì theo tính toán của ngành Nông nghiệp tỉnh, giá bán thịt lợn hơi phải đạt khoảng 30.000 - 35.000 đồng/kg thì người chăn nuôi mới có lãi.

Việt Hùng (TTXVN)
Điện Biên: Người dân bản tái định cư Huổi Lóng 'ngóng' đất sản xuất
Điện Biên: Người dân bản tái định cư Huổi Lóng 'ngóng' đất sản xuất

Tình trạng thiếu đất sản xuất khiến đời sống của người dân tái định cư bản Huổi Lóng, xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa (Điện Biên) gặp nhiều khó khăn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN