Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi

Ngày 17/5, tại Hà Nội, Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tổ chức Hội nghị giao ban bàn các giải pháp tăng cường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.

Năm 2017 vẫn là giai đoạn khó khăn của ngành chăn nuôi do thị trường chưa ổn định. Ảnh: Văn Đạt/TTXVN

Theo nhận định của Cục Chăn nuôi, các tháng còn lại của năm 2017 vẫn là giai đoạn khó khăn của ngành chăn nuôi do thị trường chưa ổn định. Chăn nuôi trong nước phải chịu nhiều áp lực cạnh tranh về giá và chất lượng đối với một số sản phẩm nhập khẩu trong khi chưa có nhiều sản phẩm xuất khẩu. Bên cạnh đó, khâu thị trường, chế biến và giết mổ còn nhiều yếu kém.

Đồng thời, sự tăng trưởng không cân đối giữa các bộ phận cấu thành như việc tăng trưởng nóng của đàn lợn, lĩnh vực thức ăn chăn nuôi công nghiệp và giá cả xuống thấp gây tâm lý bất ổn đối với các khu vực chăn nuôi; nhiều trang trại, cơ sở chăn nuôi không còn nguồn lực và không tiếp cận được vốn để duy trì sản xuất sau đợt giá lợn giảm vừa qua…

Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, các giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới là phải tổ chức lại sản xuất như xây dựng các hợp tác xã, tổ hợp tác… Thông qua đó chủ động kiểm soát việc tổ chức chăn nuôi gắn với thị trường và đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đồng thời, phát triển thị trường trong nước, tham gia vào thị trường điều tiết giá đầu vào và đầu ra của sản phẩm; thực hiện tốt khâu kết nối và tận dụng mọi cơ hội để tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.

Bên cạnh đó, thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi sản phẩm khép kín, tập trung từ khâu nguyên liệu đầu vào đến sản xuất, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm để kiểm soát tốt hơn về chất lượng, an toàn thực phẩm và điều tiết cung – cầu thị trường sản phẩm chăn nuôi nói chung. Khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường tham gia làm trung gian cho từng vùng, khu vực.

Đặc biệt, liên kết chuỗi sản phẩm là khâu quan trọng để giảm bớt các khâu trung gian, hạ giá thành sản phẩm, tập trung giết mổ, xây dựng hệ thống kho lạnh, cấp đông. Trước mắt sử dụng các biện pháp cấp đông thịt lợn, đồng thời tăng cường chế biến, bảo quản sản phẩm tiêu thụ nhanh sản phẩm đầu ra cho người chăn nuôi.

Ngoài ra, xác định rõ đặc trưng, lợi thế cạnh tranh của từng chủng loại sản phẩm phù hợp với từng vùng miền để điều chỉnh, tập trung nguồn lực cho sản xuất; từng bước xây dựng chuỗi giá trị gia tăng của sản phẩm. Khai thác và giữ vững được thị phần, thị trường trong nước thông qua các sản phẩm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng và từng bước tiến tới xuất khẩu.

Nhiều đại biểu cho rằng, giải pháp quan trọng nhất là làm sao phải xuất khẩu chính ngạch được, có như vậy mới đảm bảo ổn định sản xuất.

Vấn đề này ông Nguyễn Văn Trong cho hay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức đoàn công tác sang làm việc với Bộ Nông nghiệp Trung Quốc để thúc đẩy tiến trình đàm phán đưa một số sản phẩm nông sản của Việt Nam vào danh mục nhập khẩu chính ngạch của Trung Quốc (trong đó quan trọng nhất là mặt hàng thịt lợn). Hiện nay, cơ quan Thú y của hai nước đang gấp rút triển khai thực hiện để có thể xuất khẩu thịt lợn trong thời gian sớm nhất.

Theo ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, năm 2017, mục tiêu của ngành là giá trị sản xuất tăng 4 – 4,5% so với năm 2016; tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp đạt mức 33 – 35%.

Thành Trung (TTXVN)
Vận động người chăn nuôi tham gia quy trình truy xuất nguồn gốc thịt lợn
Vận động người chăn nuôi tham gia quy trình truy xuất nguồn gốc thịt lợn

UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa yêu cầu các đơn vị chức năng đẩy mạnh vận động người chăn nuôi tham gia quy trình truy xuất nguồn gốc thịt lợn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN