Thúc đẩy tăng trưởng quyết liệt như chống dịch

Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, việc Việt Nam tiếp tục duy trì tăng trưởng, không rơi vào tăng trưởng âm được xem là thắng lợi.

Chú thích ảnh
Thi công dự án công trình đầu tư du lịch tại huyện đảo Phú Quốc. Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN.

Quốc hội vừa thống nhất chưa điều chỉnh các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2020, trong đó chỉ tiêu tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vẫn giữ tăng 6,8%. Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) kỳ vọng: Tăng trưởng những tháng cuối năm dự kiến tốt hơn bởi dư địa còn lớn; đồng nghĩa với việc phải hiện thực hóa mạnh mẽ các giải pháp phục hồi kinh tế.

Còn dư địa lớn để tăng trưởng

Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm nay đạt 1,81% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất trong 10 năm qua. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới và
thương mại toàn cầu đang suy giảm nghiêm trọng do ảnh hưởng của COVID-19, thì đây lại là điểm sáng hiếm hoi.

TS Nguyễn Ðình Cung - Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhìn nhận: Sản xuất trên các lĩnh vực đều suy giảm, có những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề, thậm chí đóng băng như: Vận tải, nhất là vận tải hàng không, du lịch, lưu trú; hàng chục nghìn doanh nghiệp đã phải thu hẹp sản xuất, tạm ngừng kinh doanh, phá sản; hàng triệu lao động đã và đang mất việc làm hoặc không đủ việc làm, thu nhập sụt giảm…

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư - KHĐT), trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, việc Việt Nam tiếp tục duy trì tăng trưởng, không rơi vào tăng trưởng âm được xem là thắng lợi. Đây cũng là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng của Mỹ năm 2020 là âm 6,1%; khu vực đồng Euro âm 9,1%; Nhật Bản âm 6,1%; Malaysia âm 3,1%; Thái Lan âm 5%; Philippines âm 1,9%; Trung Quốc gần rơi vào tình trạng suy thoái với tăng trưởng chỉ đạt 1%, mức thấp nhất trong hơn 4 thập kỷ qua.

“Thời gian qua, Chính phủ đã thực hiện quyết liệt rất nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội. Chúng tôi dự đoán tăng trưởng GDP quý III và IV/2020 sẽ tốt hơn 6 tháng đầu năm bởi còn dư địa lớn để tăng trưởng như: Giải ngân đầu tư công, dư nợ tín dụng, cũng như dựa trên kết quả điều tra xu hướng kinh doanh tích cực của doanh nghiệp trong năm 2020”, bà  Nguyễn Thị Hương nói.

Theo ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản Quốc gia (Tổng cục Thống kê), mặc
dù GDP quý II/2020 thấp hơn rất nhiều so với kịch bản xấu nhất được đưa ra trước đó, nhưng Việt Nam đã được kiểm soát được dịch COVID-19 từ giữa tháng 4/2020 nên đến nay, mọi hoạt động của nền kinh tế dần phục hồi. “Tốc độ tăng trưởng quý III và quý IV sẽ theo ‘quy luật’ quý sau cao
hơn quý trước và cao hơn nhiều so với quý II nên nhiều khả năng sẽ đúng như dự báo của Ngân hàng ADB về tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay đạt ở mức 4,0 - 4,1%”, ông Dương Mạnh
Hùng nói.

Bởi ngoại trừ vận tải hành khách bằng hàng không và du lịch (do chưa mở cửathị trường với khách quốc tế), thì với việc kiểm soát tốt COVID-19 và duy trì tốc độ tăng trưởng của một số ngành dịch vụ trong 6 tháng đầu năm, một số ngành kinh tế được dự báo có thể khôi phục năng lực sản xuất về
trạng thái bình thường và có tốc tộ tăng trưởng tốt như: Nông, lâm nghiệp và thủy
sản; xây dựng; công nghiệp chế biến, chế tạo; y tế; thông tin, truyền thông; tài chính,
ngân hàng, bảo hiểm...

Cần cơ chế đặc biệt giải ngân vốn đầu tư công

Theo các chuyên gia kinh tế, để đạt được tăng trưởng 6,8% năm nay thì 6 tháng cuối năm, Việt Nam phải đạt mức tăng trưởng 10,4% trong 2 quý tới. Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với địa phương mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ví cỗ máy tăng trưởng của Việt Nam như cỗ xe tam mã, gồm ba cấu phần quan trọng nhất là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Tuy nhiên hiện giải ngân vốn đầu tư công chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Kết quả giải ngân mới đạt 33%, giải ngân vốn Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA) rất thấp, mới đạt 10%. Chúng ta có gần 700.000 tỷ đồng, tương đương 3 tỷ USD. Nếu giải ngân tốt - đây là biện pháp kích cầu hiệu quả, tạo động lực cho tăng trưởng 6 tháng cuối năm và đầu năm 2021”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Theo ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng (Tổng cục Thống Kê) cho biết: Giải ngân đầu tư công sẽ kích cầu nền kinh tế, tăng trưởng giá trị sản xuất. Nếu đầu tư công tăng 1% thì sẽ đóng góp 0,06 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP và kéo theo ngành xây dựng tăng 1,34 điểm phần trăm. Nếu hoàn thành việc giải ngân 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công năm nay thì GDP sẽ tăng thêm 0,42 điểm phần trăm. Vì vậy đại diện Tổng cục Thống kê cho rằng: Từ nay tới cuối năm phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, có sức lan tỏa nhằm thực hiện đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng, nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế.

TS Nguyễn Ðình Cung - Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho hay: Quá trình hồi phục kinh tế sẽ rất chậm do cung và cầu đều đứt gãy, vì vậy cần có các giải pháp đặc biệt mới có thể phục hồi tăng trưởng theo hình chữ V. “Mặc dù đã có nhiều chính sách để cứu nền kinh tế, doanh nghiệp nhưng hiệu quả của các giải pháp hỗ trợ chưa được như kỳ vọng do triển khai chưa quyết liệt, chưa đồng đều. Bên cạnh đó, quy mô các gói hỗ trợ còn quá nhỏ so với mức thiệt hại của doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Đình Cung, để phục hồi sức khỏe, tạo giá trị đóng góp cho nguồn thu, doanh nghiệp cần được miễn, giảm thuế hoặc giãn, hoãn thuế từ một đến ba năm, nhưng thiết kế chính sách chỉ được chậm nộp 5 tháng; chính sách miễn, giảm thuế, phí còn quá ít và chưa kịp thời, điều kiện hỗ trợ lại chưa hợp lý, chưa phù hợp thực tiễn khiến doanh nghiệp không thể tiếp cận. Tương tự, lãi suất cho vay tuy có giảm nhưng chưa đến được với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Doanh nghiệp cũng chưa thật sự được chia sẻ gánh nặng về chi phí tiền lương, tiền công cho người lao động và nhất là gói hỗ trợ an sinh xã hội chưa đủ mạnh để tăng thêm sức cầu cho nền kinh tế.

"Triển vọng tăng trưởng nửa cuối năm còn rất nhiều thách thức vì dự đoán thời điểm phục hồi của kinh tế thế giới vẫn bất định; cầu trong nước mới chỉ vừa phục hồi. Việc kích thích tổng cầu thông qua đầu tư công là giải pháp đặc biệt quan trọng để bù đắp khi đầu tư tư nhân, nhu cầu chi tiêu trong xã hội sụt giảm. Tuy nhiên phải phải áp dụng cơ chế đặc biệt, sẽ phải thay đổi một số chỉ tiêu, yêu cầu để bảo đảm tính thực thi của giải pháp. Cụ thể, phải thay đổi chỉ tiêu về thâm hụt ngân sách, trần nợ công, thay đổi cách thức về quản lý đầu tư công, tăng cường giám sát qua cơ chế công khai, minh bạch thông tin”, TS Nguyễn Đình Cung đề xuất.

TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM): 
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và giải ngân đầu tư công  

Chú thích ảnhĐại dịch COVID-19 và các biện pháp phòng chống đã kéo theo hệ lụy nghiêm trọng chưa từng thấy đối với nhiều ngành, hoạt động kinh tế (như du lịch, giao thông vận tải, thương mại, xuất nhập khẩu, đầu tư, tài chính...). Việt Nam tuy được đánh giá cao về kết quả phòng chống dịch và có cơ hội phục hồi kinh tế sớm, nhưng vẫn cần thận trọng trong đánh giá tình hình các tháng cuối năm; đồng thời thực hiện các nhóm giải pháp phù hợp để vừa thúc đẩy phục hồi kinh tế, giữ mạch cải cách, và bảo đảm an sinh xã hội.

Thứ nhất, khơi thông, tháo gỡ các khó khăn về động lực và thủ tục cho giải ngân đầu tư công theo hướng nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Thứ hai, nhanh chóng cụ thể hóa Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị và truyền thông về định hướng thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI trong bối cảnh mới; khuyến khích, động viên các nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.

Thứ ba, cập nhật các kịch bản tăng trưởng và giải pháp điều hành, trong đó có cân nhắc hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp ở mức độ phù hợp.

Thứ tư, đẩy mạnh các mô hình mới gắn với phát triển thương mại và tiêu dùng trong nước (thương mại điện tử, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm...) để tạo tác động đồng bộ và đủ lớn đối với tổng cầu.

Thứ năm, quyết liệt hơn trong cải cách môi trường kinh doanh, trước hết là tháo gỡ các khó khăn về quy định, thủ tục không cần thiết cho doanh nghiệp. Yêu cầu này cần cách làm mới, đặc biệt trong bối cảnh động lực cải cách có phần suy giảm sau khi một số bộ, ngành và địa phương được cho là đã “đụng trần cải cách”

 

Minh Phương/Báo Tin tức
Giải ngân vốn đầu tư công là căn cứ đánh giá hoàn thành nhiệm vụ
Giải ngân vốn đầu tư công là căn cứ đánh giá hoàn thành nhiệm vụ

Kết luận hội nghị Chính phủ với địa phương, chiều 2/7, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần kiên quyết không để dịch COVID-19 quay trở lại Việt Nam; đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh các giải pháp phục hồi kinh tế, không để xảy ra tình trạng trì trệ, nhất là trong giải ngân vốn đầu tư công.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN