Thúc đẩy đưa hàng thủy sản sang thị trường Trung Quốc

Ngày 18/4, tại Cần Thơ, Hiệp hội Cá tra Việt Nam phối hợp cùng Hiệp hội Thủy sản Yuexi Trung Quốc tổ chức Hội thảo "Thủy sản Đồng bằng sông Cửu Long trước cơ hội giao thương với thị trường Trung Quốc".

Quang cảnh Hội thảo. 

Hội thảo cung cấp thông tin thị trường, các lưu ý cho doanh nghiệp thủy sản Việt Nam muốn mở rộng thị trường ra nước ngoài, nhất là thị trường Trung Quốc.

Ông Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết, Trung Quốc luôn là thị trường khá dễ tính trong việc tiêu thụ hàng thủy sản cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Giá trị và cơ cấu kim ngạch xuất khẩu ngày càng có xu hướng tăng, năm 2014 đạt khoảng 400 triệu USD, chiếm 6,4%, đến năm 2017 tăng tới 1,8 tỷ USD, đạt 23%, vượt qua Mỹ để chiếm vị trí đầu bảng. Tuy vậy, nguy cơ "lật kèo", chấm dứt hợp đồng giữa chừng cũng khá cao, đẩy rủi ro về phía các doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng khi đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này.

Đại diện Hiệp hội Thủy sản Yuexi Trung Quốc, ông Cen Jian thông tin, hầu hết các doanh nghiệp bị "xù kèo" là do làm ăn theo đường tiểu ngạch, không có hợp đồng rõ ràng. Hình thức hợp tác này bất lợi cho cả hai phía, khi chính quyền Trung Quốc không thể kiểm soát tốt chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì thế, để đảm bảo lợi ích cho cả bên xuất khẩu lẫn nhập khẩu, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam nên lựa chọn xuất khẩu theo đường chính ngạch, với sự ràng buộc hợp đồng rõ ràng, tuân thủ các tiêu chuẩn về hàng hóa. Có như vậy sự giao thương cũng như xây dựng thương hiệu mạnh mới bền vững.

Ông Tạ Minh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Bạc Liêu, đại diện phía doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam, nêu thắc mắc về các chế độ ưu đãi, chính sách thuế… của Trung Quốc đối với hàng thủy sản nhập từ Việt Nam.

Trả lời vấn đề này, đại diện phía Trung Quốc cho biết, hiện nay, Việt Nam là nước được hưởng thuế suất nhập khẩu hàng thủy sản 0%. Đó là lợi thế rất lớn, trong khi các đối tác khác như Malaysia, Indonesia phải chịu mức thuế 2,5%. Đặc biệt, đây là mức thuế được duy trì suốt năm, dù tháng 6 là thời điểm giao dịch thủy sản lớn nhất tại Trung Quốc.

Ông Trần Thanh Phong, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết, trong thời gian tới, Hiệp hội Cá tra Việt Nam sẽ triển khai đồng bộ 5 nhóm giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển thị trường Trung Quốc: Triển khai tốt Hiệp định Thương mại biên giới Việt - Trung, vận động bổ sung thêm các cửa khẩu; Kết nối giao thương thị trường tại Quảng Tây, Vân Nam, Quảng Đông; Tăng cường tận dụng tốt ưu đãi từ Hiệp định ASEAN - Trung Quốc, tăng tỷ lệ xuất khẩu chính ngạch; Vận động Trung Quốc tháo gỡ các rào cản kỹ thuật trong lĩnh vực thủy sản (đối với nghêu, cá rô đồng, cá tầm…); Tăng cường xúc tiến thương mại thông qua các hội chợ, triển lãm…

Cũng tại hội thảo, phía Trung Quốc thông tin về Hội chợ triển lãm thủy sản tại thành phố Trạm Giang (Trung Quốc) từ ngày 18 - 20/6/2018, với sự tham gia của khoảng 200 doanh nghiệp, hơn 1.000 nhà thu mua… Các doanh nghiệp Việt Nam khi tham dự hội chợ này sẽ được miễn phí toàn bộ chi phí, cũng như hỗ trợ tối đa về thông tin thị trường, kết nối người tiêu dùng…

Tin, ảnh: Ánh Tuyết (TTXVN)
Kết nối thương nhân xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc
Kết nối thương nhân xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc

Ngày 16/5, tại Cao Bằng, Bộ Công Thương phối hợp với tỉnh Cao Bằng tổ chức kết nối thương nhân xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN