Thị trường chứng khoán tiếp tục lao dốc

Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục có phiên giao dịch thứ 2 của năm Canh Tý giảm sâu, VN – Index đã lần lượt xuyên thủng các mốc hỗ trợ quan trọng, trong bối cảnh giới đầu tư trong nước lo ngại Dịch bệnh do chủng mới virus Corona.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 31/1, VN - Index tiếp tục giảm 22,96 điểm, tương ứng với mức giảm 2,39%. Như vậy, sau 2 phiên giao dịch đầu tiên năm Canh Tý, VN - Index giảm tới 5,61%, trong khi cả năm 2019, VN - Index chỉ tăng được 7,67%.

Phiên hôm nay, khối lượng cổ phiếu được giao dịch trên sàn HOSE là gần 254 triệu đơn vị, tương ứng giá trị trên 4.886,8 tỷ đồng. Toàn sàn có 73 mã tăng giá, 43 mã đứng giá và có tới 281 mã giảm giá.

HNX - Index cũng giảm 1,75 điểm xuống 102,36 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 54,4 triệu đơn vị, tương ứng giá trị hơn 551,2 tỷ đồng. Toàn sàn có 43 mã tăng giá, 53 mã đứng giá và 83 mã giảm giá.

Đáng chú ý, phiên giao dịch hôm nay trong khi cổ phiếu hàng không đồng loạt giảm sàn thì nhóm cổ phiếu dược phẩm và thiết thị y tế lại được đà tăng trần.

Những mã cổ phiếu đầu ngành hàng không phiên hôm nay đều giảm sàn. Cụ thể, VJC giảm 7% xuống mức giá sàn 130.200 đồng, HVN cũng giảm 6,9% xuống mước giá sàn 28.450 đồng.

Ngoài ra, các mã như vốn hóa lớn như: VNM, DPM, GMD cũng đều giảm xuống mức giá sàn. Bên cạnh đó, các mã lớn như: BVH giảm 6,8%, REE (5,3%), FPT (4,9%), HPG (4,7%), VRE (2,9%)...

Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng giảm rất sâu với GAS giảm tới 6%, BSR (6,2%), POW (5,4%), OIL (7,7%), PVB (3,9%), PVS (5,8%), PVC (4,6%), PLX (4,3%), PVD giảm 6,7% xuống mức giá sàn.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng chìm trong sắc đỏ. Theo đó, TCB giảm 5,7%, HDB giảm 3,4%, TPB và BID đều giảm 2,3%, ACB giảm 2,5%, MBB giảm 2,1%...

Trong khi các nhóm cổ phiếu giảm sâu thì nhóm cổ phiếu dược phẩm và thiết bị y tế lại có được sự tăng trưởng tích cực. Hàng loạt mã trong nhóm này tăng lên mức giá trần như AMV, DHG, DHT, JVC, DVN...

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) nhận định, thị trường chứng khoán Việt Nam giảm mạnh nguyên nhân chính là do giới đầu tư lo ngại tình hình virus Corona chủng mới (2019-nCoV) gây bệnh viêm phổi.

Những thông tin về loại virus này đã có từ trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý, lúc đó thị trường chứng khoán Việt Nam chưa giao dịch nên chưa phản ánh lên thị trường, chỉ đợi khi thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa giao dịch trở lại, những tin xấu bị “dồn nén” này đã khiến thị trường giảm mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, có thể thấy rằng những phiên giao dịch trước Tết Nguyên đán thị trường dù tăng điểm nhưng thanh khoản yếu. Điều này cho thấy thị trường tăng là do nhà đầu tư giảm bán chứ không phải do nhà đầu tư tích cực mua vào. Việc tăng điểm không đi kèm thanh khoản tăng cho thấy thị trường vẫn chưa thật sự tích cực và nền tảng tăng của thị trường không được bền vững.

Trên thị trường chứng khoán thế giới, phiên giao dịch ngày 31/1, thị trường chứng khoán châu Á biến động trái chiều, giữa bối cảnh quan ngại về virus Corona mới gây chết người ngày càng lan rộng sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với dịch bệnh viêm phổi do virus Corona chủng mới gây ra.

Kết thúc phiên này, chỉ số MSCI của khu vực châu Á-Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) nối dài đà giảm điểm từ phiên trước khi mất 0,4%, hướng tới tuần giảm mạnh nhất trong một năm qua là 4,6%, sau khi chứng kiến mức giảm 2,3% trong phiên 30/1, ghi dấu mức giảm sâu nhất trong sáu tháng.

Tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 227,43 điểm (0,99%), lên 23.205,18 điểm. Giới đầu tư được trấn an bởi phát biểu của Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus rằng tổ chức này không khuyến cáo hạn chế đi lại hay giao thương với Trung Quốc. Điều này sẽ củng cố thêm sự hợp tác quốc tế trong nỗ lực chống lại kẻ thù của sức khỏe toàn cầu.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết, nước này sẽ nhanh chóng ban hành các quy định mới nhằm hạn chế phạm vi lây lan của virus corona trong bối cảnh có nhiều người dân nước này được sơ tán từ Trung Quốc về.

Tokyo vừa quyết định coi chủng virus mới này là “dịch bệnh truyền nhiễm đặc biệt”, bắt buộc những ai bị lây nhiễm phải nhập viện và cho phép các cơ quan quản lý di trú có quyền ngăn chặn những người nhiễm hoặc có nguy cơ mang chủng virus này được nhập cảnh vào Nhật Bản.

Trong khi đó, tại thị tường Sydney, chỉ số S&P/ASX 200 của Australia cũng tăng 8,8 điểm (0,13%), lên 7.017,20 điểm. Tuy nhiên, tại thị trường Seoul, chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm mạnh phiên thứ hai liên tiếp, xóa mất nỗ lực đi lên từ đầu phiên. Đồng won của Hàn Quốc cũng giảm mạnh so với đồng USD. Khép phiên, chỉ số Kospi mất 28,99 điểm (1,35%), xuống 2.119,01 điểm.

Trong khi thị trường Thượng Hải (Trung Quốc) tiếp tục đóng cửa nghỉ lễ, tại Hong Kong (Trung Quốc), chỉ số Hang Seng cũng hạ 0,3% trong phiên này. Như vậy, tính trong hai tuần kể từ khi các thông tin về virus Corona tác động tới các thị trường tài chính, chỉ số Hang seng đã mất tới 9%.

Văn Giáp (TTXVN)
Thị trường chứng khoán lao dốc phiên đầu năm Canh Tý
Thị trường chứng khoán lao dốc phiên đầu năm Canh Tý

Các chỉ số “rơi” mạnh ngay khi thị trường mở cửa phiên giao dịch đầu tiên năm Canh Tý.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN