Thị trường chứng khoán thế giới đi xuống trong phiên 13/8

Thị trường chứng khoán thế giới phần lớn đi xuống trong phiên giao dịch ngày 13/8 trong bối cảnh các cuộc đàm phán tại Mỹ về chương trình kích thích kinh tế mới bị đình trệ.

 

Chú thích ảnh
Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Các cuộc đàm phán đầy căng thẳng về một gói kích thích tài chính mới để "giải cứu" nền kinh tế Mỹ lại gặp khó khăn mới khi Thượng viện nước này bước vào kỳ nghỉ Hè. Thực tế đó đã khiến chỉ số công nghiệp Dow Jones tại New York giảm 0,3% xuống 27.896,72 điểm, chỉ số S&P 500 hạ 0,2% xuống 3.373,43 điểm. Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, chỉ số FTSE 100 của London cũng giảm 1,5% xuống 6.185,62 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt hạ 0,5% xuống 12.993,71 điểm, còn chỉ số CAC 40 tại Paris để mất 0,6% xuống 5.042,38 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 giảm 0,6% xuống 3.342,85 điểm.

Hiện các nhà đầu tư cũng đang chú ý đến cuộc đàm phán nhằm đánh giá Thoả thuận thương mại Giai đoạn 1 ký kết hồi tháng 1/2020 giữa Mỹ và Trung Quốc vào cuối tuần này. Xuất hiện lo ngại rằng căng thẳng gia tăng gần đây giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới có thể ảnh hưởng đến thoả thuận trên. Tuy nhiên, các quan chức cấp cao của cả hai bên đều bày tỏ tin tưởng thỏa thuận này sẽ được duy trì.

Cùng ngày, giá dầu thế giới đã giảm sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hạ dự báo nhu cầu tiêu thụ toàn cầu. Chốt phiên giao dịch ngày 13/8, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 47 xu Mỹ (1%) xuống 44,96 USD/thùng, còn giá dầu ngọt nhẹ New York giảm 43 xu Mỹ (1%) xuống 42,24 USD/thùng.

Trước đó, IEA đã hạ dự báo nhu cầu dầu năm 2020 do những chính sách hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nhận định rằng sự sụt giảm số lượt khách di chuyển bằng đường không sẽ làm giảm nhu cầu tiêu thụ dầu trên toàn cầu khoảng 8,1 triệu thùng/ngày trong năm nay. Chung nhận định, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) dự kiến nhu cầu dầu thế giới sẽ giảm 9,06 triệu thùng/ngày trong năm nay, cao hơn so với mức giảm 8,95 triệu thùng/ngày được đưa ra một tháng trước. Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết không mong đợi những quyết định cắt giảm sản lượng “vội vàng” khi một ủy ban giám sát của OPEC và các đồng minh, còn được gọi là OPEC+, sẽ nhóm họp vào tuần tới. 

Ngược lại với đà giảm giá của dầu và chứng khoán, giá vàng thế giới tăng 2,5% trong phiên 13/8, phục hồi nhanh sau khi rơi xuống mức thấp của gần 3 tuần qua trong phiên trước đó, giữa bối cảnh đồng USD suy yếu và sự phục hồi chậm của thị trường lao động Mỹ càng cho thấy những tổn thương kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra. Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 6,6%, lên 27,25 USD/ounce, giá bạch kim giao ngay tăng 2,7% lên 956,53 USD/ounce, còn giá palladium tăng 1,9% lên 2.170,68 USD/ounce.

Bích Liên (TTXVN)
Chứng khoán thế giới đồng loạt tăng điểm trong phiên 12/8
Chứng khoán thế giới đồng loạt tăng điểm trong phiên 12/8

Chứng khoán thế giới đồng loạt tăng điểm trong phiên giao dịch 12/8, giữa lúc tâm lý lạc quan của nhà đầu tư về sự phục hồi kinh tế đã "lấn át" những lo ngại rằng các nhà lập pháp Mỹ chưa thể sớm đạt được sự đồng thuận về gói kích thích kinh tế mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN