Thị trường chứng khoán: Có thể sớm xuất hiện nhịp điều chỉnh kỹ thuật

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa có một tuần tăng điểm trọn vẹn, với cả 5/5 ngày giao dịch VN-Index đều kết phiên trong sắc xanh, mặc dù 2 ngày cuối tuần thị trường có chững lại do áp lực chốt lời của nhà đầu tư tăng cao.

Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch (từ 4  -8/6), VN-Index tăng 46,14 điểm lên 1.039,01 điểm; HNX-Index tăng 4,11 điểm lên 119,86 điểm.

Thanh khoản trong tuần tiếp tục ở mức trung bình với khoảng hơn 6.100 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên cả hai sàn. Giá trị giao dịch trên HOSE giảm 1,3% xuống 27.088 tỷ đồng, tương ứng khối lượng giao dịch giảm 7,8% xuống 869 triệu cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX tăng 7,2% lên 3.831 tỷ đồng, tương ứng khối lượng giao dịch tăng 2,3% lên 261 triệu cổ phiếu.

Nhà đầu tư theo dõi giao dịch tại sàn giao dịch Công ty Chứng khoán Vietcombank. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Thị trường tăng điểm mạnh mẽ là nhờ công lớn của các mã cổ phiếu vốn hóa lớn thay nhau đảm nhận vai trò "dẫn sóng" thị trường. Các mã tăng mạnh có thể kể đến như: VIC tăng 4,4%, VHM tăng 3%, GAS tăng 5,4%, HPG tăng 7,5%, HSG tăng 16,4%, VJC tăng 12,4%, NVL tăng 4,7%, MSN tăng 2,5%...

Cùng với thị trường chung, sau những phiên bứt phá đầu tuần thì đến những phiên cuối tuần nhóm cổ phiếu vốn hóa bị chốt lời mạnh mẽ.

Những mã cổ phiếu giảm điểm hoàn toàn chiếm ưu thế. Trong rổ cổ phiếu VN30 (30 mã cổ phiếu có ảnh hưởng lớn nhất lên thị trường chứng khoán) chỉ có 9 mã tăng, trong khi có 16 mã giảm điểm.

Đi kèm với việc giảm giá thì nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có thanh khoản rất thấp, điều đó chứng tỏ nhiều nhà đầu tư còn e ngại và không chấp nhận mua những cổ phiếu này ở mức giá cao.

Thực tế, cổ phiếu vốn hóa lớn có vai trò lớn nhất tác động mạnh mẽ đến thị trường chung. Nếu dòng tiền không được cải thiện tại nhóm cổ phiếu này có lẽ thị trường sẽ gặp phải những nhịp điều chỉnh giảm khi cầu không đủ mà lực cung tăng mạnh.

Tuần qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng ghi nhận sự tăng trưởng tích cực với hàng loạt mã tăng mạnh như: VCB tăng 4,7%, CTG tăng 4%, BID tăng 6,1%, VPB tăng 12,6%, MBB tăng 5,1%, ACB tăng 6,4%, SHB tăng 3,3%...

Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng tăng mạnh mẽ vào những phiên đầu tuần và điều chỉnh trở lại vào những phiên cuối tuần. Phiên cuối tuần, những mã cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng diễn biến trái chiều với số mã giảm giá chiếm ưu thế.

Hơn nữa, những mã giảm giá có thanh khoản khá yếu, những mã tăng giá có thanh khoản lại càng yếu hơn. Điều này chứng tỏ nhà đầu tư đang thận trọng với nhóm cổ phiếu ngân hàng. Cũng có thể giải thích là do nhà đầu tư khó chấp nhận trả giá ở vùng giá cao nên cung cầu không gặp nhau, khiến cho thanh khoản giảm mạnh.

Tuần qua, nhóm chứng khoán vẫn có sự tăng trưởng mạnh với các mã tiêu biểu như: SSI  tăng 5,1%, HCM tăng 6%, VCI tăng 1,2%, VND tăng 15,2%, SHS tăng 1,8%...

Nhóm cổ phiếu chứng khoán thường diễn biến cùng chiều với thị trường nên những phiên đầu tuần nhóm chứng khoán giao dịch rất tích cực và tăng trưởng tốt. Tuy nhiên đến cuối tuần, những mã cổ phiếu trong nhóm chứng khoán diễn biến trái chiều và thanh khoản cũng giảm tương ứng.

Nhóm chứng khoán thường “đu” theo thị trường chung, và thị trường chung đang chững lại với thanh khoản sụt giảm, vì vậy nhóm này có thể khó có cơ hội tăng trưởng mạnh trong tuần tới.

Cùng với sự hưng phấn của thị trường vào những phiên đầu tuần, nhóm cổ phiếu dầu khí đã có cơ hội bứt phá mạnh mẽ với sự tăng trưởng của các cổ phiếu trụ cột trong nhóm như: PLX tăng 9,1%, PVD tăng 10,1%, PVS tăng 3,4%.

Thực tế, nhóm cổ phiếu dầu khí thường diễn biến theo giá dầu thế giới. Hiện tại, giá dầu thế giới đang trong giai đoạn “lình xình” chưa rõ xu hướng.

Như vậy, tuần tới, thị trường đang phải đối diện với khoảng trống thông tin; trong khi những diễn biến tăng, giảm trái chiều trong các nhóm cổ phiếu ngày càng mạnh lên. Thị trường diễn biến giằng co và rung lắc mạnh.

Bên cạnh đó, thanh khoản vẫn chưa thể bật tăng mặc dù thị trường đã liên tục tăng trưởng về điểm số. Điều này cho thấy tâm lý nhà đầu tư có được cải thiện nhưng vẫn đang khá thận trọng trong việc giải ngân mua mới cổ phiếu.

Một yếu tố tác động rất lớn đến thị trường chứng khoán Việt Nam là việc khối ngoại mua bán ròng. Xét chung cả tuần khối ngoại mua ròng hơn 122,8 tỷ đồng trên cả hai sàn, nhưng đến phiên cuối tuần, khối ngoại đã quay trở lại bán ròng trên cả ba sàn giao dịch với giá trị tổng cộng 56,3 tỷ đồng, tương ứng khối lượng 4,8 triệu cổ phiếu.

Trên sàn HoSE, khối ngoại bán ròng hơn 31 tỷ đồng, tương ứng khối lượng bán ròng 3,38 triệu cổ phiếu. Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng gần 18,9 tỷ đồng, tương ứng 793.392 cổ phiếu. Sàn UPCoM, khối ngoại bán ròng nhẹ chỉ 6,4 tỷ đồng.

Dưới góc nhìn của nhiều công ty chứng khoán, tuần tới thị trường còn nhiều khó khăn và có thể xuất hiện những nhịp điều chỉnh giảm. Tuy nhiên, những gì xấu nhất có thể đã ở lại phía sau nên nhiều khả năng thị trường sẽ tiếp tục tăng trưởng.

Công ty cổ phần chứng khoán Rồng Việt dự báo trong tuần giao dịch tiếp theo (11 - 15/6), VN-Index vẫn có thể tiếp tục hồi phục với mục tiêu là vùng 1.060-1.080 điểm (MA10-20 tuần), tuy nhiên áp lực cung lớn có thể khiến chỉ số điều chỉnh.

Công ty cổ phần chứng khoán Phú Hưng đưa ra quan điểm: “Không loại trừ kịch bản VN-Index có thể sẽ sớm xuất hiện một đợt điều chỉnh kỹ thuật, nhằm củng cố lại xu hướng phục hồi bền vững hơn trong những phiên tới. Vùng hỗ trợ mạnh có thể là vùng 1.000 - 1.010 điểm (vùng tâm lý và MA20). Đối với sàn Hà Nội, HNX-Index có diễn biến tương tự. Xu hướng phục hồi ngắn hạn đang tiếp diễn, chỉ số có thể tiếp tục tiến lên thử thách ngưỡng 122,4 điểm".

Theo công ty này, xu hướng phục hồi ngắn hạn của thị trường vẫn đang được duy trì.

Theo Công ty cổ phần chứng khoán MB- MBS,xu hướng tăng của thị trường đến hiện tại có xác suất tiếp diễn rất cao, thị trường đang có nhiều thông tin hỗ trợ hơn và những gì xấu nhất có thể cũng đã ở lại phía sau.

Văn Giáp (TTXVN)
Các thị trường chứng khoán châu Âu giảm điểm
Các thị trường chứng khoán châu Âu giảm điểm

Trong phiên giao dịch ngày 7/6, các thị trường chứng khoán châu Âu giảm điểm khi đồng euro và đồng bảng Anh mạnh lên, cũng như tình hình căng thẳng thương mại trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN