Thị trường chứng khoán châu Á thận trọng trước căng thăng thương mại Mỹ-Trung

Ngày 9/10, thị trường chứng khoán Tokyo (Nhật Bản) giảm phiên thứ tư liên tiếp, do đồng yen mạnh cùng với những lo ngại về tình hình kinh tế của Trung Quốc.

Chú thích ảnh
Bảng tỷ giá chứng khoán tại Sàn giao dịch ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Cụ thể, chỉ số Nikkei 225 của thị trường Tokyo giảm 1,32%, tương đương 314,33 điểm, xuống 23.469,39 điểm khi đóng cửa.

Theo nhà phân tích kỹ thuật kỳ cựu Hikaru Sato của Daiwa Securities, thị trường chứng khoán Tokyo vẫn trong giai đoạn điều chỉnh sau khi giá cổ phiếu đã tăng khá nhanh. Đồng yen mạnh là thông tin tiêu cực đối với các nhà xuất khẩu Nhật Bản khi làm giảm lợi nhuận thu được tại thị trường nước ngoài khi chuyển về nước.

Trong khi đó, theo ông Stephen Innes, người đứng đầu bộ phận giao dịch khu vực châu Á-Thái Bình Dương của OANDA, một cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc không thành công có thể làm chệch hướng các thị trường trên toàn cầu và không nên đánh giá thấp tác động gây bất ổn tiềm ẩn mà đồng yên giảm giá sẽ gây ra đối với các thị trường trong khu vực.

Trong ngày 9/10, tỷ giá đồng USD và yen là 113,11 yen/USD, giảm từ mức 113,16 yen/USD tại phiên giao dịch chiều 8/10 tại thị trường New York (Mỹ) và mức gần 114 yen trước khi các thị trường ở Tokyo đóng cửa trong ngày giao dịch 5/10.

Theo ông Sato, các nhà đầu tư vẫn lo ngại và tiếp tục chú ý tới diễn biến cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc với tình hình khó đoán định. Tại thị trường Tokyo, giá cổ phiếu Panasonic giảm 1,94% xuống còn 1.308,5 yen/cổ phiếu còn giá cổ phiếu Sony giảm 0,28% xuống còn 6.577 yen/cổ phiếu. Trong khi đó, giá cổ phiếu Toyota giảm 3,08% xuống còn 6.786 yen/cổ phiếu và giá cổ phiếu SoftBank Group giảm 3,38% xuống còn 10.700 yen/cổ phiếu.

Trong khi đó, theo chiến lược gia trưởng Alicia Levine của BNY Investment Management, nếu xung đột thương mại vẫn còn tiếp diễn thì đồng nội tệ của Trung Quốc sẽ giảm giá và tạo ra một loạt khó khăn đối với nền kinh tế thế giới. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 6,2% năm 2019, thấp hơn con số ước tính tăng 6,4% trước đó, và là mức tăng thấp nhất kể từ năm 1990.

Cũng trong ngày 9/10, chỉ số Hang Seng của thị trường chứng khoán Hong Kong có lúc tăng 0,2% lên 26.258,30 điểm. Còn chỉ số Shanghai Composite của thị trường chứng khoán Thượng Hải (Trung Quốc) tăng 0,2% lên 2.721,01 điểm khi đóng cửa ngày giao dịch 9/10.

Anh Quân (Theo AFP)
Căng thẳng thương mại đe dọa tăng trưởng kinh tế Eurozone
Căng thẳng thương mại đe dọa tăng trưởng kinh tế Eurozone

Trong bối cảnh tiến trình đàm phán về Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) vẫn bế tắc và căng thẳng thương mại gia tăng giữa Mỹ và các đối tác trên thế giới, tăng trưởng kinh tế của Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã chững lại trong tháng 9 này khi các nhà máy châu Âu đều đồng loạt ghi nhận nhu cầu sụt giảm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN