Tạo động lực cho dịch vụ logistics

Với bờ biển dài khoảng 3.260 km trải dài từ Bắc đến Nam, ở trung tâm khu vực châu Á – Thái Bình Dương và nằm trên tuyến hàng hải quốc tế, Việt Nam là quốc gia có điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý rất thuận lợi để phát triển dịch vụ logistics.

Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng trong 10 năm tới, khi kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam có thể đạt mức 200 tỷ USD/năm, nhu cầu sử dụng dịch vụ logistics lại càng lớn. Bởi, khâu phân phối giống như mạch máu của nền kinh tế. Nắm được hệ thống phân phối chính là nắm được phần thắng trong tay và logistics chính là một mắt xích quan trọng trong hệ thống này. 

Vẫn ở thời kỳ phôi thai 

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), logistics là việc thực hiện và kiểm soát toàn bộ hàng hóa từ nơi hình thành cho đến điểm tiêu thụ cuối cùng. Không những thế, đây còn là hoạt động tổng hợp mang tính dây chuyền có tầm quan trọng quyết định đến tính cạnh tranh của ngành công nghiệp và thương mại mỗi quốc gia. Tuy nhiên, quy mô doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics ở Việt Nam vẫn đang ở thời kỳ phôi thai và chưa được thực hiện thống nhất. 

Thống kê cho thấy, hiện cả nước có khoảng 1.300 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics; trong đó, 20% là công ty Nhà nước, 70% là công ty TNHH và doanh nghiệp tư nhân là 10%. Thời gian hoạt động trung bình của các doanh nghiệp là 5 năm với vốn đăng ký trung bình khoảng 1,5 tỷ đồng/doanh nghiệp. Nhưng, các doanh nghiệp logistics tại Việt Nam hiện mới chỉ đáp ứng được 1/4 nhu cầu thị trường logistics và mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp dịch vụ cho một số công đoạn của chuỗi dịch vụ khổng lồ này. 

Kho lạnh Satra tại Trung tâm Thương mại Bình Điền. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Phân tích rõ hơn về thị trường logistics, ông Trần Chí Dũng chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu Logistics nhấn mạnh, có một thực tế phải thừa nhận là ở nhiều lĩnh vực hiện nay doanh nghiệp Việt chưa bước vào được. Chẳng hạn như lĩnh vực hàng không mới có hai hãng lớn là Vietnam Airlines và Vietjet Air, trong khi thế giới đã có hàng trăm hãng hàng không. Đối với vận tải biển, Việt Nam cũng gần như bị “tê liệt” khi không có hãng vận tải quốc gia nào…Hơn nữa, với công nghệ vận chuyển thô sơ dẫn đến thời gian kéo dài, chi phí tăng cũng làm giảm khả năng cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam. 

Theo đánh giá của Tập đoàn Frost & Sullivan, chi phí logistics tại Việt Nam gần như gấp đôi, gấp ba so với các nước công nghiệp khác, xuất phát từ việc thiếu thốn về hạ tầng và yếu kém về năng lực vận tải. Bởi lẽ việc giảm chi phí logistics sẽ góp phần tích cực tăng sức cạnh tranh của hàng hóa một quốc gia. Tuy nhiên, thời gian qua, các doanh nghiệp logistics Việt Nam chưa thực sự tìm được tiếng nói chung với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu; chưa tạo ra sự gắn bó đầy đủ, thúc đẩy phát triển chung cho cộng đồng doanh nghiệp Việt. Điều này dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước đang phải chịu các loại phí cao, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế. 

Hơn nữa, mặc dù hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng trưởng trung bình hai con số hằng năm, nhưng chi phí logistics chiếm tới 20 – 25% GDP cả nước, dẫn đến sự lãng phí nhiều nguồn lực. Trong khi đó, chi phí này ở các nước phát triển chỉ khoảng 10 – 13% và các nước đang phát triển cũng chỉ ở mức 15 – 20%… Các dịch vụ trong ngành logistics (từ vận chuyển, kho bãi, giao nhận, thủ tục hải quan, bảo hiểm…) ảnh hưởng rất lớn đến các yếu tố cạnh tranh hàng hóa của doanh nghiệp, là chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, giá cả hợp lý và thời gian giao hàng nhanh. 

Ông Đỗ Xuân Quang, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam thừa nhận, dù có hơn 1.300 doanh nghiệp trong nước hoạt động về logistics, nhưng chủ yếu mới dừng lại ở giao nhận (đại lý vận tải trong và ngoài nước), vận tải, các dịch vụ kho bãi, cảng biển xếp dỡ, kho phân phối… Cùng đó, năng lực giữa các doanh nghiệp không đồng đều, thiếu chuyên nghiệp; hoạt động logistics còn phân tán, thiếu kết nối nên chưa thuyết phục được chủ hàng nâng cao thuê ngoài dịch vụ logistics. 

Cũng theo ông Quang, điểm thách thức nữa là ngành logistics Việt Nam phải đối mặt là chi phí cao, chiếm khoảng gần 21% tổng GDP. Nếu GDP Việt Nam là 185 tỷ USD thì chi phí logistics hiện nay chiếm đến khoảng 35 – 36 tỷ USD, rất cao so với khu vực. Trong khi đó, Singapore, Bắc Mỹ, châu Âu chỉ có khoảng dưới 10%. Nguyên nhân chi phí cao là sự bất hợp lý về kết cấu, kết nối cơ sở hạ tầng với nhau. 

Hoạt động lưu kho, lưu bãi container tại khu vực liên doanh giữa Cảng Hải Phòng và Hãng tàu Heung-A. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Một trong những bất cập nữa là dù các cảng, sân bay, nhà ga, các khu công nghiệp, logistics xây rất nhiều nhưng vẫn không kết nối lại với nhau được. Đưa ra dẫn chứng, ông Đỗ Xuân Quang chia sẻ, có những cảng xây xong lại không có đường vào, hơn nữa Việt Nam lại chưa có “khu phố” logistics khiến hạ tầng kết nối giao thông chưa đồng bộ, yếu kém, chi phí cao. Cùng với đó, nhân công thiếu, chính sách bất cập như xe tải không được đi vào ban ngày mà phải đi ban đêm, cầu chỉ có 25 tấn tải trọng nhưng xe container thường chở đến 35 tấn tải trọng cũng là nguyên nhân dẫn đến những khó khăn đeo đẳng với ngành dịch vụ logistics. 

Giành lại thị phần 

Xuất phát từ những nguyên do này, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương soạn thảo kế hoạch hành động “Nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam” nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế trong nước, tạo thuận lợi cho kế hoạch hoạt động thương mại và nâng cao sức cạnh tranh với các quốc gia khác. 

Tại kế hoạch hành động này, Bộ Công Thương đặt mục tiêu đưa Việt Nam vào nhóm 50 nước có dịch vụ logistics phát triển hàng đầu thế giới; rút ngắn thời gian lưu chuyển hàng hóa, giảm chí phí logistics về mức 19% trong tổng chi phí sản xuất (hiện tại 25%). Đồng thời, phát triển dịch vụ logistics góp phần thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, cải cách hành chính, tái cấu trúc hoạt động sản xuất và thương mại của doanh nghiệp; hình thành doanh nghiệp logistics Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, có sức cạnh tranh quốc tế. Bên cạnh đó, xây dựng trung tâm logistics tầm cỡ khu vực và quốc tế, nâng cao hiệu quả kết nối giữa Việt Nam với các nước… 

Bộ Công Thương cũng đề ra năm nhóm giải pháp tập trung vào việc hoàn thiện khung pháp lý, hệ thống chính sách, nâng cao năng lực cơ sở hạ tầng, hoàn thiện quy hoạch chi tiết phát triển hạ tầng logistics. Đặc biệt là phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu, tuyên truyền cho các chủ hàng sử dụng logistics theo hướng chuyên môn hóa, thay đổi tập quán xuất nhập khẩu mua CIF (giá tại cửa khẩu của bên nhập) bán FOB (giá tại cửa khẩu của bên xuất), để tránh phụ thuộc vào đối tác nước ngoài. 

Theo nhận định từ Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), đây là một kế hoạch hành động quan trọng của Chính phủ, có tác động trực tiếp tới việc phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam ở quy mô quốc gia, nhất là trong tình hình Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới qua hàng loạt Hiệp định Thương mại Tự do được ký kết và có hiệu lực trong thời gian tới. Không chỉ vậy, đây còn là cơ hội quý báu để các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (gọi tắt là các LSPs) có dịp nhìn toàn cảnh, sâu sắc về môi trường kinh doanh, năng lực thực sự của mình để hiến kế các giải pháp có tính đột phá, đúng tầm nhằm đưa ngành logistics phát triển bền vững hơn. 

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương ) khẳng định, kế hoạch hành động về nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics kì vọng sẽ tạo ra bước đột phá về mặt chính sách, tạo cơ chế thuận lợi để các doanh nghiệp logistics Việt Nam củng cố năng lực, thị phần, nhanh chóng vươn lên cùng các doanh nghiệp sản xuất và xuất nhập khẩu. Đặc biệt, thông qua kế hoạch hành động này, các doanh nghiệp sẽ gia tăng khối lượng hàng hóa lưu thông, từng bước tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước cũng như đáp ứng các yêu cầu cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập. Ngoài ra, Bộ Công Thương đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép đưa logistics vào danh mục các lĩnh vực, ngành hàng ưu tiên triển khai thuộc Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia. 

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, khi chưa có phân định rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành quản lý logistics thương mại thì việc thành lập một ủy ban điều phối liên ngành logistics là cần thiết. Hơn nữa, việc Việt Nam tham gia hàng loạt Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới là cơ hội để phát triển xuất nhập khẩu và dịch vụ logistics. 

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, các doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp vận tải biển phải liên kết, đứng cùng chiến tuyến với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, nỗ lực tư vấn, cung cấp giải pháp tối ưu, tin cậy, đảm bảo chuỗi cung ứng hiệu quả, nâng cao tính cạnh tranh hàng hóa, dịch vụ Việt Nam. Đây cũng chính là bước chuẩn bị quan trọng để củng cố và gia tăng thị phần vận tải biển, logistics đối với hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam khi thực hiện các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương sắp tới cũng như mở rộng thị trường này theo cam kết của hội nhập quốc tế. 

Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Đào Huy Giám, Tổng Thư ký diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam cho rằng, cần tiến tới quy hoạch quốc gia về phát triển logistics, trên cơ sở đó phát triển logistics từng vùng trọng điểm gắn với việc thiết lập các chuỗi cung ứng phù hợp với chuỗi giá trị toàn cầu. Như thế mới nâng cao khả năng điều phối quốc gia, năng lực quản lý hệ thống và khả năng của thị trường, người sử dụng dịch vụ logistics. 

Cụ thể hơn, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải – Bộ Giao thông Vận tải đề xuất việc lập sàn giao dịch vận chuyển hàng hóa quốc gia đồng thời tiến hành rà soát các hình thức, phương tiện giao thông vận tải, hệ thống kho bãi, xây dựng cơ sở dữ liệu vận tải và kho vận, triển khai các dự án kết nối các hình thức vận tải trên trục Bắc – Nam với Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối giao thông đường sắt với các cảng biển và khu công nghiệp lớn. 

Trong lúc chờ đợi những chính sách mới từ một Chính phủ hành động, các doanh nghiệp đã có xu hướng thành lập lĩnh vực kinh doanh logistics. 

Điển hình, Công ty cổ phần XNK Quảng Bình không những đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất mà còn đầu tư xây dựng hệ thống kho bãi ngoại quan, điểm tập kết hàng hóa, dịch vụ logistics với diện tích rộng và cơ sở vật chất hiện đại tại nhiều cảng biển và cửa khẩu lớn. Dự kiến, đến cuối năm 2016, công ty sẽ đưa vào hoạt động giai đoạn I dự án ICD Quảng Bình – Đình Vũ tại Khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng) với diện tích hơn 26 ha, tổng vốn đầu tư 400 tỷ đồng. Đây là dự án cảng cạn đầu tiên trên địa bàn Hải Phòng và sẽ là một trong những cảng cạn lớn nhất khu vực phía Bắc, vừa có kết nối với đường bộ, vừa có kết nối với cảng biển. 

Bên cạnh việc nâng cao tỷ trọng lĩnh vực logistics trong cơ cấu doanh thu và lợi nhuận dự án còn giúp Công ty cổ phần XNK Quảng Bình hoàn thiện hoạt động theo chuỗi khép kín, từ sản xuất đến cung ứng dịch vụ, qua đó tăng cường sức mạnh nội tại. 

Uyên Hương (TTXVN)
Logistics - đường dẫn đến thành công
Logistics - đường dẫn đến thành công

Hoạt động của ngành dịch vụ hậu cần, kho vận (logistics) hiện nay tác động đến sức cạnh tranh của ngành công nghiệp và thương mại ở nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN