Sớm báo cáo Thủ tướng phương án xử lý tình trạng nghẽn lệnh chứng khoán

Trong buổi làm việc với Tập đoàn FPT chiều 9/3 về giải pháp tháo gỡ tình trạng tắc nghẽn giao dịch trên Sàn chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) trong thời gian gần đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã chỉ đạo thành lập Tổ công tác do Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải làm Tổ trưởng để xử lý dứt điểm; đồng thời, sớm có báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý tình trạng nghẽn lệnh chứng khoán.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng làm việc với FPT chiều 9/3 về giải pháp tháo gỡ tình trạng nghẽn lệnh chứng khoán. Ảnh: UBCK.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, bên cạnh việc quyết tâm cao nhất để sớm hoàn thiện hệ thống giao dịch chứng khoán, trước mắt không áp dụng đề xuất nâng lô giao dịch chứng khoán tối thiểu lên 1.000 nhưng khuyến khích việc chuyển đổi giao dịch một số cổ phiếu từ HoSE sang Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) trên tinh thần tự nguyện nhằm giảm tải hệ thống giao dịch của HoSE.

Bộ Tài chính và FPT đều đồng tình về giải pháp áp dụng hệ thống phần mềm đang được vận hành tại HNX cho hệ thống giao dịch tại HoSE là khả thi. Theo đó, chỉ mất từ 3 - 4 tháng để hoàn thiện và xử lý dứt điểm tình trạng nghẽn lệnh khi giao dịch chứng khoán.

Trước đó, trong cuộc gặp mặt với chủ đề "Đối thoại 2045” giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp, trí thức tiêu biểu và lãnh đạo một số bộ, ngành, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch tập đoàn FPT đã đề xuất Chính phủ và Thủ tướng đồng ý cho phép các doanh nghiệp tư nhân xử lý vấn đề vướng mắc hiện tại của sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam. Đề xuất này lập tức được Bộ Tài chính hoan nghênh và triển khai ngay việc phối hợp với FPT nhằm tìm giải pháp hiệu quả nhất.

Thời gian qua, hệ thống giao dịch của HoSE đã gặp hiện tượng nghẽn lệnh kéo dài. Từ nửa cuối năm 2020 đến nay, dòng tiền rót vào chứng khoán tăng đột biến, mỗi phiên giao dịch của HoSE phải “gồng gánh” mức thanh khoản trên dưới 15.000 tỷ đồng/ngày, có những phiên đạt hơn 19.000 tỷ đồng. Thanh khoản tăng mạnh đã vượt qua năng lực dự phòng của hệ thống công nghệ thông tin tại HoSE (tối đa 900.000 lệnh), gây ra tình trạng nghẽn lệnh, chậm vào sàn.

Trước tình trạng trên, các cơ quan quản lý phải đưa ra một số giải pháp tạm thời như: Nâng lô giao dịch tối thiểu trên sàn HoSE từ 10 lên 100 cổ phiếu/lệnh, chuyển một số cổ phiếu từ HoSE sang HNX trên tinh thần tự nguyện, đề xuất nâng lô lên 1.000 cổ phiếu/lệnh. Tuy nhiên, giải pháp này đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều của nhiều nhà đầu tư. Nhiều ý kiến cho rằng, giải pháp tạm thời tăng lô giao dịch tối thiểu từ 100 cổ phiếu lên 1.000 cổ phiếu sẽ khiến cho những người ít tiền, không thể mua bán cổ phiếu tốt, cổ phiếu có thị giá vừa và cao, chỉ có thể "đánh" những cổ phiếu nhỏ, giá thấp và rủi ro lớn. 

Đề cập về tình trạng nghẽn lệnh vẫn chưa được xử lý dứt điểm, ông Lê Hải Trà, Tổng Giám đốc HoSE cho biết: Theo hệ thống kỹ thuật, hệ thống giao dịch của HoSE có công suất tối đa 900.000 lệnh/phiên. Hệ thống hoạt động theo cơ chế phân bổ đều cho các công ty chứng khoán (CTCK), trong đó hệ thống tự động dành 20% cho lệnh dự phòng; 80% còn lại chia cho CTCK theo 2 vòng. 

Theo đó, vòng 1, chia đều mỗi công ty khoảng 3.000 lệnh (các CTCK đều được chia như nhau, kể cả công ty đã dừng hoạt động); vòng 2, dung lượng lệnh sẽ được chia theo tỷ trọng lấy số lệnh vào hệ thống bình quân từ 30 ngày gần nhất của từng công ty để làm căn cứ chia lệnh vào mới. Cách này nhằm tối ưu hoá phân bổ tài nguyên của hệ thống đang vận hành. Việc phân bổ số lượng lệnh dựa trên dữ liệu sử dụng thực tế nhằm ngăn chặn sự gia tăng đột biến về số lượng lệnh xuất phát từ lỗi hệ thống của một CTCK nào đó (nếu có), có thể gây rủi ro cho hệ thống của Sở. 

“Trước số liệu thực tế về tăng trưởng giao dịch, HoSE đã chủ động có kế hoạch thử nghiệm nâng lô giao dịch từ 10 lên 100 chứng khoán với các CTCK và báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước - UBCKNN. Được sự chấp thuận của UBCKNN và nỗ lực của các CTCK, việc nâng lô giao dịch lên 100 đã được đẩy nhanh hơn. Theo đó, kể từ ngày 4/1, giải pháp này đã cho thấy hiệu quả, giảm tải được một phần lệnh vào hệ thống, giúp thanh khoản tăng được 15 - 18% như dự kiến. Tuy nhiên, hiện tượng nghẽn lệnh vẫn chưa xử lý được dứt điểm, nhất là trong các phiên có thanh khoản rất lớn chạm đến mức 15.000 - 16.000 tỷ đồng”, ông Lê Hải Trà cho biết.

Minh Phương/Báo Tin tức
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nêu giải pháp khắc phục hiện tượng 'nghẽn lệnh'
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nêu giải pháp khắc phục hiện tượng 'nghẽn lệnh'

Thông tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, từ ngày 21/12/2020 có hiện tượng một số lệnh giao dịch của nhà đầu tư qua các công ty chứng khoán không gửi được vào hệ thống giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN