Siết chặt cấp phép “xe hợp đồng” lưu thông tại Hà Nội

Việc ồ ạt xin cấp phép “xe hợp đồng” không chỉ gây bất bình trong các doanh nghiệp taxi, mà còn đẩy các doanh nghiệp vận tải hành khách hoạt động khó khăn.

Thời gian gần đây, phương tiện ô tô dưới 9 chỗ ngồi tham gia kinh doanh vận chuyển hành khách trên địa bàn thành phố Hà Nội tăng đột biến với nhiều hình thức như: “taxi Hà Nội”, “xe hợp đồng” hoạt động dưới tên gọi Grabtaxi hay Ubertaxi… Tính đến giữa năm 2016, Sở Giao thông Vận tải thành phố Hà Nội xác nhận đã gần 7.600 xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi đã xin cấp phù hiệu ở các địa phương khác; trong đó, khoảng gần 3.000 xe đã được đưa về hoạt động thường xuyên trên địa bàn Hà Nội.

Trong khi Hà Nội thực hiện việc hạn chế phát triển mới xe taxi nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông, thì việc ồ ạt xin cấp phù hiệu “xe hợp đồng” đã dồn về Thủ đô hoạt động và đang len lỏi vào nội đô đón khách. Việc này không chỉ gây bất bình trong các doanh nghiệp taxi, mà còn đẩy các doanh nghiệp vận tải hành khách liên tỉnh trong bến vào tình trạng hoạt động khó khăn.

Từ năm 2011, Sở Giao thông Vận tải thành phố Hà Nội đã tạm dừng việc cấp phép thành lập thêm hãng taxi và không cho tăng số lượng xe của các hãng taxi đang hoạt động trên địa bàn; đồng thời rà soát, kiểm đếm phương tiện taxi và đưa ra nhiều giải pháp quản lý hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng taxi.

Theo Sở Giao thông Vận tải thành phố Hà Nội, việc gia tăng số lượng xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi, họat động theo các hình thức này trên địa bàn thành phố là điều đáng quan tâm, đòi hỏi bộ chủ quản cần sớm ban hành quy định quản lý, để đảm bảo điều kiện thuận lợi nhất cho việc đi lại của người dân, tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các loại hình vận tải và đúng quy định của pháp luật. Trong thời gian chờ đợi công bố quy định quản lý đối với loại hình này, Sở Giao thông Vận tải thành phố Hà Nội tiếp tục kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm quy định rõ số lượng tối thiểu xe đưa vào kinh doanh Grabtaxi trên địa bàn thành phố, nhằm đảm bảo phù hợp với mục tiêu của đề án phát triển taxi đã được phê duyệt.

Ông Đào Việt Long, Trưởng phòng quản lý vận tải đường bộ, Sở Giao thông Vận tải thành phố Hà Nội cho biết, theo đề án taxi đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt, năm 2015 số lượng xe taxi của thành phố là 20.000 xe và đến năm 2020 sẽ phát triển lên 25.000 xe. Đến thời điểm hiện tại, số lượng xe taxi trên địa bàn Hà Nội là 19.265 xe, thuộc quản lý của 77 đơn vị kinh doanh vận tải khách bằng xe taxi, nằm trong phạm vi cho phép của đề án taxi được duyệt.

Cũng theo ông Đào Việt Long, hiện nay chưa có quy định cấm taxi các tỉnh về Hà Nội trả khách. Tuy nhiên, phương tiện thuộc các đơn vị, chi nhánh của các tỉnh về hoạt động thường xuyên tại Hà Nội không thực hiện đúng phương án kinh doanh vận tải đã đăng ký với sở giao thông vận tải của các tỉnh, thành phố đó. Hiện, Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo sở giao thông vận tải các tỉnh, thành phố quản lý, theo dõi hoạt động của các phương tiện đã được cấp phù hiệu, đặc biệt theo dõi qua thiết bị giám sát hành trình để nhắc nhở các đơn vị vận tải nghiêm túc thực hiện theo đúng phương án đã đăng ký, nếu tái vi phạm có thể bị thu hồi phù hiệu theo quy định.

Tuyết Mai (TTXVN)
Bộ Tài chính chốt phương án nộp thuế của Uber Việt Nam
Bộ Tài chính chốt phương án nộp thuế của Uber Việt Nam

Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Cục thuế các tỉnh, thành phố về chính sách thuế và quản lý thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh của Công ty TNHH Uber B.V Hà Lan tại Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN