Quy hoạch ngành dệt may đã lỗi thời

Theo quy hoạch phát triển thì đến năm 2020 ngành dệt may sẽ xuất khẩu đạt 20 tỷ USD, nhưng đến năm 2015 Việt Nam đã đạt kim ngạch xuất khẩu 27,5 tỷ USD và dự kiến năm 2016 này là 31 tỷ USD. Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho rằng, quy hoạch này đã lỗi thời và đề nghị Chính phủ điều chỉnh.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho rằng, ngành công nghiệp dệt may thế giới đang có xu hướng chuyển dịch nhanh đến các quốc gia có lợi thế về nguồn nhân lực, giá gia công thấp. Ngành công nghiệp dệt may Việt Nam được dự báo vẫn có lợi thế để phát triển trong vòng 10 năm tới và quan trọng hơn, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)... nên ngành cần có những điều chỉnh nhằm đáp ứng tình hình mới. Việc xây dựng điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dệt may đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là cần thiết, trên cơ sở kế thừa quy hoạch đã có, đánh giá lại, bổ sung cho phù hợp với thực tế.

Quy hoạch tập trung

Để giúp doanh nghiệp dệt may tận dụng được cơ hội và vượt qua thách thức từ các hiệp định thương mại tự do mang lại, Vitas kiến nghị Chính phủ điều chỉnh chiến lược, quy hoạch phát triển ngành dệt may đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 36/2008/QĐ - TTg ngày 30/3/2008 và Quyết định số 3218/QĐ - BCT ngày 11/4/2014 của Bộ Công Thương, cho phù hợp với tốc độ hội nhập sâu, rộng của Việt Nam theo hướng dài hạn hơn đến năm 2025, tầm nhìn đến 2040, do nhiều mục tiêu trong các quyết định trên cho đến nay đã quá lạc hậu.

Dây chuyền sản xuất hàng may mặc hiện đại của Công ty Dệt may 29/3 (Đà Nẵng). Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN

Theo đó, Vitas đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ xây dựng chiến lược quy hoạch ngành dệt may gắn với quy hoạch các khu công nghiệp tập trung. Bởi các doanh nghiệp dệt may nhỏ lẻ, hiện nằm rải rác khắp các tỉnh, thành phố, do vậy việc tập trung về một khu giúp giải quyết vấn đề xử lý nước, quản lý nước thải. Yếu tố này liên quan đến sự bền vững của ngành dệt may và đảm bảo môi trường.

Ngành dệt may cũng cần có các khu công nghiệp lớn để thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào các lĩnh vực sản xuất sợi, vải, nhuộm. Hiện nay, ngành dệt may chỉ có vài khu công nghiệp nằm rải rác tại các tỉnh như Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Đồng Nai, Bình Dương... nhưng hầu hết có diện tích hạn chế. Chẳng hạn, Khu công nghiệp dệt may Phố Nối B (tại Hưng Yên) là khu công nghiệp đặc thù của miền Bắc dành cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may và các ngành công nghiệp phụ trợ nhưng diện tích mới chỉ trên 121,8 ha. Tương tự Khu công nghiệp dệt may Nguyễn Đức Cảnh (tỉnh Thái Bình) diện tích đất quy hoạch cũng có 102 ha, diện tích đất cho sản xuất 70 ha.

Chú trọng xử lý nước thải

Với yêu cầu mở rộng ngành công nghiệp dệt may, Vitas đề nghị Chính phủ thống nhất quy hoạch và cấp phép các khu công nghiệp dệt may lớn từ 500 - 1.000 ha nhằm kêu gọi và thu hút đầu tư vào các lĩnh vực của ngành. Đồng thời, đề nghị Chính phủ hỗ trợ lãi vay khi doanh nghiệp đầu tư vào các Trung tâm xử lý nước thải tại các khu công nghiệp, tránh tình trạng các địa phương tự quy hoạch, cấp phép gây chồng chéo. Bên cạnh đó, cần phát triển, nâng cấp các cơ sở hạ tầng kết nối giao thông thủy, bộ giữa các khu công nghiệp dệt may lớn với các cảng, trung tâm giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu, tạo điều kiện giảm chi phí vận chuyển.

Theo ông Vũ Đức Giang, có 5 yếu tố tạo nền tảng để tạo sự phát triển bền vững cho ngành dệt may Việt Nam gồm: Quy hoạch khu công nghiệp; hạ tầng giao thông; vấn đề về môi trường, xử lý nước thải; ổn định về chính sách thuế, phí, thủ tục và quan trọng hơn là chính sách tiền lương.

Trên thực tế, xử lý nước thải đối với ngành dệt may đang là vấn đề nan giải, bởi đầu tư vào hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn rất tốn kém, thời gian thu hồi vốn lâu nên chủ các khu công nghiệp thường không làm được. Ông Giang đề nghị, Chính phủ nên xem xét điều chỉnh quy định về yếu tố môi trường trong ngành dệt may.

Ông Thân Đức Việt, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty May 10 cho rằng, Nhà nước cần có sự hỗ trợ trong việc xây dựng khu công nghiệp dệt, đầu tư trạm xử lý nước thải, giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng chi phí ban đầu, bởi các doanh nghiệp trong ngành dệt may phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực tài chính còn hạn chế.

Chính phủ nên đưa ra một chiến lược dài hạn hơn, cụ thể hơn để dệt may đi kịp với quá trình hội nhập của đất nước".

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas


Hằng Trần
Doanh nghiệp dệt may “bí" đơn hàng
Doanh nghiệp dệt may “bí" đơn hàng

Năm nay, ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 31 tỷ USD, tuy nhiên các chuyên gia trong ngành e ngại mục tiêu trên có như mọng đợi khi từ đầu năm tới nay, ngành dệt may đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi lượng đơn hàng và giá xuất khẩu sụt giảm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN