OPEC+ nhất trí tăng sản lượng dầu từ tháng 5/2021

OPEC+, tức liên minh giữa Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng nhóm các nước sản xuất dầu ngoài khối do Nga dẫn đầu, nhất trí tăng sản lượng dầu bắt đầu từ tháng 5/2021, nhưng chỉ ở mức hạn chế.

Chú thích ảnh
Một cơ sở khai thác dầu của Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN

Trong thông báo sau cuộc họp ngày 1/4, các bộ trưởng đã nhấn mạnh thị trường có cải thiện nhờ các chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 được triển khai trên toàn cầu và các gói kích thích ở nhiều nền kinh tế chủ chốt. Tuy nhiên, OPEC+ cũng cho biết sẽ tiếp tục thận trọng theo dõi những diễn biến của thị trường sau những dấu hiệu biến động trong vài tuần gần đây.

Theo Bộ Năng lượng Kazakhstan, tại cuộc họp, các nước OPEC+ nhất trí cùng tăng sản lượng khai thác thêm 350.000 thùng/ngày trong tháng 5, thêm 350.000 thùng/ngày trong tháng 6, và thêm 450.000 thùng/ngày trong tháng 7.  Hiện tại, OPEC+ đang áp dụng mức hạn chế sản lượng 8,2 triệu thùng/ngày, trong đó có 1 triệu thùng/ngày là mức cắt giảm sản lượng tự nguyện của Saudi Arabia.   

Cũng tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak dự báo nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng khoảng 5-5,5 triệu thùng dầu/ngày trong năm 2021. Ông Novak hy vọng lượng dầu dự trữ trên toàn cầu sẽ trở lại mức bình thường trong 2 đến 3 tháng tới. Tuy nhiên, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman cho rằng thị trường sẽ mất một thời gian dài để phục hồi. Ông Salman nhấn mạnh quyết định trên vẫn có thể được thay đổi trong các cuộc họp hằng tháng của nhóm và cho đến khi có bằng chứng rõ ràng về sự phục hồi của nền kinh tế, thì OPEC+ vẫn sẽ duy trì lập trường thận trọng.

Trước đó trong tháng này, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã đưa ra dự báo bi quan hơn về thị trường dầu, theo đó dự đoán có thể sẽ mất thêm hai năm nữa nhu cầu toàn cầu mới phục hồi về các mức như trước đại dịch COVID-19.

Thông tin OPEC+ đạt được một thỏa thuận tăng sản lượng từ tháng 5/2021 khiến một số nhà đầu tư bất ngờ do trước đó  phần đông giới phân tích cho rằng liên minh sẽ giữ nguyên mức hạn chế sản lượng trong tháng 5, bởi triển vọng phục hồi nhu cầu dầu đang yếu đi do làn sóng đại dịch Covid-19 mới ở châu Âu.

Thỏa thuận của OPEC+ đã giúp hỗ trợ giá dầu. Giá dầu thế giới tăng hơn 2 USD trong phiên giao dịch ngày 1/4. Khép phiên, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 2,12 USD (3,4%) lên 64,86 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 2,29 USD (3,9%) lên 61,45 USD/thùng.

Thị trường dầu cũng được tiếp sức sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra kế hoạch chi tiêu 2.300 tỷ USD để đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng như cầu đường, cùng với việc giải quyết biến đổi khí hậu.

Cùng ngày, trong phiên giao dịch đầu tháng, chỉ số tổng hợp S&P 500 của thị trường chứng khoán Phố Wall (Mỹ) đã lần đầu tiên khép phiên trên mốc 4.000 điểm, đạt kỷ lục mới nhờ lực đẩy đến từ các cổ phiếu Microsoft, Amazon và Alphabet, cũng như sự lạc quan về nền kinh tế Mỹ đang trên đà phục hồi.

Phiên này, cổ phiếu của Microsoft, Amazon, Alphabet và Nvidia đều tăng từ 2% trở lên, trong đó đáng chú ý là cổ phiếu của Alphabet, công ty mẹ của Google với mức tăng 3,3% và khép phiên ở mức cao nhất từ trước đến nay.

Với dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế như vậy, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,52% lên 33.153,21 điểm, trong khi chỉ số S&P 500 ghi thêm 1,18% lên 4.019,87 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 1,76% và khép phiên ở mức 13.480,11 điểm.

Như vậy tính đến thời điểm này, chỉ số S&P 500 đã tăng khoảng 7% trong năm 2021 và tăng 80% so với các mức thấp ghi nhận hồi tháng 3/2020.

Thị trường chứng khoán Mỹ sẽ đóng cửa nghỉ lễ trong ngày 2/4. Tính chung trong cả tuần giao dịch vừa qua, chỉ số S&P 500 đã tăng 1,1%, chỉ số Dow Jones tăng 0,25% và chỉ số Nasdaq ghi thêm 2,6%.

Phương Hoa   (TTXVN)
Giá dầu thế giới phiên 1/4 tăng hơn 2 USD
Giá dầu thế giới phiên 1/4 tăng hơn 2 USD

Giá dầu thế giới tăng hơn 2 USD trong phiên ngày 1/4 bất chấp thông tin Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, đã đạt được một thỏa thuận sẽ nới lỏng dần việc cắt giảm sản lượng từ tháng 5/2021.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN