Nhu cầu phục hồi giúp giá dầu ghi nhận tuần đi lên thứ ba liên tiếp

Thị trường dầu mỏ thế giới biến động bất nhất trong tuần này, song việc liên tiếp leo lên các mức cao trong nhiều năm đã giúp cả dầu Brent và dầu ngọt nhẹ (WTI) ghi nhận tuần giao dịch khởi sắc thứ ba liên tiếp, giữa bối cảnh nhu cầu nhiên liệu toàn cầu được cải thiện khi tỷ lệ tiêm vaccine ngừa dịch COVID-19 ngày càng tăng đang giúp hạn chế sự lây lan của đại dịch.

Chú thích ảnh
Một cơ sở khai thác dầu của Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN

Giá dầu WTI chạm ngưỡng 70 USD/thùng từ cuối tuần trước đã khiến giới đầu tư đẩy mạnh chốt lời, khiến giá dầu thế giới đi xuống trong phiên giao dịch đầu tuần (ngày 7/6). Bên cạnh đó, hoạt động giao dịch dầu cũng bớt “nhiệt” khi số liệu từ Trung Quốc cho thấy lượng dầu thô nhập khẩu của nước này đã giảm xuống mức thấp nhất trong một năm qua vào tháng Năm.

Tuy vậy, giá “vàng đen” đã bật trở lại ngay trong phiên giao dịch liền sau đó, chạm mức cao nhất trong hơn hai năm sau khi diễn biến mới nhất cho thấy nguồn cung dầu bổ sung từ Iran sẽ không sớm trở lại thị trường.

Thị trường chỉ tạm “lắng” trong phiên giao dịch ngày 9/6, sau số liệu cho thấy lượng xăng dự trữ của Mỹ tăng mạnh do nhu cầu yếu sau kỳ nghỉ lễ Memorial Day, để rồi tiếp tục đi lên trong hai phiên giao dịch cuối tuần này, nhờ sự lạc quan về nhu cầu tăng mạnh sau thông tin số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi làn sóng COVID-19 thứ nhất bùng phát tại nước này trong năm 2020.

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tuần này (ngày 11/6), giá dầu Brent Biển Bắc tiến 17 xu lên 72,69 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 5/2019. Trong khi đó, giá dầu WTI tăng 62 xu lên 70,91 USD/thùng, đóng cửa ở mức cao nhất kể từ tháng 10/2018. Tính chung cả tuần qua, giá dầu Brent tăng 1%, còn dầu WTI đã cộng thêm 1,9%.

Phil Flynn, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Price Futures Group, nhận định: “Nhu cầu đang quay trở lại nhanh hơn nguồn cung và chúng ta sẽ cần thêm nguồn cung để đáp ứng nhu cầu đó”.

Trong báo cáo định kỳ hàng tháng, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, được gọi chung là nhóm OPEC+, sẽ cần tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu dự kiến phục hồi về mức trước đại dịch vào cuối năm 2022. Cơ quan này cho biết, trong năm 2022, nhóm OPEC+ gồm 24 thành viên, dẫn đầu là Saudi Arabia và Nga, có khả năng tăng nguồn cung thêm 1,4 triệu thùng/ngày so với mức mục tiêu từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022.

Ngân hàng đầu tư Mỹ Goldman Sachs dự báo giá dầu thô Brent sẽ đạt 80 USD/thùng vào mùa Hè này khi việc triển khai vaccine ngừa COVID-19 thúc đẩy hoạt động kinh tế toàn cầu.

Dữ liệu khác cho thấy lưu lượng giao thông đường bộ đã trở lại mức trước đại dịch ở Bắc Mỹ và hầu hết các nước châu Âu. Ngay cả thị trường nhiên liệu máy bay cũng đang cho thấy tín hiệu cải thiện, với số chuyến bay ở châu Âu tăng 17% trong 2 tuần qua.

Báo cáo của công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes cùng ngày cho hay, số giàn khoan dầu tại Mỹ tăng 6 giàn lên 365 giàn trong tuần này, mức cao nhất kể từ tháng 4/2020. Đây cũng là tuần tăng lớn nhất của số giàn khoan dầu trong 1 tháng.

Giới phân tích dự đoán giá dầu sẽ tiếp tục đà tăng, khi nhu cầu toàn cầu phục hồi sau quyết định giảm các biện pháp hạn chế để phòng dịch COVID-19 của Mỹ và châu Âu, trong khi Ấn Độ cũng cũng bắt đầu nới lỏng tình trạng phong tỏa.

Minh Trang (TTXVN)
Giá dầu thế giới phiên 10/6 tăng lên mức cao nhất trong hơn hai năm
Giá dầu thế giới phiên 10/6 tăng lên mức cao nhất trong hơn hai năm

Trong phiên ngày 10/6, giá dầu thế giới tăng lên mức cao nhất trong hơn hai năm qua nhờ sự lạc quan về nhu cầu tăng mạnh sau thông tin số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi làn sóng COVID-19 thứ nhất bùng phát tại nước này trong năm 2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN