Nhận định chứng khoán tuần tới: Cân nhắc yếu tố quản trị rủi ro

Nhận định về diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam tuần tới, các công ty chứng khoán cho rằng, trong kịch bản tích cực có thể đà tăng vẫn tiếp diễn, nhưng rủi ro thị trường điều chỉnh giảm đã tăng lên.

Đối diện áp lực điều chỉnh

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt, phiên cuối tuần, thị trường điều chỉnh trên diện rộng sau nhiều phiên giao dịch tích cực liên tiếp. Thanh khoản giảm cho thấy lực bán chưa quá mạnh. Đây là thời điểm nhà đầu tư bắt đầu tỏ ra thận trọng và việc quản trị rủi ro cần phải cân nhắc, thay vì chỉ quan tâm đến việc tìm kiếm lợi nhuận.

Chú thích ảnh
Nhà đầu tư theo dõi giao dịch tại sàn giao dịch Công ty Chứng khoán Vietcombank. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Công ty cổ phần Chứng khoán FUNAN - FNS nhận định, chỉ số VN - Index đang dao động ở mức 815 - 834 điểm với áp lực bán khá lớn, khả năng sẽ xảy ra một số phiên điều chỉnh giảm trước khi tiếp tục xu hướng mới.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt - BVSC dự báo, tuần tới VN - Index sẽ có diễn biến giằng co với các phiên tăng giảm đan xen trong vùng 798 - 840 điểm. Chỉ số có thể lùi về kiểm định vùng hỗ trợ 795 - 800 điểm trước khi hồi phục tăng điểm trở lại. Việc khối ngoại mua ròng trở lại trong những phiên gần đây đang hỗ trợ cho tâm lý nhà đầu tư và diễn biến của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.

Tuy nhiên, việc các doanh nghiệp đang có xu hướng điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2020 do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 và kết quả kinh doanh quý 2 có thể không như kỳ vọng sẽ là các yếu tố khiến cho các nhóm cổ phiếu có thể rơi vào trạng thái phân hóa mạnh.

Thêm vào đó, trong tuần tới thị trường có thể có các phiên biến động mạnh khi hoạt động đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 5 sẽ diễn ra vào giữa tuần.

Thực tế cho thấy, thị trường tuần qua (từ 11 - 15/5) vẫn tăng trưởng, nhưng mức tăng đã thu hẹp hơn so với tuần trước đó (từ 4 - 8/5). Kết thúc tuần giao dịch từ 11 - 15/5, VN - Index tăng 1,6% lên 827,03 điểm, trong khi tuần trước VN - Index tăng tới 5,8%. Bên cạnh đó, HNX-Index giảm 0,9% xuống 109,024 điểm, trái ngược với tuần trước VN - Index tăng 3%.

Thanh khoản tuần qua tiếp tục tăng cao, đạt khoảng 6.500 tỷ đồng mỗi phiên trên hai sàn. Giá trị giao dịch trên HOSE tăng 26,1% lên 29.717 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 22,2% lên 1.649 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX tăng 36,8% lên 2.808 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 33,6% lên 315 triệu cổ phiếu.

Có thể nhận thấy, các cổ phiếu vốn hóa lớn đầu ngành tuần qua đang trong giai đoạn điều chỉnh.

Các mã vốn hóa lớn ngành thực phẩm - đồ uống tuần qua là VNM tăng 5,6%, MSN tăng 1,9%. Nhìn chi tiết vào từng phiên giao dịch thì VNM có 2 phiên tăng trưởng rất mạnh phiên đầu tuần, nhưng sau đó có tới 3 phiên giảm điểm. Trong khi đó, MSN cũng giảm mạnh trở lại phiên cuối tuần.

Cùng với đó, trong tuần qua, mã cổ phiếu vốn hóa lớn nhất ngành công nghệ là FPT giảm 10,7%, cổ phiếu đầu ngành hàng không là VJC giảm 5,1%, cổ phiếu đầu ngành bán lẻ là MWG giảm 2,1%.

Xét đến nhóm cổ phiếu họ Vingroup, trong khi VHM tăng 1,1% thì VIC lại giảm nhẹ 0,5% và VRE giảm mạnh tới 4,8%.

Một số mã cổ phiếu đầu ngành khác tăng mạnh những phiên đầu tuần, nhưng cũng giảm trở lại vào phiên cuối tuần như: PNJ, BVH, HPG... Qua đó, củng cố thêm quan điểm các mã cổ phiếu vốn hóa lớn đang bước vào nhịp điều chỉnh.

Nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng tăng trong tuần qua tăng khá mạnh. Cụ thể, VPB tăng 4,6%, VCB tăng 3,4%, MBB tăng 2,1%, BID tăng1,6%, ACB 1,4%... Tuy vậy, nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng cũng cho thấy đà tăng đang bị “lung lay” khi hầu hết các mã giảm giá trong phiên cuối tuần.

Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu có diễn biến rất tích cực trong tuần qua là dầu khí. Giá dầu thế giới khép lại tuần qua với các mức tăng 19% của dầu thô ngọt nhẹ Mỹ và gần 5% của dầu Brent Biển Bắc, giúp các cổ phiếu nhóm dầu khí tăng mạnh mẽ. Theo đó, GAS tăng 2%, PVB tăng 4,4%, PVC tăng 6%, PVS tăng 5,9%, PVD tăng 7,8%...

Bình luận về diễn biến thị trường tuần qua, Công ty cổ phần Chứng khoán SHS cho rằng, thị trường hồi phục trong tuần thứ hai liên tiếp trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước được kiểm soát tốt với 29 ngày liên tiếp không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng. Khối ngoại quay trở lại mua ròng với hơn 2.200 tỷ đồng là điểm nhấn tích cực.

Tuy nhiên, Công ty cổ phần Chứng khoán FUNAN - FNS cho biết, từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng liên tiếp, điều này cho thấy dòng vốn dài hạn đã bị rút dần ra khỏi thị trường. Dòng tiền mua vào trong giai đoạn vừa qua chủ yếu đến từ nhà đầu tư cá nhân, đại diện cho dòng vốn ngắn hạn và cơ hội khi thị trường đang tạm thời được nâng đỡ từ các nỗ lực mạnh mẽ của Chính phủ.

Công ty chứng khoán này cho rằng, trước diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô hiện nay, khả năng quay lại vùng 990 điểm của VN - Index là rất khó.

Chứng khoán thế giới - những gam màu sáng tối

Các chỉ số chứng khoán Mỹ chốt phiên cuối tuần lên điểm, dù số liệu cho thấy doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng Tư giảm mạnh hơn dự báo và thông tin Chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ cấm xuất khẩu các sản phẩm bán dẫn cho tập đoàn công nghệ Huawei Technologies của Trung Quốc gây lo ngại căng thẳng thương mại giữa hai nước sẽ tái diễn.

Chốt phiên cuối tuần (15/5), chỉ số Dow Jones tăng 60,08 điểm, hay 0,25% lên 23.685,42 điểm, trong khi chỉ số S&P 500 tăng 11,2 điểm, hay 0,39% lên 2.863,7 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite tăng 70,84 điểm, hay 0,79% lên 9.014,56 điểm.

Dù vậy, ba chỉ số chứng khoán Mỹ đều giảm điểm trong cả tuần, với các mức tương ứng là 2,7%, 2,3% và 1,2%.

Theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, doanh số bán lẻ ở nước này trong tháng Tư giảm 16,4%, vượt mức dự báo giảm trung bình 12,5% của các nhà kinh tế tham gia khảo sát của MarketWatch.

Ông Jim Baird, Giám đốc đầu tư của Plante Moran Financial Advisors cho rằng, hoạt động kinh tế sẽ chưa trở lại bình thường cho đến khi người tiêu dùng có lòng tin lớn hơn rằng dịch bệnh được kiểm soát. Tuy nhiên, ông cũng nhận định việc từng bước dỡ bỏ phong tỏa trên toàn quốc là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế sẽ chạm đáy và bước đầu phục hồi.

Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 15/5 đã có động thái nhằm ngăn chặn các nguồn cung chip toàn cầu cho tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc, làm dấy lên những quan ngại về biện pháp trả đũa của nước này. Động thái mới nhất này đã gây thêm lo ngại về căng thẳng giữa hai nước, sau khi ông Trump hồi đầu tuần đe dọa sẽ cắt đứt quan hệ với Trung Quốc và không quan tâm đến việc thương lượng với nước này trong thời điểm hiện nay.

Tuy nhiên, lòng tin của nhà đầu tư được cải thiện khi Hạ viện Mỹ chuẩn bị phê chuẩn gói hỗ trợ mới trị giá 3.000 tỷ USD nhằm hạn chế tác động của đại dịch COVID-19, trong đó tập trung vào việc chi gần 1.000 tỷ USD cho các chính quyền bang và địa phương. Thượng viện Mỹ được cho là sẽ không thông qua gói hỗ trợ này, nhưng Chính quyền của ông Trump cho thấy sự sẵn sàng cho việc đạt một thỏa thuận về gói chi tiêu mới.

Các nhà đầu tư cũng theo dõi các số liệu khác. Bản cân đối kế toán của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hiện đã tăng lên 7.000 tỷ USD kể từ khi Fed thông báo các biện pháp kích thích trong bối cảnh đại dịch và thanh khoản trên thị trường tín dụng nhờ đó đã gia tăng đáng kể.

Ngân hàng Goldman Sachs nhấn mạnh rằng, có thể các hoạt động thâu tóm và sáp nhập sẽ tăng mạnh trong nửa cuối năm. Các hoạt động này đã giảm đáng kể trong năm nay khi đại dịch khiến nền kinh tế đình trệ.

Trong khi đó, các thị trường chứng khoán châu Á đi ngược chiều trong phiên ngày 15/5 giữa bối cảnh những lo ngại về một đợt lây nhiễm COVID-19 thứ hai, căng thẳng giữa Mỹ - Trung Quốc gia tăng và sự không chắc chắn về thời gian cần thiết để phục hồi kinh tế sau dịch bệnh.
Tại thị trường Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 tăng 0,6% lên 20.037,47 điểm.

Trong khi tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong hạ 0,1% xuống 23.797,47 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải giảm 0,1% xuống 2.868,46 điểm.

Chứng khoán Mumbai và Jakarta đều giảm 0,9%. Chứng khoán Manila giảm 2% giữa bối cảnh nước này đang phải đối mặt với cơn bão Vongfong. Tuy nhiên, chứng khoán Sydney bật tăng hơn 1% cùng với chứng khoán Seoul, Đài Bắc và Bangkok cũng bật sắc xanh.

Văn Giáp (TTXVN)
Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành, thị trường chứng khoán sáng 13/5 vẫn giảm điểm
Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành, thị trường chứng khoán sáng 13/5 vẫn giảm điểm

Dù đón nhận thông tin tích cực từ việc Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành, nhưng sau 6 phiên tăng điểm liên tiếp, thị trường chứng khoán Việt Nam đối diện với áp lực chốt lời tăng mạnh của giới đầu tư.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN