Người dân TP Hồ Chí Minh chọn siêu thị khi hàng chợ tăng giá

Ghi nhận tại TP Hồ Chí Minh trong ngày 14/7, người dân thành phố tiếp tục đổ về điểm bán lẻ thuộc kênh phân phối hiện đại như: đại siêu thị, siêu thị, cửa hàng tiện lợi... để mua sắm lương thực, thực phẩm.

Theo đó, nhiều điểm bán lẻ trên địa bàn thành phố tiếp tục quá tải và phải huy động mọi nguồn lực, cũng như hoạt động hết công suất.

Chú thích ảnh
Nhân viên siêu thị Thành phố Hồ Chí Minh bổ sung hàng hóa đầy các quầy phục vụ người tiêu dùng. Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN

Ghi nhận tại TP Hồ Chí Minh trong ngày 14/7, người dân thành phố tiếp tục đổ về điểm bán lẻ thuộc kênh phân phối hiện đại như: đại siêu thị, siêu thị, cửa hàng tiện lợi... để mua sắm lương thực, thực phẩm. Theo đó, nhiều điểm bán lẻ trên địa bàn thành phố tiếp tục quá tải và phải huy động mọi nguồn lực, cũng như hoạt động hết công suất.

Mới 7 giờ sáng, tại Co.opXtra Phạm Văn Đồng, thành phố Thủ Đức đã tấp nập khách hàng đến mua sắm. Khách hàng được đội ngũ nhân viên hướng dẫn thực hiện đúng Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và biện pháp phòng chống dịch COVID-19 đang áp dụng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Sau đó, khách hàng được chia từng nhóm nhỏ đảm bảo giãn cách để lên Co.opXtra Phạm Văn Đồng (tầng 2 và 3) để mua sắm. Trong khu vực kinh doanh, khách hàng tiếp tục thực hiện biện pháp phòng chống dịch COVID-19 và xếp hàng chờ đến lượt được vào mua sắm, nhằm hạn chế tình trạng tập trung người cùng lúc tại quầy, kệ kinh doanh hàng hóa tiêu dùng thiết yếu.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, anh Đức Thuận, cư ngụ tại thành phố Thủ Đức chia sẻ, thực hiện giãn cách xã hội nên gia đình chỉ đi mua sắm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu mỗi tuần hoặc hai tuần một lần, nhưng không hiểu sao dạo này lượng người mua sắm tại siêu thị tăng so với trước đây. Bên cạnh đó, đôi khi xếp hàng đến lượt được vào mua thì lại rơi vào thời điểm một số mặt hàng chưa kịp được bổ sung lên quầy, kệ.

Đồng quan điểm, chị Thanh Dung, cư ngụ tại quận Gò Vấp cho hay, trước khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, gia đình sử dụng cả hai kênh mua sắm tại chợ truyền thống và siêu thị. Nhưng, hiện nay giá cả nhiều mặt hàng ngoài chợ tăng đột biến nên ưu tiên đi siêu thị mua hàng bình ổn thị trường. Mặt khác, giá cả hàng hóa tại kênh bán lẻ hiện đại nếu có tăng cũng không "té nước theo mưa" như ngoài chợ hoặc bán buôn trên mạng xã hội, nhỏ lẻ...

Còn nhiều người tiêu dùng khác tại TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, kênh bán lẻ hiện đại kiểm soát việc thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và biện pháp phòng chống dịch COVID-19 tốt hơn những kênh bán buôn khác, nên khi mua sắm tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi... người dân được đảm bảo an toàn sức khỏe hơn. Song song đó, người dân cũng có thể sử dụng kênh bán hàng online của nhiều nhà bán lẻ để mua sắm được hàng hóa tiêu dùng thiết yếu đúng giá và đảm bảo chất lượng.

Trong những ngày vừa qua, khu vực kinh doanh lương thực, thực phẩm, nhất là nhóm mặt hàng tươi sống tại kênh bán lẻ hiện đại luôn ở tình trạng có sức mua tăng cao và hút hàng. Đồng thời, nhân viên siêu thị phải nỗ lực bổ sung hàng hóa liên tục lên quầy, kệ để cắt giảm tối đa thời gian ngắn nhất bị đứt hàng cục bộ.

Đại diện Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết, dù chịu nhiều áp lực từ những chi phí phát sinh trong vận tải, vận chuyển, xét nghiệm, một số mặt hàng khó khăn cục bộ và rất nhiều khó khăn về nhân sự, nhưng hầu hết nhà bán lẻ đều quyết tâm không tăng giá hàng hóa để chia sẻ áp lực chi tiêu cùng người dân. Trên thực tế giá cả mặt hàng rau củ, quả, thịt, trứng, sữa, gạo... của hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food chưa có bất kỳ điều chỉnh tăng từ trước thời điểm giãn cách cho đến nay, dù giá những mặt hàng này trên thị trường đã tăng nhiều lần. 

Tuy nhiên, lợi dụng việc các nhà bán lẻ đồng hành cùng chính quyền TP Hồ Chí Minh triển khai bình ổn và người dân có nhu cầu cao, tại điểm bán lẻ như: hệ thống Saigon Co.op đã bắt đầu xuất hiện hiện tượng gom hàng đem ra ngoài bán để hưởng lợi từ mức giá chênh lệch hàng hóa. Điều này dẫn đến nguồn cung hàng hóa tiêu dùng thiết yếu bị mất cân đối cung - cầu, đứt hàng cục bộ và người dân có nhu cầu thật sự không mua được hàng. 

Thực trạng nêu trên đang xuất hiện ở nhóm mặt hàng trứng gia cầm, nên kênh bán lẻ hiện đại phải đưa ra thông báo đến khách hàng là hạn chế mỗi khách hàng chỉ được mua 2 vỉ trứng gia cầm các loại để đảm bảo mọi khách hàng có nhu cầu đều có thể mua dùng. Bên cạnh đó, các nhà bán lẻ cũng khẳng định, lượng hàng hóa đang đổ về điểm bán lẻ rất nhiều. Các những thủ tục vận tải, vận chuyển ngày càng được khai thông nên việc phân phối hàng hóa đến tay người dân đang ngày càng được thuận lợi và ổn định hơn. 

Báo cáo nhanh từ các nhà bán lẻ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cho thấy, hiện lượng khách hàng đến mua hàng tại điểm bán lẻ vẫn tăng so với thời điểm bình thường. Các đơn hàng online qua website và app cũng tăng từ 30-50%. Theo đó, sức mua trên thị trường bán lẻ tại TP Hồ Chí Minh đang duy trì ở mức cao và dự kiến kéo dài, khi người dân đang có tâm lý dự trữ lương thực, thực phẩm vì quan ngại tình hình dịch COVID-19.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, ngành công thương đang phối hợp UBND thành phố Thủ Đức, quận, huyện và ban quản lý các chợ truyền thống hướng dẫn tổ chức hoạt động thương mại trong thời gian tới. Cụ thể, yêu cầu các địa phương, các đơn vị quản lý chợ truyền thống đang tạm dừng hoạt động có thể lựa chọn vị trí, tổ chức điểm bán phù hợp tại khu vực chợ bảo đảm biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. 

Trước mắt, rà soát, thí điểm lựa chọn một số tiểu thương kinh doanh mặt hàng rau củ, quả... khoảng từ 2 đến tối đa 10 tiểu thương (tùy theo quy mô hoạt động của chợ). Đối với trường hợp nhiều tiểu thương có nhu cầu kinh doanh, đơn vị quản lý chợ sắp xếp, tổ chức cho tiểu thương kinh doanh theo hình thức luân phiên.

Mặt khác, hướng dẫn các tiểu thương chủ động chuẩn bị nguồn hàng, phân chia sẵn, đóng gói sản phẩm theo quy cách đồng giá để thuận tiện, nhanh chóng trong mua bán, hạn chế tối đa việc tiếp xúc giữa người bán - người mua. Thông qua khu phố, tổ dân phố để thông tin về việc tổ chức điểm bán đến người dân sinh sống trên địa bàn, phát thẻ ra vào chợ để kiểm soát số lượng...

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, tính đến hết ngày 13/7, cơ quan này đã tổ chức cấp giấy nhận diện phương tiện - tạo luồng xanh cho phương tiện lưu thông vận chuyển hàng hóa thiết yếu ra vào cảng, đi đến các tỉnh, thành phố với gần 19.000 xe thuộc 33 đơn vị vận tải; trong đó, xe phục vụ vận chuyển các mặt hàng thiết yếu chiếm khoảng 50%, còn lại xe ra vào các cảng hoặc quá cảnh qua thành phố... 

Toàn bộ quy trình cấp thẻ đều được Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh thực hiện online và miễn phí. Song song đó, việc cấp giấy nhận diện phương tiện đã giúp việc lưu thông hàng hóa của các phương tiện thuận lợi, nhất là tạo điều kiện cho các xe khi đi qua các chốt kiểm dịch tại các cửa ngõ ra vào TP Hồ Chí Minh.

Mỹ Phương - Thu Hương (TTXVN)
Không để 'đứt gẫy' lưu thông hàng hóa với TP Hồ Chí Minh
Không để 'đứt gẫy' lưu thông hàng hóa với TP Hồ Chí Minh

Chiều 13/7 tại Hà Nội, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tiếp tục họp với UBND 19 tỉnh khu vực phía Nam về các giải pháp bảo đảm vận tải thông suốt, không làm đứt gẫy chuỗi lưu thông hàng hóa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN