Nghiên cứu sản xuất thuốc lá nội thay cho thuốc ngoại nhập lậu

Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng trong bối cảnh chống buôn lậu gặp nhiều khó khăn và người dân vẫn giữ thói quen sử dụng thuốc lá ngoại nhập lậu, đặc biệt là 2 thương hiệu Zet và Hero.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết năm 2017 của Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (doanh nghiệp chiếm đến 65% thị phần thuốc lá điếu trong nước), Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đề nghị ngành Thuốc lá cần kiên trì với mục tiêu chống thuốc lá lậu.

"Người tiêu dùng có thói quen dùng thuốc lá Zet, Hero nhập lậu, nên Tổng Công ty Thuốc lá cần nghiên cứu sản xuất loại thuốc lá thay thế cho các loại thuốc này, nhằm giảm buôn lậu".

Tiêu hủy thuốc lá điếu nhập lậu thu được từ đầu năm 2017 tại Nhà máy xử lý rác thải (ấp tân Lợi, xã Tân Hưng, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh). Ảnh: Lê Đức Hoảnh/TTXVN

Ông Trần Sơn Châu, Tổng giám đốc Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam cho biết, năm 2018 sẽ là một năm khó khăn với ngành Thuốc lá nói chung và Tổng công ty nói riêng. Vấn nạn buôn lậu sẽ vẫn diễn biến phức tạp nếu không được đẩy mạnh kiểm soát tại khu vực biên giới và các điểm bán lẻ.

Ông Châu đề nghị Ban chỉ đạo 389 Quốc gia chỉ đạo quyết liệt các bộ ngành liên quan tăng cường đấu tranh phòng chống buôn lậu thuốc lá theo Chỉ thị 30/2014 của Thủ tướng, nghiên cứu xem xét không thực hiện tái xuất thuốc lá nhập lậu, thuốc lá bất hợp pháp nhằm tuân thủ Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế Thế giới.

Về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho biết đã chỉ đạo Cục Quản lý thị trường phối hợp với Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam tăng cường xử lý thuốc lá nhập lậu, đồng thời tuyên truyền về quy định hình sự hóa hành vi buôn lậu thuốc lá.

Cụ thể, từ ngày 1/1/2018, buôn bán thuốc lá nhập lậu bị xử lý hình sự trở lại như giai đoạn trước ngày 1/7/2015. Trước đó, theo Luật Đầu tư 67/2014/QH13, kể từ ngày 1/7/2015, hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu trong nội địa được miễn xử lý hình sự, thuốc lá điếu nhập lậu bị loại ra khỏi diện hàng cấm. Tuy nhiên, Luật sửa đổi Bộ luật hình sự số 12/2017/QH14 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018 đã bổ sung trở lại quy định “thuốc lá điếu nhập lậu là hàng cấm” tại khoản 40 và khoản 41 Điều 1.

Buôn lậu thuốc lá có sức hấp dẫn lớn với các đối tượng buôn lậu do lợi nhuận cao, trốn tất cả các loại thuế gồm thuế tiêu thụ đặc biệt 70%, Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá 1,5%, thuế giá trị gia tăng 10% và thuế nhập khẩu 135%. Theo thống kê của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, trung bình 6 tháng đầu năm ngoái, lượng thuốc lá ngoại nhập lậu được tiêu thụ ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây lên đến 225 triệu bao. Trong khi đó, theo báo cáo của An Giang và Long An, hai tỉnh có hoạt động buôn lậu thuốc lá rầm rộ nhất tại biên giới Tây Nam, số thuốc lá lậu thu giữ được... chưa tới 2 triệu bao.

Ngày 20/6/2017, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100 năm 2015. Theo đó sửa đổi Điều 190, Điều 191 theo hướng thuốc lá lậu là hàng cấm, truy cứu trách nhiệm hình sự, phạt tù từ 1 năm đến 5 năm đối với các trường hợp buôn bán, vận chuyển thuốc lá nhập lậu từ 1.500 bao đến 3000 bao; phạt tù từ 5 - 10 năm đối với các trường hợp vận chuyển từ 3.000 bao đến dưới 4.500 bao; và phạt tù tới 15 năm khi buôn bán, vận chuyển 4.500 bao thuốc lá điếu nhập lậu trở lên…


Hoàng Dương/Báo Tin tức
Bộ trưởng Công Thương giải trình về thuốc lá lậu, 12 dự án thua lỗ
Bộ trưởng Công Thương giải trình về thuốc lá lậu, 12 dự án thua lỗ

Sáng 1/11, giải trình ý kiến các đại biểu Quốc hội về tình hình buôn lậu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết không chỉ thuốc lá mà nhiều mặt hàng khác có lợi nhuận cao đều là điểm nóng buôn lậu do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN