Ngành thuế tìm cách hạn chế tình trạng phát sinh nợ ảo

Ông Lưu Đức Huy - Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) cho biết: Việc quy định khoanh nợ thuế trong Luật Quản lý thuế số 38 (Luật Quản lý thuế sửa đổi) sẽ khắc phục được bất cập phát sinh nợ ảo; đồng thời giảm thời gian, công sức cơ quan thuế phải theo dõi khoản nợ thuế không có khả năng thu hồi.

Chú thích ảnh
Ông Lưu Đức Huy - Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế). Ảnh: Đức Minh.

Theo ông Lưu Đức Huy, điểm mới cơ bản trong Luật Quản lý thuế số 38 lần này bổ sung quy định về khoanh tiền thuế nợ. Theo đó, đối với các đối tượng người nộp thuế đã chết hoặc được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự; người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp chờ giải thể; doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, cơ quan đăng ký kinh doanh đã thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được khoanh nợ thuế.

Hiện ngành thuế đang gấp rút xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành (nghị định, thông tư) để Luật Quản lý thuế số 38 có hiệu lực tháng 7/2020. Quy định này cũng nêu rõ thẩm quyền khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, phân cấp cho thủ trưởng cơ quan quản lý thuế; bổ sung quy định thời điểm không tính tiền chậm nộp đối với các trường hợp được khoanh nợ.

Luật Quản lý thuế số 38 cũng quy định về việc xóa nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt như: Bổ sung đối tượng được xoá nợ đối với hợp tác xã bị tòa án tuyên bố phá sản mà không còn tài sản để nộp thuế; mở rộng thẩm quyền của chủ tịch UBND cấp tỉnh được xóa nợ thuế đối với khoản nợ dưới 5 tỷ đồng trên cơ sở đề nghị của cục trưởng cục thuế, cục trưởng cục hải quan; Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan được xóa nợ đối với các trường hợp có tiền nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền xử phạt từ 5 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng.

 Bộ trưởng Bộ Tài chính được xóa nợ đối với các trường hợp có số nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền xử phạt từ 10 tỷ đồng đến dưới 15 tỷ đồng; Thủ tướng Chính phủ được quyền xóa nợ đối với các trường hợp nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt trên 15 tỷ đồng.

Theo Tổng cục Thuế, trong tổng số hơn 79.000 tỷ đồng nợ thuế, có hơn 39.000 tỷ đồng nợ không có khả năng thu. Đến nay sau khi phân loại, căn cứ vào các tiêu chí hiện hành, số nợ đủ điều kiện để xóa chỉ khoảng 9.000 tỷ đồng tiền chậm nộp và tiền phạt chậm nộp. Còn lại, chủ yếu là phần nợ gốc. Theo quy định của Luật Quản lý thuế số 38, từ 1/7/2020 nếu đảm bảo các điều kiện thì mới được xem xét để xóa nợ.

Trước đó, đại diện lãnh đạo Cục Thuế Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đều cũng chia sẻ: Cơ quan thuế gặp rất nhiều khó khăn khi quản lý một số khoản thuế nợ đọng, tốn nhiều công sức nhưng không thu được.

Theo ông Mai Sơn – Cục trưởng Cục Thuế thành phố Hà Nội, những năm gần đây, số nợ luôn có xu hướng năm sau giảm hơn so với năm trước. Tuy nhiên, tổng nợ giảm là do giảm nhóm nợ trên dưới 90 ngày, trong khi đó, nhóm nợ khó thu liên tục tăng qua các năm và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng nợ. “Số nợ khó thu tăng một phần do tăng nợ gốc, do phát sinh mới các trường hợp người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh, không khai báo với cơ quan thuế. Nhóm nợ khó thu chủ yếu thuộc trường hợp người nộp thuế không còn hoạt động nhưng không khai báo với cơ quan thuế (chiếm tới 85% tổng số nợ khó thu)”, ông Mai Sơn nói.

Tính đến tháng 8/2019, Cục Thuế thành phố Hà Nội có tới 314.680 người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh không khai báo với cơ quan thuế (trong đó: doanh nghiệp: 98.868 đối tượng, hộ kinh doanh: 215.812 đối tượng). Số nợ khó thu tăng cao chủ yếu do tăng tiền chậm nộp. Riêng tiền chậm nộp của nhóm khó thu tại Cục Thuế Hà Nội bình quân mỗi năm phát sinh gần 500 tỷ đồng.

Ông Lê Duy Minh - Phó Cục trưởng Cục thuế Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) cho rằng: Quy định nợ không được vượt quá 5% tổng thu ngân sách nhưng ở TP.HCM, số nợ phải lên tới 7 - 8% tổng thu ngân sách. Tính đến 31/12/2018 tổng nợ của thành phố là là 23.564 tỷ đồng, với con số này theo lãnh đạo cục thuế rất khó để hoàn thành chỉ tiêu thu nợ vì đây là số luỹ kế nhiều năm.

Trong 8 tháng năm 2019, thu ngân sách trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đạt gần 180 nghìn tỷ đồng, số nợ chỉ là hơn 2.000 tỷ đồng, tuy nhiên tính lũy kế, tổng số nợ của thành phố đã lên đến hơn 23,5 nghìn tỷ đồng. “Tới nay cục thuế đang quản lý 233 nghìn đối tượng không còn địa điểm kinh doanh. Với tổng số thuế nợ là 6.631 tỷ đồng, trong đó tiền chậm nộp là 2.138 tỷ đồng. Với số thuế nợ 6.631 tỷ đồng này, cứ qua 1 năm tiền chậm nộp sinh ra khoảng 10%, là 600 tỷ đồng cộng dồn vào tổng số nợ” - ông Lê Duy Minh nói.

                 7 đối tượng dự kiến được đề xuất xóa nợ thuế
Tại dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước đang được Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện để trình Chính phủ, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 tới đây, đã đề xuất 7 trường hợp được xử lý nợ thuế.

7 trường hợp dự kiến được đề xuất xóa nợ thuế, đó là: Thứ nhất, người nộp thuế là người đã chết, người bị tòa án tuyên bố là đã chết, mất tích hoặc mất năng lực hành vi dân sự

Thứ hai, người nộp thuế có quyết định giải thể gửi cơ quan quản lý thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh để làm thủ tục giải thể hoặc cơ quan đăng ký kinh doanh đã thông báo người nộp thuế đang làm thủ tục giải thể trên hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký kinh doanh nhưng người nộp thuế chưa hoàn thành thủ tục giải thể.

Thứ ba, người nộp thuế đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hoặc bị người có quyền, nghĩa vụ liên quan nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản.

Thứ tư, người nộp thuế không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan quản lý thuế đã phối hợp với UBND cấp xã, phường, thị trấn nơi người nộp thuế có trụ sở hoặc địa chỉ liên lạc để kiểm tra, xác minh thông tin người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh, địa chỉ liên lạc đã đăng ký với cơ quan quản lý thuế.

Thứ năm, người nộp thuế đã bị cơ quan quản lý thuế có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền hoặc đã bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã hoặc giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc giấy phép thành lập và hoạt động hoặc giấy phép hành nghề.

Thứ sáu, người nộp thuế bị thiệt hại vật chất do gặp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ hoặc trường hợp bất khả kháng khác theo quy định của Chính phủ.

Thứ bảy, người nộp thuế cung ứng hàng hoá, dịch vụ được thanh toán trực tiếp bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, bao gồm cả nhà thầu phụ được quy định trong hợp đồng ký với chủ đầu tư và được chủ đầu tư trực tiếp thanh toán nhưng chưa được thanh toán.
Minh Phương/Báo Tin tức
Nợ thuế không có khả năng thu hồi tăng
Nợ thuế không có khả năng thu hồi tăng

Theo thông tin từ Tổng cục Thuế, cơ quan thuế đã thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ và tính đến thời điểm 31/7/2019, ngành thuế đã thu được 19.440 tỷ đồng nợ thuế, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2018.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN