Ngành Thuế không đặt nặng việc tăng thu ngân sách từ cho thuê nhà

Theo ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, nguồn thu từ hộ kinh doanh và cá nhân, trong đó có hoạt động cho thuê nhà hiện chiếm tỷ trọng không lớn trong tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN). Ngành thuế không đặt nặng việc tăng thu mà quan trọng tạo môi trường công bằng, bình đẳng với các hoạt động kinh doanh khác.

Chú thích ảnh
Ế ẩm mặt bằng cho thuê vì COVID-19 bùng phát lần thứ 4. Ảnh: TTXVN.

Ông Đặng Ngọc Minh cho biết: Dự toán năm 2021 thu nội địa được Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính giao là 1.250 nghìn tỷ, trong đó, ước tính tổng số thu của các cá nhân, hộ kinh doanh (trong đó có hoạt động cho thuê nhà) chỉ khoảng 10.000 tỷ đồng. “Trong tổng số ngân sách, nguồn thu từ hộ kinh doanh, cá nhân là 10.000 tỷ đồng không phải là số thu lớn. Tuy nhiên, vì chính sách thuế có liên quan đến hộ gia đình, cá nhân, cho nên được người dân và dư luận quan tâm”, ông Đặng Ngọc Minh cho biết.

Thu ngân sách từ hộ kinh doanh và cá nhân chiếm tỷ trọng không lớn trong tổng thu ngân sách. Đơn cử như năm 2020, tổng thu NSNN khoảng 1.260.000 tỷ đồng nhưng số thu từ hoạt động của các hộ, cá nhân kinh doanh trong đó có hoạt động cho thuê nhà chỉ có gần 4.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 0,3% tổng số thu NSNN).

Thời gian qua, dư luận xôn xao về Thông tư 40/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 1/8 hướng dẫn thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, trong đó có hoạt động cho thuê nhà. 

“Chính sách thuế đối với hoạt động cho thuê nhà không có gì thay đổi so với trước đây. Thông tư 40 chỉ quy định một số biện pháp để đảm bảo công tác quản lý thuế sát với hoạt động cho thuê nhà, đảm bảo công bằng đối với các hoạt động kinh doanh, cũng như các hoạt động làm công ăn lương khác. Chúng tôi khẳng định, việc quản lý thuế đối với hoạt động cho thuê nhà được thực hiện theo đúng quy định của Luật Thuế GTGT số 31/2013/QH13, Luật Thuế số 71/2014/QH14 sửa đổi các luật về thuế, trong đó có thuế TNCN”, - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết.  

Theo đó, đối với các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thì không phải nộp thuế GTGT và thuế TNCN. Việc tính thuế cho thuê nhà sẽ tính trên doanh thu thực tế, cuối năm quyết toán nếu nộp thừa sẽ được bù trừ hoặc hoàn. Tại Điều 9 Thông tư 40 đã tạm tính doanh thu phát sinh và quyền lợi của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh sẽ được đảm bảo khi xác định lại vào năm dương lịch. 

Để tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, Nghị định 52/2021/NĐ-CP quy định hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh sẽ được giãn thời gian nộp thuế đến 31/12. “Như vậy trong năm 2021, nếu tại thời điểm 31/12, cá nhân xác định mình có doanh thu từ hoạt động cho thuê nhà bất kể bao nhiêu tháng, nhưng dưới 100 triệu đồng, chắc chắn sẽ không phải nộp thuế”, ông Đặng Ngọc Minh cho biết.

Để tạo điều kiện cho cơ quan thuế theo dõi, Thông tư cho phép cá nhân cho thuê nhà có thể kê khai thuế theo từng lần phát sinh (vì một người có thể có nhiều hợp đồng, cho thuê ở nhiều địa bàn khác nhau, mà việc thu thuế cho thuê nhà là thực hiện tại chi cục thuế, nơi có nhà cho thuê), hoặc cá nhân cũng có thể kê khai theo năm.

Trong quá trình thực hiện, trách nhiệm luôn luôn thuộc về người đứng ra kê khai, cơ quan thuế sẽ tạo điều kiện cho các cá nhân, cũng như hộ kinh doanh thực hiện nghĩa vụ nộp thuế; đồng thời phải có trách nhiệm giám sát, đối chiếu chéo các hoạt động kinh doanh, cũng như hoạt động cho thuê nhà nói riêng để đảm bảo tính công bằng.

Trước đó, Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) có văn bản kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét lại quy định nộp thuế đối với trường hợp kinh doanh cho thuê nhà theo hướng khuyến khích phát triển thị trường nhà cho thuê phát triển công bằng, bền vững hơn là tận thu.

Theo HoREA, quy định đánh thuế TNCN đối với doanh thu cho thuê nhà trên 100 triệu đồng/năm chưa hợp lý, vì chưa xem xét mức giảm trừ gia cảnh của người có nhà cho thuê.

“Mặc dù Khoản 2 Điều 13 và Khoản 4 Điều 14 Luật Nhà ở 2014 ‘khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia phát triển nhà ở để cho thuê, cho thuê mua, bán theo cơ chế thị trường… Đối với đô thị loại đặc biệt, loại 1 và loại 2 chủ yếu phát triển nhà chung cư và xây dựng nhà ở để cho thuê’ nhưng thực tế, phân khúc thị trường nhà cho thuê vẫn còn chiếm tỷ lệ rất thấp, mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu thuê nhà của người nước ngoài, công nhân lao động, người nhập cư, hoặc cho thuê nhà, một phần nhà làm văn phòng, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chính phủ, Bộ Tài chính nâng hạn mức doanh thu cho thuê nhà trên 200 triệu đồng/năm mới phải chịu thuế nhằm khuyến khích phát triển thị trường cho thuê; đồng thời gián tiếp hỗ trợ người đi thuê nhà không bị tăng giá trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp.

Minh Phương/Báo Tin tức
Đề xuất đánh thuế nhà ở: Cần cân nhắc và tính toán hợp lý
Đề xuất đánh thuế nhà ở: Cần cân nhắc và tính toán hợp lý

Thừa nhận việc xây dựng Luật Thuế tài sản là cần thiết và phải tính đến, tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng Bộ Tài chính cần cân nhắc tới thời điểm ban hành và đặc biệt là đề xuất ngưỡng chịu thuế/không chịu thuế đối với nhà ở là 700 triệu đồng hoặc 1 tỷ đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN