Ngân hàng Việt được ‘rót’ vốn ngoại

Khoản đầu tư của GIC và Mizuho vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận giúp vốn điều lệ của Vietcombank tăng lên 37,1 nghìn tỷ đồng. Không phải bây giờ mà vài năm gần đây, hàng loạt ngân hàng Việt đã rất tích cực khai thác nguồn vốn từ các định chế tài chính quốc tế.

Chú thích ảnh
Khơi thông vốn ngoại vào ngân hàng. Ảnh: CTV

Mới đây nhất, Mizuho Financial Group, Tập đoàn tài chính lớn thứ 3 Nhật Bản đã được NHNN chấp thuận mua thêm 16.666.431 cổ phần mới để duy trì mức sở hữu 15,0% cổ phần Vietcombank. Ngoài ra, một nhà đầu tư khác là GIC đã mua 94.442.442 cổ phần mới tương đương với việc sở hữu 2,55% cổ phần Vietcombank. Theo Vietcombank,  khoản đầu tư của GIC và Mizuho đã làm tăng vốn điều lệ của Vietcombank lên 37,1 nghìn tỷ đồng.

Trước đó, BIDV đã thông qua phương án bán vốn cho đối tác chiến lược KEB Hana Bank. Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông của BIDV- mã chứng khoán BID đã thông qua phương án chào bán cổ phần và tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Phía BIDV dự kiến phát hành khoảng 603,3 triệu cổ phần, tương đương 17,65% vốn điều lệ hiện tại (34.187 tỷ đồng) và 15% qui mô vốn điều lệ sau phát hành. 

Nếu thực hiện thành công, BIDV sẽ nâng mức vốn điều lệ lên 40.220 tỷ đồng. Đối tượng phát hành lần này là nhà đầu tư chiến lược nước ngoài KEB Hana Bank (Hàn Quốc) với thời điểm phát hành dự kiến năm 2018- 2019. Nhà đầu tư chiến lược sẽ không được chuyển nhượng cổ phần thuộc sở hữu của mình trong thời hạn tối thiểu 5 năm kể từ ngày lần đầu tiên trở thành cổ đông của BIDV theo qui định.

Theo lãnh đạo BIDV, mục tiêu của việc chào bán cổ phần riêng lẻ lần này là nhằm tăng cường năng lực tài chính để mở rộng hoạt động kinh doanh và đảm bảo các tỷ lệ an toàn trong hoạt động theo qui định hiện hành; đồng thời, góp phần thực hiện các mục tiêu chiến lược kinh doanh của ngân hàng và cam kết với cổ đông.

Để hút vốn ngoại, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV kiến nghị: Chính phủ và NHNN sớm tháo gỡ các điều kiện ràng buộc trong việc chuyển nhượng cho nhà đầu tư nước ngoài để BIDV có thể hoàn tất giao dịch bán chiến lược cho nhà đầu tư ngoại.

Tính đến thời điểm này, hàng loạt các ngân hàng thương mại (NHTM) như: SHB, OCB, VPBank, VIB, ABBank, TPBank, VietinBank, LienVietPostBank… đã thành công trong các hợp đồng vay hợp vốn và nhận các khoản tài trợ từ các định chế tài chính quốc tế. Ví dụ, HDBank thu hút dòng vốn ngoại nhiều nhất năm 2018, trước hết là đến từ độ mở của room ngoại còn gần 10% và được HDBank kiểm soát khá tốt. Nhờ đó, khi HDBank chào bán 20% cổ phần cho nhà đầu tư ngoại và lên kế hoạch chi tiết cho việc niêm yết trên sàn HoSE, nhiều định chế tài chính lớn đang đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam như: Credit Saison (Nhật), Deutsche Bank AG (Đức), JP Morgan Việt Nam Opportunities Fund, CAM Bank (Nhật Bản), Dragon Capital (Anh), Vina Capital…đã đồng loạt đang ký tham dự. Kết quả là, các nhà đầu tư này đã chi ra 300 triệu USD (hơn 6.800 tỷ đồng) để sở hữu 21,5% cổ phần hiện hữu của HDBank.

Theo các chuyên gia ngân hàng, việc vay vốn ngoại tệ từ các định chế tài chính nước ngoài một mặt giúp các ngân hàng thương mại đẩy mạnh được hoạt động kinh doanh, đáp ứng được nhu cầu vay mượn ngoại tệ trong nước. Khi có được các nguồn vốn vay ngoại tệ từ các định chế tài chính quốc tế, các ngân hàng có thể đáp ứng kịp thời nhu cầu ngoại tệ của khách hàng là các doanh nghiệp xuất - nhập khẩu. Từ đó, giữ chân nhóm khách này và thực hiện bán chéo thêm các sản phẩm khác. Chưa kể rằng nếu chuyển ngoại tệ thành tiền đồng thì có thể cho vay trung dài hạn với mức lãi suất trung bình 10,5-11%/năm. Khi đó, biên độ lợi nhuận từ chênh lệch lãi suất sẽ được kéo giãn.

Không phủ nhận cơ hội mở ra cho ngân hàng nội khi có sự tham gia của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là rất lớn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, cần thận trọng xem xét việc nới room cho các nhà đầu tư ngoại để đảm bảo sự an toàn và ổn định của cả hệ thống tài chính; nếu mở chỉ nên mở với từng loại hình tổ chức tín dụng cụ thể và có lộ trình. 

Hiện, tỷ lệ sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Nghị định số 01/2014 (khoản 5, điều 7), là không vượt quá 30% vốn điều lệ của một NHTM Việt Nam. Tuy nhiên, hiện tại 3 trong 4 “ông lớn” ngành ngân hàng là BIDV, Vietinbank và Vietcombank đang có room nước ngoài là 35% và sắp tới định hướng của Chính phủ sẽ nới room này lên tới 49%.

Theo Tiến sỹ, Luật sư Bùi Quang Tín, chủ trương nới room ngoại cho một số “ông lớn” ngân hàng là cần thiết để đáp ứng nhu cầu hội nhập và cạnh tranh với các ngân hàng quốc tế. “Việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài phù hợp trong giai đoạn hiện nay vì như thế không chỉ giúp các ngân hàng thu hút lượng vốn lớn của các nhà đầu tư nước ngoài, góp phần nâng cao năng lực về vốn, về quản trị điều hành, quản trị rủi ro và các tiêu chuẩn khác của ngân hàng theo thông lệ quốc tế”, ông Tín nói. 

Để quản lý room nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 986 phê duyệt chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam, trong đó nêu cụ thể hướng giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại BIDV, Vietinbank và Vietcombank nhằm đảm bảo tỷ lệ sở hữu Nhà nước ở mức 51%, điều này cũng có nghĩa các ngân hàng sẽ có điều kiện hút vốn từ nước ngoài khi sở hữu Nhà nước giảm từ mức 65% sở hữu hiện nay.

Ngoài ra, Bộ Tài Chính cũng đang soạn thảo sửa đổi Luật Chứng khoán với ý định dỡ hạn chế sở hữu nước ngoài với doanh nghiệp Nhà nước và công ty niêm yết vào cuối năm 2019. Theo đó, giới hạn sở hữu nước ngoài trong lĩnh vực hàng không và ngân hàng dự kiến được nâng nhưng không vượt quá 50%.

 

Minh Phương/Báo Tin tức
Bảo hiểm Việt ngày càng hút vốn ngoại
Bảo hiểm Việt ngày càng hút vốn ngoại

Theo ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), riêng đối với lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, nơi tập trung đa số các nhà đầu tư nước ngoài, chỉ trong 3 năm (2016 - 2018), vốn chủ sở hữu tăng bình quân 30%/năm, tổng doanh thu phí bảo hiểm tăng bình quân 30%/năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN