Ngân hàng tập huấn phòng chống rửa tiền, tuân thủ cấm vận và FATCA 2020

Với sự tham dự của hơn 200 học viên là lãnh đạo và cán bộ thuộc các đơn vị nghiệp vụ tại trụ sở chính và các chi nhánh khu vực miền Bắc và miền Trung, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - VCB) tổ chức Hội thảo tập huấn về phòng chống rửa tiền/chống tài trợ khủng bố, tuân thủ cấm vận và Đạo luật tuân thủ thuế đối với các tài khoản ở nước ngoài của Hoa Kỳ (FATCA) năm 2020.

Đại diện Vietcombank chia sẻ: Mục tiêu của buổi Hội thảo là tổng hợp các hoạt động tiêu biểu trong triển khai tuân thủ phòng chống rửa tiền năm 2020 cũng như một số kết quả đã đạt được tại Dự án tư vấn nâng cao năng lực phòng chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố tại VCB; tập huấn, đào tạo nghiệp vụ, cập nhật quy định chính sách và hướng dẫn sử dụng hệ thống liên quan về phòng chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố, tuân thủ cấm vận và FATCA và truyền thông về các xu hướng tội phạm rửa tiền, tài trợ khủng bố, cấm vận tại Việt Nam và trong khu vực.

Theo bà Đinh Thị Thái - Phó Tổng giám đốc Vietcombank, vai trò và tầm quan trọng của công tác phòng chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố, tuân thủ cấm vận trong hoạt động kinh doanh của Vietcombank, đặc biệt trong bối cảnh Vietcombank đang nỗ lực để đạt được mục tiêu chiến lược phát triển thành 1 trong 300 định chế tài chính lớn nhất toàn cầu, có sự hiện diện kinh doanh trên phạm vi thế giới. 

Phó Tổng giám đốc Đinh Thị Thái cũng bày tỏ sự mong muốn các đại biểu tham dự Hội thảo nghiêm túc tập trung tiếp thu đầy đủ nội dung đào tạo, tích cực tham gia trao đổi thảo luận cũng như tiếp tục truyền thông trong đơn vị mình để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác tuân thủ.

Chú thích ảnh
Bà Đinh Thị Thái – Phó Tổng giám đốc phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: VCB.

Trong khuôn khổ Hội thảo, các chuyên gia tại Phòng Phòng chống rửa tiền – Trụ sở chính Vietcombank và các chuyên gia tư vấn cao cấp trong lĩnh vực quản trị rủi ro từ Công ty tư vấn PwC Việt Nam đã  tập huấn, đào tạo các nội dung nghiệp vụ phong phú, chia sẻ tiến trình triển khai các Dự án về phòng chống rửa tiền tại Vietcombank và những trường hợp thực tế về phòng chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố, tuân thủ cấm vận và FATCA trên thế giới, tại Việt Nam và Vietcombank nói riêng.

Nội dung thông tin qua truyền đạt trực tiếp của đại diện Ban lãnh đạo, lãnh đạo Phòng chống rửa tiền và các chuyên gia tư vấn từ PwC đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cán bộ tham gia buổi hội thảo. Cuối buổi hội thảo, các cán bộ đã thực hiện bài kiểm tra nghiêm túc và đầy đủ. Các đại biểu đánh giá các nội dung được chia sẻ tại Hội thảo thực sự hữu ích, giúp các đơn vị nắm rõ yêu cầu và cách thức triển khai hiệu quả để đảm bảo tính tuân thủ, góp phần phát triển công tác phòng chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố, tuân thủ cấm vận và FATCA tại Vietcombank.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã tổ chức Hội nghị trực tuyết tập huấn triển khai Nghị định số 81/2019/NĐ-CP về phòng, chống vũ khí hủy diệt hàng loạt; Nghị định số 87/2019/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền và Thông tư 20/2019/TT-NHNN sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 35/2013/TT-NHNN về phòng chống rửa tiền.

Theo ông Phạm Huyền Anh - Phó Chánh thanh tra Cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng, trong thời gian qua, với vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống rửa tiền, NHNN đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành theo chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống rửa tiền xây dựng các nội dung báo cáo cho đánh giá đa phương APG của Việt Nam; NHNN đã tham mưu, dự thảo trình Chính phủ ký ban hành Nghị định 87 sửa đổi bổ sung Nghị định 116 và đồng thời ban hành Thông tư 20 sửa đổi Thông tư 35. Bộ Quốc phòng cũng đã tham mưu, dự thảo trình Chính phủ ký ban hành Nghị định 81.

M.Phương/Báo Tin tức
Những luật và quy định nào về phòng chống rửa tiền có tầm ảnh hưởng lớn?
Những luật và quy định nào về phòng chống rửa tiền có tầm ảnh hưởng lớn?

Hiện có rất nhiều luật và quy định liên quan đến thực hành phòng, chống rửa tiền (AML) trên toàn cầu. Tuy nhiên theo nhận định của một số chuyên gia tài chính, có 5 luật/quy định tuân thủ về AML của các tổ chức được cho là có tầm ảnh hưởng lớn nhất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN