Ngân hàng ồ ạt báo lãi

Tính đến ngày 29/7, có khoảng 20  ngân hàng báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, trong đó nhiều ngân hàng đạt lợi nhuận nghìn tỷ đồng.

Chú thích ảnh
Khách hàng giao dịch tại ngân hàng. Ảnh minh họa: KLB.

Vietcombank giữ vị trí đầu với lợi nhuận hơn 11.300 tỷ đồng, tăng trưởng 41% so với cùng kỳ năm trước. 

Tiếp theo là Techcombank công bố mức lãi 5.661 tỷ đồng, tăng trưởng 9% so với cùng kỳ năm ngoái; MB Bank đạt lợi nhuận trước thuế đạt hơn 4.800 tỷ đồng, tăng 27,3% so với cùng kỳ năm trước. 

Với tổng lợi nhuận trước thuế đạt gần 567 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm, MSB đã có sự tăng trưởng ngoạn mục, tăng hơn 192 % so với cùng kỳ. Kết quả này có được chủ yếu do tăng trưởng thu nhập lãi thuần và thu từ phí dịch vụ. Tỷ lệ nợ xấu cũng luôn được MSB kiểm soát tốt dưới 3% theo quy định. Tại thời điểm 30/6, tỷ lệ nợ xấu của MSB ở mức 2,18%.

Kết thúc 6 tháng đầu năm nay, ABBank đạt 517 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tổng tài sản đạt 91.236 tỷ đồng. Hoạt động huy động và cho vay của ABBank cũng ghi nhận sự tăng trưởng tích cực với huy động từ khách hàng đạt 64.278 tỷ đồng, tương đương 104% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 78% kế hoạch năm 2019. Nợ xấu đến hết quý II/2019 kiểm soát ở mức 1,44%, giảm so với cùng kỳ năm ngoái. 

LienVietPostBank cũng vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019 với mức tăng trưởng ấn tượng. Lợi nhuận trước thuế của LienVietPostBank đạt 1.116 tỷ đồng, bằng 181% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 59% mục tiêu kế hoạch năm 2019. Có được kết quả khả quan này là do ngân hàng đã thay đổi cơ cấu nguồn thu, dẫn đến tỷ trọng thu nhập từ các mảng kinh doanh chủ đạo phát huy hiệu quả rõ rệt.

Theo LienVietPostBank , thu thuần dịch vụ, hoạt động ngoại hối cũng có những chuyển biến tích cực, cao hơn 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước, qua đó nâng cao tỷ trọng nguồn thu ngoài lãi trong tổng thu nhập. Dự kiến đến cuối năm nay, thu thuần dịch vụ đạt mức cao nhất trong 11 năm hoạt động của Ngân hàng. 

Bà Trần Tuấn Anh – Tổng Giám đốc Kienlongbank cho biết: Từ đầu năm đến nay, hầu hết các mảng kinh doanh của Kienlongbank đều có kết quả tích cực, phần lớn nguồn thu của Kienlongbank đến từ nguồn thu lãi trong hoạt động tín dụng và thu dịch vụ. Năm 2019, Kienlongbank đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 50.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 306 tỷ đồng, kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 2%, phấn đấu tất toán toàn bộ 100% trái phiếu đặc biệt của khoản nợ đã bán Công ty VAMC trước ngày 31/12. 

Mặc dù các ngân hàng hồ hởi báo lãi nhưng NHNN vẫn rất thận trọng về nguồn vốn tín dụng đang chảy mạnh vào bất động sản sẽ tạo rủi ro cho nền kinh tế

Theo quy định của NHNN, lộ trình "siết" tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản từ năm 2019 với việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn dùng cho vay trung, dài hạn từ 45% xuống 40%; tăng hệ số rủi ro từ 150% lên 200%. Theo lộ trình dự kiến những năm tiếp theo, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn sẽ tiếp tục giảm còn 35% vào năm 2020 và 30% ở năm kế tiếp, đồng thời nâng hệ số rủi ro của ngành này lên 250 - 300%. Quy định này được đưa ra nhằm hạn chế tín dụng vốn đã và đang chảy mạnh vào lĩnh vực bất động sản trong các năm vừa qua.

Mặc dù các ngân hàng thương mại đã áp dụng giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn dùng cho vay trung, dài hạn từ 45% xuống 40% ngay từ đầu năm 2019 nhưng tín dụng chảy vào bất động sản vẫn ở mức cao. Số liệu từ Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho thấy, nếu tính cả tiền cho vay mua, sửa nhà "núp bóng" vay tiêu dùng thì tín dụng đổ vào bất động sản đang chiếm tới 40%.

Trước tình hình này, mới đây NHNN đã điều chỉnh cơ cấu cho vay bất động sản. Trong 6 tháng đầu năm 2019, tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đã được kiểm soát theo hướng giảm dần tỷ trọng cấp tín dụng kinh doanh bất động sản, tăng dần tỷ trọng tiêu dùng bất động sản, hướng nguồn vốn đến phân khúc nhà ở đáp ứng nhu cầu thực của người dân.

Cụ thể: Dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 7,33% so với cuối năm 2018, riêng lĩnh vực bất động sản, dư nợ tín dụng đạt gần 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 6,5% so với cuối năm 2018. Trong đó, tín dụng kinh doanh bất động sản đạt 473.700 tỷ đồng, tăng 2,5% so với năm 2018; tín dụng tiêu dùng bất động sản (không phục vụ mục đích kinh doanh bất động sản) đạt 919.600 tỷ đồng, tăng 9,4% so với năm 2018.

 

Minh Phương/Báo Tin tức
Việt Nam hấp dẫn các ngân hàng Hàn Quốc
Việt Nam hấp dẫn các ngân hàng Hàn Quốc

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, các ngân hàng Hàn Quốc đang đẩy nhanh các nỗ lực nhằm nắm bắt cơ hội kinh doanh tại Việt Nam, một thị trường tăng trưởng nhanh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN