Ngân hàng Nhà nước nói gì về tín dụng rót vào bất động sản, chứng khoán? 

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước (NHNN), dòng tín dụng đầu tư vào bất động sản và chứng khoán hiện tăng không quá mạnh. NHNN vẫn đang kiểm soát chặt chẽ về tính rủi ro.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế.

Tín dụng vào các lĩnh vực "nóng" có xu hướng giảm

Ước tính cuối tháng 6/2021, tăng trưởng tín dụng bất động sản chỉ khoảng 5,5%, thấp hơn mức tăng trưởng chung toàn ngành. Trước đó, tín dụng bất động sản cuối tháng 4/2021 tăng 4,83%. “Khoảng 3 năm trở lại đây, tăng trưởng tín dụng vào bất động sản có xu hướng chậm lại rõ rệt, năm 2018 tăng khoảng 26,76%; năm 2019 là 21%; năm 2020 là 11,89%”, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết.

Kết thúc tháng 6/2021, dự kiến tăng trưởng tín dụng lĩnh vực chứng khoán không thay đổi nhiều, chỉ tăng 400 - 500 tỷ đồng so với cuối tháng 4/2021 là 46.700 tỷ đồng. Dư nợ lĩnh vực chứng khoán chiếm khoảng 0,48% tổng dư nợ nền kinh tế, không thay đổi nhiều so với tháng 4 và 5/2021.

“Tín dụng bất động sản tăng chậm chủ yếu do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các hoạt động đầu tư giảm mạnh, thậm chí mức tăng trên còn thấp hơn đà tăng trưởng tín dụng bình quân cùng năm”, đại diện Vụ Tín dụng các ngành Kinh tế cho biết. Trong tháng 3 và 4/2021, giá bất động sản tăng đột biến trên diện rộng, đặc biệt giá đất nền. Tuy nhiên, sau khi Chính phủ có chỉ đạo quyết liệt, NHNN đã đưa ra phân tích, cảnh báo rủi ro tiềm ẩn trong đầu tư bất động sản nên giá đất nền tại một số địa phương hiện giảm tương đối nhiều. 

“Một số địa phương kiểm soát tốt, thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ là công khai quy hoạch các dự án cũng góp phần xử lý cơ bản hiện tượng tăng ‘nóng’, góp phần giảm ‘sốt’ đất”, ông Tuấn Anh chia sẻ. Với mức tăng hiện tại, NHNN vẫn kiểm soát tốt nhưng NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) đánh giá lại, kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng trong từng lĩnh vực.

Đối với lĩnh vực chứng khoán, hết tháng 6/2021, tăng trưởng tín dụng chứng khoán dự kiến đạt 46.700 tỷ đồng, chỉ tăng 400 - 500 tỷ đồng so với tháng 4 và 5/2021, trong khi thị trường chung cũng tăng lên, dẫn đến tỷ trọng cho vay lĩnh vực này vẫn ở mức thấp so với tổng dư nợ.

Ông Nguyễn Tuấn Anh cho rằng: Chứng khoán là lĩnh vực mà nhiều cơ quan quản lý, người dân quan tâm, đặc biệt khi thời gian qua thị trường này biến động liên tục nên cần tập trung kiểm tra, kiểm soát hoạt động đầu tư. Thời gian tới, NHNN sẽ có các giải pháp giám sắt chặt chẽ hoạt động cho vay, đặc biệt hạn chế việc lách luật để cho vay lĩnh vực này, sử dụng vốn sai mục đích, tăng cường giám sát các tổ chức tín dụng, người vay, mục đích vay…

Trong 6 tháng đầu năm, cơ cấu tín dụng tiếp tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên; có 3/5 lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng tích cực (xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng tín dụng của toàn nền kinh tế. Dự kiến cuối tháng 6/2021, tín dụng nông nghiệp, nông thôn ước tăng 4,8%; tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 3,9%; tín dụng xuất khẩu tăng 9%; tín dụng công nghiệp hỗ trợ tăng 6,94% và lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 14,5%.

Với trái phiếu doanh nghiệp, số liệu từ NHNN cho thấy: Dư nợ hiện nay là 257.700 tỷ đồng, chiếm 2,6% tổng dư nợ; Đến hết tháng 6/2021 sẽ chỉ tăng thêm khoảng 2.000 tỷ đồng. Theo lãnh đạo NHNN, đây không phải là tỷ lệ quá lớn nhưng hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp khá nhạy cảm và NHNN coi đây là một trong những nhiệm vụ giám sát kiểm tra chặt chẽ. “Tinh thần là không chủ quan, NHNN sẽ giám sát dòng tiền đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp thời gian tới”, ông Tuấn Anh khẳng định.

Hướng dòng tiền an toàn vào thị trường bất động sản, chứng khoán

Tại buổi hop báo hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm diễn ra ngày 21/6, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho rằng: Trong nền kinh tế, 3 thị trường tiền tệ, bất động sản, chứng khoán luôn thông nhau và việc dòng tiền dịch chuyển trong 3 thị trường này là điều bình thường. Mục tiêu của NHNN là tạo điều kiện cho cả 3 thị trường phát triển, nhưng phải điều hướng dòng tiền để đảm bảo an toàn cho thị trường, không tạo "bong bóng".

“Bộ Tài chính quản lý thị trường chứng khoán, trái phiếu, NHNN quản lý thị trường tiền tệ, tín dụng, vấn đề đặt ra là làm sao để các thị trường thông nhau, nhưng vẫn đảm bảo thị trường bất động sản, chứng khoán không tạo bong bóng”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết. Cơ quan quản lý tiền tệ đã có chỉ đạo với những ngân hàng có dư nợ cho vay bất động sản lớn, tỷ lệ tăng "nóng" thời gian qua.

Theo đánh giá của lãnh đạo NHNN, nhìn chung, tăng trưởng tín dụng bất động sản của hệ thống chưa cao, thậm chí giảm so với những năm trước, nhất là những phân khúc kinh doanh bất động sản, dự án cao cấp, dự án có tính chất đầu cơ. Với thị trường bất động sản phục vụ nhu cầu nhà ở của người dân, nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp, NHNN vẫn khuyến khích cho vay.

Bài và ảnh: Minh Phương/Báo Tin tức
Tín dụng tăng trưởng 5,1% trong bối cảnh ‘làn sóng’ thứ 4 COVID-19
Tín dụng tăng trưởng 5,1% trong bối cảnh ‘làn sóng’ thứ 4 COVID-19

Tại buổi họp báo thông tin hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm diễn ra sáng 21/6, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: Với các giải pháp điều hành đồng bộ, tính đến ngày 15/6, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 5,1% so với cuối năm 2020 (cùng kỳ năm 2020 tăng 2,26%). 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN